Phát hiện một bộ tộc da đỏ ở rừng AMaZon

03/06/2008 21:25 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cho đếnn nay Tổng thống Peru Alan Garcia vẫn thường xuyên phủ nhận về sự tồn tại của những bộ tộc da đỏ chưa được phát hiện. Vì thế tổ chức Funai vừa công bố những bức ảnh để khẳng định một bộ lạc như vậy vẫn còn tồn tại ở rừng Amazon. Chỉ có điều Funai không chịu tiết lộ nơi họ chụp ảnh.
 
Ngày càng hết đất sống

Theo ước tính của các nhà khoa học, trên hành tinh này vẫn còn khoảng 100 bộ tộc tồn tại mà không biết - hoặc không muốn biết - rằng ngày nay con người có ô tô, tàu vũ trụ, iPod và máy tính xách tay. Một nửa số “người rừng” ấy sinh sống trong miền rừng già Brazil và Peru, chia thành 60 nhóm.

Đa số các bộ tộc đó thậm chí luôn chạy trốn để cố gắng giữ tình trạng cô lập mà họ đã quen từ khi sinh ra. Nỗi lo sợ của họ có căn cứ từ những xung đột với các bộ tộc láng giềng và đặc biệt với cái gọi là “nền văn minh”. Từ thập kỷ 1950, ngày càng có nhiều công nhân khai thác gỗ, cao su... đặt chân đến vùng rừng Amazon rộng tới 5,5 triệu km2 thuộc lãnh thổ của 9 nước khác nhau, đem đến những tai họa khôn lường.
 
Những túp lều lá nằm lọt thỏm giữa rừng sâu

Mùa Hè năm ngoái, đột nhiên có khoảng 90 người của bộ tộc Metyktire xuất hiện ở một làng thuộc tiểu bang Mato Grosso (Brazil). Đàn ông bôi mặt đỏ và đen, đeo những tấm tròn to như chiếc đĩa ở môi dưới, hầu hết trần truồng, còn đàn bà thì cạo trọc đầu. Tất cả đang chạy trốn trước sự “xâm lăng” của thợ khai thác gỗ. Tù trưởng bộ lạc Kayapo ở thành phố Colider gần đó nghe tin, vội lo kiếm thuốc phòng cúm và sốt rét cho những người chưa hề biết miễn dịch, nhưng khi ông đến nơi thì quá muộn: Nhóm Metyktire đã biến mất.

Sự tiếp xúc tình cờ với người lạ đã đem lại hậu quả bi thảm. Những căn bệnh như sởi và lao không hề có trong xã hội khép kín nên một khi lây nhiễm thì không sao chữa được. Tổ chức Survival International cảnh báo: Một số bộ lạc sau khi có người lạ đến thăm đã mất 50% thành viên sau chỉ 1 năm.

Những bức ảnh gây chấn động dư luận

Hiệp hội bảo vệ người da đỏ Brazil (Funai) vừa công bố một loạt ảnh do nhóm nghiên cứu của nhà nhân chủng học Jose Carlos Dos Reis Meirelles chụp từ trên không khi bay qua rừng nguyên sinh Brazil hồi đầu tháng 5/2008: Lọt thỏm giữa rừng sâu dưới hàng cây cao là các túp lều lợp lá. Một số đàn ông chĩa giáo mác và cung tên lên phía phi cơ của Meirelles.

Người thì thoa sơn đỏ khắp mình, người lại thoa màu đen. Funai quyết định công bố loạt ảnh này: “Đây là minh chứng cho sự tồn tại của những bộ tộc da đỏ chưa hề được phát hiện trong rừng nguyên sinh. Họ sống trong sự đe dọa của dân khai thác gỗ trộm và nhiều khi phải tản cư sang lãnh địa Brazil vì trên đất Peru đã xảy ra nhiều vụ tàn sát”. Funai buộc tội Tổng thống Peru Alan Garcia luôn phủ nhận sự tồn tại của những đồng hương này. Peru hầu như không có những biện pháp bảo vệ những chủ nhân thực sự của rừng Amazon.
 

Các túp lều có mái lá còn tươi

Trong thực tế chưa có giải pháp tổng thể nào cho vấn đề nhân văn này. Ví dụ như bộ tộc Yanomami với 25.000 thành viên sống ở thượng nguồn Orinoco, gần biên giới Brazil- Venezuela. Giữa thế kỷ trước họ “được” người da trắng phát hiện. Thảm kịch của họ bắt đầu giữa những năm 1990 khi vàng được phát hiện trên lãnh địa của Yanomami và hàng nghìn dân đãi vàng đổ xô đến. Chỉ trong vòng 7 năm sau đó, số người Yanomami đã giảm đi 20%, do bị tấn công hoặc mắc những bệnh của “người văn minh”.

Tương lai?

Brazil muốn tránh cho thổ dân của họ những hậu quả tương tự, do đó Funai không tiết lộ đất sống của các bộ tộc mới được phát hiện và cũng chấm dứt cả các chuyến bay chụp ảnh. “Chừng nào còn đón tiếp chúng tôi bằng vũ khí thì họ còn may mắn sống sót, vì mỗi cử chỉ hòa bình là khởi đầu của diệt vong”, Meirelles nói. Các bộ tộc này không mong đợi gì tích cực ở thế giới bên ngoài, càng ngày họ càng bị vây chặt bởi dân đào vàng, đốn trộm gỗ và buôn ma túy, từ khi cao su thiên nhiên xuống giá trầm trọng.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn công bố những tấm hình này, sau khi nhận thấy các biện pháp bảo vệ quá ít ỏi”, ông Meirelles giải thích. Các túp lều có mái lá còn rất tươi, có thể vì họ mới chạy trốn từ nơi khác đến đây. Funai đòi thành lập “những đường biên giới bất khả xâm phạm”, để người da đỏ không phải sống trong nỗi sợ thường trực trước “nền văn minh”!
 
Đức Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm