Phụ nữ Arab Saudi rầm rộ đòi quyền... lái xe

27/10/2013 10:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, phong trào đòi được lái xe của phụ nữ ở Arab Saudi đã nhận được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế và đang dần thắng thế, bất chấp việc nhiều giáo sĩ theo khuynh hướng bảo thủ cho rằng nó chỉ làm tổn hại tới những giá trị truyền thống của đạo Hồi.

Arab Saudi là một trong những quốc gia được mệnh danh cái nôi của đạo Hồi, với truyền thống Hồi giáo lâu đời, trong đó cấm đoán nhiều quyền lợi của người phụ nữ. Một trong những điều cấm là việc phụ nữ không được lái xe ra ngoài đường khi không có sự giám sát của đàn ông.

Trong vòng 20 năm qua, đã có nhiều chiến dịch nhằm nới rộng quyền tự do của phụ nữ. Nhưng vì nhiều lý do, những hoạt động này đều không thành công. Năm 1990 khoảng 50 phụ nữ đưa ra những thông điệp kêu gọi quyền được lái xe đã gây ra nhiều vụ bắt bớ. Không ít người phụ nữ đã mất việc vì tham gia đòi quyền lợi đi ngược lại với đạo luật Sharia của Hồi giáo.

Phong trào kêu gọi Quyền được điều khiển ô tô của phụ nữ mới chỉ bắt đầu trở lại từ tháng 9 năm nay. Nó được khởi xướng bởi nhà hoạt động Manal Al-Sharif và đã thu hút hàng nghìn chữ ký của những người ủng hộ, gồm cả nam giới.

Nhiều đoạn video ghi lại cảnh phụ nữ Arab Saudi cố tình lái xe trái luật đã nhận được sự ủng hộ trên mạng YouTube. Những nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ cho rằng họ cảm nhận thấy những dấu hiệu của sự đổi thay đang đến từ chính bên trong đất nước Saudi.



Quyền lái xe, với phụ nữ Arab Saudi, vẫn là điều chưa được luật pháp cho phép 

Quy định lỗi thời?

Những người ủng hộ phong trào cho rằng Arab Saudi ngày càng tiến gần hơn tới một xã hội hiện đại và văn minh. Ngày càng nhiều phụ nữ ở quốc gia Trung Đông được quyền lao động và làm việc như nam giới. Phong trào đòi quyền lái xe của phụ nữ đến như một hệ quả tất yếu trong những năm qua. Các phương tiện truyền thông đã mô tả đây là một trong số hiếm hoi những phong trào nhận được sự đồng thuận lớn như vậy từ trước đến nay.

Một người phụ nữ Saudi tên Hatoon Kadi mô tả phong trào đòi quyền được lái xe của phụ nữ ngày càng cần thiết trong thời đại ngày nay. Cô đánh giá nhiều điều luật giới hạn quyền tự do của phụ nữ được đưa ra 50 năm trước giờ đã không còn phù hợp với xã hội. Chồng của Kadi đồng ý với cô và cho rằng chia sẻ trách nhiệm cùng nghĩa vụ giữa đàn ông và phụ nữ là một điều cần thiết đối với xã hội Saudi.

Trước đây các gia đình ở Arab Saudi đều phải thuê một lái xe riêng phục vụ cho nhu cầu đi lại của phụ nữ. Điều này đã dẫn tới nhiều sự bất tiện cũng như những chi phí tốn kém không đáng có.

Về cơ bản đạo luật Sharia không cấm phụ nữ được quyền lái xe nhưng phong tục tập quán của người Hồi giáo vô tình đã ngăn cấm những quyền lợi chính đáng của phụ nữ. So với các phong trào năm 1990, 2011, phong trào đòi quyền lái xe lần này đã nhận được sự ủng hộ ngày càng được rộng rãi của giới mày râu Saudi Arabia. Ngay cả cảnh sát ở Arab Saudi cũng không muốn bắt giữ những phụ nữ một mình lái xe trên đường.



Nhiều người phụ nữ Saudi đã thể hiện sự phản kháng bằng cách lái xe và tải video lên YouTube.

Phong trào đòi quyền được lái xe của phụ nữ cho đến nay được ghi nhận là một trong những chiến dịch công khai nhất yêu cầu một sự thay đổi theo hướng hiện đại, nhằm đem đến nhiều quyền lợi chính đáng hơn cho phụ nữ ở Arab Saudi.

Phái bảo thủ lo ngại

Bên cạnh những hy vọng về một sự đổi thay lịch sử, vẫn còn đó những giáo sĩ theo khuynh hướng bảo thủ ở Saudi Arabia đã lên tiếng phản đối quyền được lái xe của phụ nữ. Họ cho rằng lối sống theo khuynh hướng của phương Tây ngày càng lan rộng ở Arab Saudi, bao gồm cả sự tự do của phụ nữ đã can thiệp mạnh mẽ vào những giá trị truyền thống ở quốc gia Trung Đông này.

Việc chấp nhận quyền được lái xe của phụ nữ không phải là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, họ lo ngại điều này sẽ dẫn tới những hệ quả tiêu cực với nền văn hóa truyền thống của Arab Saudi. Những trẻ em gái lớn lên ở đây sẽ hướng tới nhiều quyền lợi tự do khác ngoài tầm kiểm soát của đạo luật Hồi giáo. Một số người khác lo ngại việc để phụ nữ lái xe sẽ gây nên nhiều tai nạn giao thông hơn trong tương lai.

Cuộc sống của những người Hồi giáo ở Arab Saudi không bó buộc một cách tiêu cực như những gì mà tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban có thời gian mang tới tại Afghanistan. Tuy nhiên phụ nữ Saudi vẫn phải mang theo mạng che mặt và mặc đồ che toàn thân mỗi khi bước ra đường. Việc sử dụng các phương tiện công cộng cần phải có sự giám sát của người đàn ông.

Chính quyền Arab Saudi trong những ngày qua đã đưa ra những cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, yêu cầu phụ nữ không tham gia phong trào đòi quyền được lái xe. Một số phụ nữ đã chấp thuận, nhưng nhiều người khác tuyên bố họ sẽ tiếp tục theo đuổi quyền lợi chính đáng của mình.

Hồng Đăng (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm