15/07/2013 10:05 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm 14/7, tin nhắn điện tín cuối cùng ở Ấn Độ đã được gửi đi, đánh dấu sự kiện khai tử dịch vụ liên lạc này trên quy mô toàn cầu. Đây là cái kết không thể tránh khỏi của dịch vụ điện tín, vốn đã suy giảm trong hàng thập kỷ, nhưng vẫn có sức ảnh hưởng khổng lồ tới hàng triệu người Ấn Độ.
Với những người như phóng viên Geeta Pandey của hãng tin BBC, dịch vụ điện tín đã từng gắn chặt với cuộc đời cô.
Nhiều cảm xúc cùng điện tín
Khi cô còn nhỏ vào những năm 1970 và 1980, việc gia đình sống ở vùng Calcutta nhận được điện tín giống như một điềm báo trước chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Thường đó sẽ là tin báo về cái chết của một người thân và khi nhận điện tín, cha mẹ cô thường vô cùng lo lắng. Gương mặt họ chỉ giãn ra, nếu bức điện không thông báo điều gì đáng lo.
Trong hàng thập kỷ, điện tín đã trở thành phương tiện liên lạc khẩn và đáng tin cậy, đã mang niềm vui cũng như sự bất hạnh tới cho hàng triệu người Ấn Độ mỗi năm. Dịch vụ điện tín đã đi vào hoạt động trong năm 1851, khi Công ty Đông Ấn của nước Anh xây dựng một đường dây điện tín dài 48km nối từ Calcutta tới vùng ngoại ô Diamond Harbour, chủ yếu để phục vụ các công việc điều hành chính quyền. Trong vòng vài năm sau đó, dịch vụ điện tín nhanh chóng bao phủ khắp Ấn Độ và năm 1855 đã mở ra cho dân thường sử dụng.
CV Gopinath, cựu Phó Tổng giám đốc dịch vụ điện tín Ấn Độ nói rằng phương thức liên lạc này đã lập tức thành công. Năm 1857, khi một cuộc bạo loạn chống lại người Anh nổ ra, nhờ có điện tín mà chính quyền thực dân đã nhanh chóng huy động lực lượng và đàn áp cuộc nổi dậy này.
Quang cảnh đìu hiu trong một phòng điện tín ở New Delhi |
Trong hơn một thế kỷ sau đó, cho tới tận cuối những năm 1980, dịch vụ điện tín vẫn là phương thức liên lạc nhanh và đáng tin cậy nhất. Thời kỳ đầu, nội dung các bức điện được người ta viết ra bằng bút máy và được người đưa thư chuyển nhanh tới từng nhà. Ngày hôm nay, điện tín đã được in ra từ máy tính.
Chính sự xuất hiện của các hình thức liên lạc mới đã dần giết chết nhu cầu liên lạc qua điện tín. Công ty phụ trách hoạt động điện tín Ấn Độ đã lỗ hàng tỷ rupee mỗi năm. "Thế hệ mới thậm chí còn chẳng biết về cái gọi là điện tín" - Shameem Akhtar, Tổng giám đốc công ty viễn thông nhà nước BSNL nói.
Nhưng với những người thuộc thế hệ cũ, điện tín giống như một phần trong cuộc sống của họ, một nét văn hóa khó phai mờ. Vedachalam Ethiraj đang nắm trong tay một bộ sưu tập hơn 2.000 bức điện tín, với ít nhất 100 trong số đó đã gửi đi vào giai đoạn 1854 - 1860. "Điện tín đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời tôi" - ông nói.
Ông đã nhận rất nhiều bức điện chúc mừng đám cưới, cách nhanh nhất để chúc mừng, khi ông lấy vợ vào 20 năm về trước. Năm 1986, ông đã gửi hàng loạt bức điện tới cho họ hàng để báo về cái chết của bà nội. "Điện tín có một chỗ đứng trong lịch sử. Nhưng việc nó bị thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại thay thế là khó tránh. Ngày nào đó, sẽ có thứ gì khác thay thế thư điện tử. Đó là nguyên tắc của cuộc sống, nhưng tôi có quá nhiều thứ quý giá liên quan tới điện tín".
Với việc Ấn Độ khai tử điện tín, dịch vụ này đã chính thức trở thành lịch sử |
Tại Văn phòng Điện tín Trung tâm ở tòa nhà Eastern Court nằm ở Delhi, không khí đang hết sức trầm lắng. Jagdish Chand, người đã làm nghề gửi điện tín trong 31 năm, chỉ tay về các dãy nhà văn phòng ở sau tòa nhà và nói: "Hơn 4.000 người từng làm việc ở đó. Có hàng trăm máy điện tín và bên trong ồn tới mức anh phải hét tướng lên để ai đó nghe được lời mình". Những máy điện tín này nay đều đã biến mất do bị bán sắt vụn. Các văn phòng giờ chìm vào yên lặng, chỉ có vài người ở quanh đó.
Om Dutt, nhân vật đã chuyển điện tín cho người nhận kể từ năm 1983, nói rằng ông thường phải phân phát 30-40 bức điện trong những năm 1980. Giờ ông chỉ còn phải chuyển chưa đầy nửa số lượng đó. "Trước kia tại phòng điện tín, ban ngày cũng như ban đêm vì lúc nào cũng đầy người, đầy xe cộ qua lại, đèn đuốc sáng trưng" - ông bồi hồi kể lại.
Một người chuyển điện tín khác là Jagdish Chand nói thêm: "Công việc của chúng tôi không bao giờ ngưng nghỉ. Không cần biết bên ngoài trời mưa hay nóng tới 43 độ C, hoặc ở giữa mùa đông, chúng tôi vẫn phải ra ngoài để chuyển điện tín".
Năm 1984, không lâu sau khi Dutt và Chand bắt đầu tham gia chuyển điện tín, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã bị ám sát. "Chúng tôi nhận được quá nhiều điện từ khắp nơi trên thế giới gửi tới nhà Gandhi, tới mức phải bỏ chúng vào một cái bao lớn" - Dutt kể.
"Chúng tôi nhận từ 7.000 - 8.000 bức điện mỗi ngày" - Chand nói - "Người dân khắp nơi nghe chuyện về các vụ bạo động chống người Sikh (vốn nổ ra sau khi bà Gandhi bị các vệ sĩ người Sikh của mình ám sát) và họ lo lắng muốn biết tin của họ hàng".
Công việc của những người đưa điện tín như Dutt và Chand không hề dễ dàng. "Tại một số khu vực, người ta nghĩ rằng điện tín chỉ mang lại tin dữ nên thường ném đá chúng tôi. Thậm chí có kẻ còn phi cả cái chai vào người chúng tôi" - Chand nói.
Chand hiển nhiên không vui khi chính quyền Ấn Độ ngừng dịch vụ điện tín. "Khi mới tham gia dịch vụ điện tín, tôi là một thanh niên 20 tuổi. Tôi đã kết hôn ở cơ quan, có con và đưa các con đi làm. Nơi đây giống như ngôi nhà của tôi. Tôi chỉ còn vài năm nữa là về hưu, nhưng giờ tương lai của tôi đã rơi vào vô định" - ông nói.
Bức điện cuối cùng
Chính quyền Ấn Độ nói rằng toàn bộ gần 1.000 lao động trong lĩnh vực điện tín sẽ được tái bố trí việc làm, nhưng Chand vẫn chưa biết mình sẽ về đâu. Trong những ngày cuối cùng dịch vụ còn hoạt động Chand cũng không có thời gian để nghĩ về tương lai của mình do điện tín dồn dập đổ về.
Khoảng chục ngày qua, người dân trên khắp Ấn Độ đã gửi hàng trăm bức điện tới Bộ trưởng Viễn thông Kapil Sibal, kêu gọi ông giữ lại dịch vụ điện tín.
Những người khác, sau khi chấp nhận sẽ chẳng có gì thay đổi, đã vội vã đi gửi những bức điện cuối cùng để làm kỷ niệm. Ví dụ như cụ Bulbul Tewari, 73 tuổi, người Delhi, đã gửi điện cho 4 đứa cháu nhỏ của mình để lớn lên, chúng sẽ biết rằng điện tín từng là một phương thức liên lạc thịnh hành ở Ấn Độ.
Và trong số các bức điện tín cuối cùng gửi đi đánh dấu thời điểm chấm dứt 160 năm tồn tại của dịch vụ này, sẽ có một bức điện khai tử chính thức mang thông điệp đơn giản: "Điện tín đã chết. Điện tín trường tồn. Chấm hết".
Ở thời đỉnh cao vào năm 1985, 600.000 bức điện tín đã được gửi đi mỗi ngày trên khắp Ấn Độ. Ngày hôm nay chỉ còn 5.000 điện tín được gửi mỗi ngày. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất