Những vụ nổ súng kinh hoàng tại Quốc hội Mỹ (Bài 1): Bắn giết vì bất mãn

05/10/2013 13:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -Vụ nổ súng ngay trước tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 3/10 khiến một phụ nữ thiệt mạng đã làm nước Mỹ bị sốc và bao trùm một bầu không khí nặng nề lên đất nước này. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên có chuyện nổ súng như vậy.

Sự việc xảy ra đúng vào thời điểm niềm tin của người Mỹ vào chính quyền liên bang đang ngày càng giảm sút, do những tác động tiêu cực từ việc bộ máy điều hành đất nước tạm ngưng hoạt động.

Gã tâm thần ác cảm với chính quyền

Trong lịch sử hình thành nước Mỹ kể từ năm 1787 đã có không ít trường hợp những cá nhân có hành vi bạo lực nhắm vào tòa nhà Quốc hội (còn biết tới với tên điện Capitol) để thể hiện sự phản đối chính quyền.

Một trong những vụ gây sốc nhất xảy ra vào năm 1998, do Russell Eugene Weston Jr., gây ra. Russell được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và gã đã thực hiện vụ nổ súng, do có những mâu thuẫn sâu sắc với chính quyền liên bang.

Russell Eugene Weston Jr., còn được biết đến với cái tên Rusty, sinh ngày 28/12/ 1956 tại tiểu bang Illinois. Ngay từ thời đi học Rusty bị các bạn cùng lớp xa lánh. Người ta coi gã là một kẻ lập dị và bất thường. Rusty luôn cho rằng người mình bị theo dõi bởi những thế lực siêu nhân luôn ẩn hiện xung quanh.

Sát thủ Russell Eugene Weston Jr. , kẻ gây ra vụ nổ súng làm 2 cảnh sát thiệt mạng ở điện Capitol

Năm 1992, Rusty được chẩn đoán mắc bị tâm thần phân liệt. Gã đã có 53 ngày phải ở bệnh viện tâm thần, trước khi được kết luận không có khả năng gây nguy hiểm tới cộng đồng.

Năm 1997, những người hàng xóm nơi Rusty sinh sống phàn nàn rằng gã luôn có hành động chặt cây một cách vô thức. Gã cũng từng bắn chết 14 con mèo bằng khẩu súng săn của mình chỉ vì cảm thấy bị làm phiền.

Vụ tấn công kinh hoàng

Cuộc sống khó khăn cùng những ám ảnh về bệnh tật và những kẻ ăn thịt người đã thôi thúc Rusty tiến hành vụ xả súng kinh hoàng khiến người dân Mỹ khó có thể quên. Theo nhà chức trách Mỹ, gã đã tìm cách ám sát cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Ngày 24/7/1998, Rusty mang theo một khẩu súng ngắn tới Washington. Khu vực tòa nhà Quốc hội Mỹ thời điểm đó mở cửa cho du khách tới tham quan, trong khi các nghị sĩ vẫn có thể đến họp một cách bình thường.

3h40 phút chiều, Rusty mang theo súng ngắn cố gắng tìm cách vượt chốt kiểm soát của cảnh sát ngay lối vào tòa nhà Quốc hội với máy dò kim loại. Kẻ giết người sau đó quyết định bắn chết cảnh sát Jacob Chestnut và nhanh chóng chạy bên trong hành lang. Sự việc đánh dấu lần đầu tiên một viên cảnh sát bị  thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực tòa nhà Quốc hội.

Cuộc đấu súng của kẻ giết người và các nhân viên cảnh sát còn khiến hai du khách bị thương. Rusty tận dụng thời gian cảnh sát đưa những người gặp nạn khỏi hiện trường, đã lẻn vào phòng làm việc của nghị sĩ Tom Delay. Tại đây, Rusty đã có màn đấu súng với viên cảnh sát Gibson. Hậu quả là Rusty chỉ bị thương còn viên cảnh sát Gibson đã thiệt mạng vài phút sau khi được đưa tới bệnh viện.

Vụ xả súng tại tòa nhà Quốc hội Mỹ chỉ chấm dứt khi Rusty gục xuống vì đạn xuyên vào bụng và chân. Trong một bài phát biểu trên truyền hình sau đó, Tom Delay đã thể hiện sự cảm kích trước Gibson bởi nếu không có sự xả thân của viên cảnh sát này, nhiều người khác có thể đã mất mạng.

Cảnh sát Washington khi tiến hành điều tra vụ việc đã không thấy sự dính líu của Rusty với các tổ chức khủng bố. Kẻ giết người cũng được xác nhận có giấy phép sử dụng súng một cách hợp lệ.

Russell Eugene Weston Jr. sau đó đã may mắn thoát khỏi án tử hình do mắc căn bệnh tâm thần phân liệt. Cho đến nay gã vẫn thụ án ở trại giam Butner, phía Bắc Carolina, không có cơ hội được phóng thích.

Thắt chặt an ninh

Trước thời điểm xảy ra vụ xả súng, mỗi năm có hàng triệu khách du lịch trên toàn thế giới thường đổ tới viếng thăm tòa nhà Quốc hội Mỹ. Tới nay, Mỹ vẫn duy trì những tour tham quan các khu vực của tòa nhà Quốc hội, có điều an ninh được thắt chặt hơn rất nhiều, nhằm tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Vụ xả súng tại tòa nhà Quốc hội Mỹ năm 1998 đã gây chấn động trên toàn nước Mỹ. Vào ngày 24/7 hàng năm, Chính phủ Mỹ đều tổ chức lễ tưởng niệm hai viên cảnh sát đã dũng cảm hy sinh mạng sống để bảo vệ sự an toàn của những người khác. Jacob Chestnut cũng là viên cảnh sát người Mỹ gốc Phi đầu tiên được vinh danh tại tòa nhà Rotunda.

"Thay mặt cho toàn bộ Thượng viện Hoa Kỳ và tất cả những nhân viên làm việc bên trong tòa nhà Quốc hội, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới hai sĩ quan cảnh sát Jacob Chestnut và Gibson" - nhà lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ từng tuyên bố.

(Còn tiếp)

Hồng Đăng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm