29/12/2012 14:22 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng Stedelijk mới, một công trình kiến trúc cực kỳ độc đáo mang hình chiếc bồn tắm khổng lồ, được xây mới trên nền bảo tàng cũ cùng tên, vừa hoàn thành và mở cửa từ cuối tháng 9 ở Amsterdam (Hà Lan).
"Mới đầu tôi không thể nhớ mình đã thấy công trình kiến trúc nào kỳ quặc hơn Bảo tàng Stedelijk (mới) này. Hình dáng trông như cái bồn tắm, hoàn thành chậm tiến độ sau một năm khủng hoảng kinh tế và đói kém tin tức, một thời kỳ thất thường nhưng khoan dung với các mẫu thiết kế bảo tàng, thứ đang dần tàn lụi cùng với nền kinh tế thế giới", nhà báo Michael Kimmelman của New York Times viết.
Bảo tàng Stedelijk mới nhìn từ trên xuống và dưới lên.
"Cái bồn tắm" khác thường
Bảo tàng Stedelijk là công trình được xây dựng từ năm 1874. Mẫu kiến trúc cũ vừa bị thay thế là của KTS Adriaan Willem Weissman thiết kế vào năm 1895. Đây là nơi lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại (từ đầu thế kỷ 20 đến nay) có giá trị của các nghệ sĩ như Vincent van Gogh, Wassily Kandinsky, Henri Matisse, Jackson Pollock, Andy Warhol…
Bảo tàng Stedelijk vốn tiên phong trong việc sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại và sau chiến tranh ở châu Âu. Mục đích hoạt động của nó được các bảo tàng khác ở Hà Lan nhanh chóng học tập. Bảo tàng đã trở thành một "cung điện" của nghệ thuật đương đại.
Nhưng giờ đây, trong bài viết trên New York Times, Michael Kimmelman đánh giá thấp kiến trúc của Bảo tàng Stedelijk mới: "So với những thiết kế không kiểu cách, sử dụng chi phí hiệu quả, hầu như là để sám hối sau khủng hoảng kinh tế như Bảo tàng Nghệ thuật Parrish ở Hamptons (New York, Mỹ), đây là một bước lùi".
Tại sao lại là "cái bồn tắm" (danh từ này hiện đã trở thành "nickname" của bảo tàng)? Đó là một câu hỏi trị giá 170 triệu USD - chi phí xây dựng Bảo tàng Stedelijk, phần lớn kinh phí được lấy từ quỹ công của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, hãng xây dựng Benthem Crouwel có trụ sở ở Amsterdam đã không đưa ra lời giải thích. Chỉ biết rằng, kiến trúc sư trưởng Mels Crouwel cho biết "cái bồn tắm" mang lại nét khác thường cho khung cảnh xung quanh.
Mục đích của việc xây dựng lại là làm mới bảo tàng cũ và cơi nới không gian triển lãm cộng với một nhà hàng và trung tâm mua sắm ở tầng trệt, cửa và tường đều bằng kính, đối diện với quảng trường Museum.
Kỳ quặc hay đột phá?
Tọa lạc trên một diện tích hơn 12.000m2, bảo tàng lấy tầng một làm cột trụ và "cái bồn tắm" màu trắng bắt đầu từ tầng hai. Mái của "cái bồn tắm" vươn rộng, phủ bóng lên một phần đường phố ở phía tây bắc. Gần đó là các bảo tàng Plaza và Van Gogh nổi tiếng của thành phố Amsterdam.
Stedelijk được xây lại với kiến trúc mới theo phong cách kỳ quái không phải là hiện tượng nằm ngoài quy luật. Bảo tàng này đã bị lu mờ ở châu Âu vì sự xuất hiện của nhiều bảo tàng khác có kiến trúc độc đáo, đầu tiên là Georges-Pompidou ở Paris.
Bị Georges-Pompidou qua mặt, Stedelijk đã tuyển những kiến trúc sư nổi tiếng như Robert Venturi hay Álvaro Siza để sửa sang lại, nhưng những dự án của họ không thể thực hiện. Sau đó, ở châu Âu có thêm các bảo tàng như Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha) hay Tate Modern ở London (Anh). Thiết kế mới hình bồn tắm hiện nay như thể một nỗ lực tuyệt vọng của Stedelijk để bắt kịp các "đối thủ" sau nhiều lần bị qua mặt.
Thành phố Amsterdam đã trải qua một thập kỷ mệt mỏi với nhiều cơ sở hạ tầng tốn kém được xây dựng, phần lớn chưa hoàn thành và có tầm nhìn hạn chế. Người dân ở thủ đô này đang tức giận và vỡ mộng. Trong hoàn cảnh đó, việc Bảo tàng Stedelijk mới được hoàn thành cùng với một công trình khác, Viện phim Eye của Hà Lan do kiến trúc sư người Áo Delugan Meissl thiết kế, được người dân đón nhận nồng nhiệt.
Cảm giác chung là nhẹ nhõm vì ít nhất cũng có những công trình hoàn tất. Điều này đáng chú ý bởi thủ đô Amsterdam vốn không quen có thái độ cởi mở với những công trình kiến trúc lạ, có tính pha trộn.
"Đó là một phản ứng tốt đẹp, thậm chí đáng trân trọng, nhưng "cái bồn tắm" thì không", theo nhà báo Michael Kimmelman. Mặc dù vậy, hầu như chỉ có nhà báo của New York Times là có phản ứng gay gắt với kiến trúc của bảo tàng, các báo quốc tế khác đều đề cập đến với thái độ trung lập.
Kiến trúc sư trưởng Mels Crouwel là người làm việc cho Chính phủ Hà Lan trong nhiều năm. Các công trình của ông thông thường vẫn đáng tin cậy và có tính công nghiệp.
Huyền Mi (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất