02/01/2013 14:17 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Vỏn vẹn 15 cây số hay 8 tuần đứng chắn giữa Eugene Cernan và vinh quang sáng chói. 40 năm trước, người Mohican cuối cùng của kỷ nguyên chạy đua vũ trụ quay về mặt đất với những phát hiện mới, để rồi nhận ra là chẳng mấy ai thèm đoái hoài...
Mỗi cuộc đua chỉ một người chiến thắng
Với một con sên thì 15 cây số như một hành trình vạn dặm, một người đi bộ bình thường có lẽ cũng cần vài tiếng đồng hồ, nhưng trong vũ trụ thì khoảng cách ấy chỉ là một chớp mắt mỏi mệt. Chính từ khoảng cách đáng nguyền rủa ấy, Eugene Cernan ngắm nhìn bề mặt gồ ghề của Mặt trăng, những miệng núi lửa im lìm và thung lũng xám tro. Cùng đội bay Apollo 10, ông đã xuyên qua ngót 400.000 cây số để trở thành những người đầu tiên được ngắm một cảnh tượng như chưa từng ai có diễm phúc trước ngày 22/5/1969 lịch sử: Trái đất chỉ còn là một đốm tròn xanh xanh và Mặt trăng trong tầm tay với. Và Eugene Cernan, với trí óc tỉnh táo của một nhà khoa học đủ đè bẹp mọi ý nghĩ lãng mạn không cần thiết, đau đớn nhận ra rằng ông sẽ phải bỏ lại hình ảnh đó lại sau lưng. Sau này ông sẽ luôn lặp lại một câu đã hằn sâu mãi mãi vào tâm khảm: Ước gì ta cứ cầm lái khoang đổ bộ mang tên Snoopy bay tiếp, xuống thấp nữa, thấp nữa, cho đến khi được làm người đầu tiên làm sục tung bụi mù để đặt chân lên hành tinh lạ lẫm mà thân thuộc kia. Và ước gì ta được hét lên vào khoảnh khắc đó: Bước chân nhỏ của một người, nhưng là bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại!
Eugene Cernan trước chuyến bay tiền trạm |
“Chúng tôi sẽ quay lại"
Dĩ nhiên, trong các lần đứng trước công luận sau này Cernan quả quyết là mọi chuyện không hề bi kịch đến thế, rằng ông kiêu hãnh là người được ưu ái cử đi thám thính trước trận đánh quyết định. Ông sẽ không hạ thấp kỳ vọng, rồi một ngày sẽ theo chân đồng nghiệp Armstrong... Và quả thật, Cernan sau này sẽ chạm tay được vào đỉnh vinh quang như Armstrong và đi vào lịch sử du hành vũ trụ, cho dù vầng hào quang ấy vướng một vết đen bé xíu: Eugen Cernan, chỉ huy tàu Apollo 17, cho đến nay là người thứ 12 và người cuối cùng lên mặt trăng.
Eugene Cernan và chiếc xe chạy trên Mặt trăng. Ông là người đầu tiên có thể điều khiển nó chạy được 14 km/h |
Thực ra sẽ thiếu công tâm khi tỏ ra “thương hại“ cái sự thiếu may mắn của Cernan. Chuyến bay Apollo 17 do ông chỉ huy là hành trình thành công nhất về khoa học và kỹ thuật trong toàn bộ dự án Apollo, mang lại nhiều đột phá. Không cú hạ cánh trên mặt trăng nào lại trôi chảy như chuyến cuối cùng này. Chưa phi đội nào trước Apollo 17 làm việc lâu hơn trên đó (tổng cộng 22 tiếng trong 3 ngày). Lần đầu tiên có một nhà địa chất tham gia, Harrison Schmitt. Chưa bao giờ lấy được nhiều mẫu đá về để nghiên cứu như thế (110kg). Chưa đoàn thám hiểm mặt trăng nào di chuyển nhiều như phi đội Cernan (35km). Và đích thân Cernan lập kỷ lục tốc độ với xe Mặt trăng: 14 km/h (sẽ có người mỉm cười lắc đầu, nhưng ở trọng trường nhỏ trên đó, xe rất dễ bị lật nếu đi nhanh). Lần đầu tiên người ta chụp hình được quả đất xanh trọn vẹn từ bên ngoài. Ở thời điểm đó, khán giả truyền hình cũng nhờ kỹ thuật hiện đại mà được xem hình ảnh đầy ấn tượng của thung lũng Taurus Littrow, hay cảnh Cernan và Schmitt vừa lăn lộn đùa nghịch như hai đứa trẻ vừa hát xuyên tạc ca từ quen thuộc trong bài Strolling Through The Park của Ed Haley.
Christopher Columbus rời đài chỉ huy
Eugene Cernan, nhà du hành vũ trụ người Mỹ, sinh năm 1934, từng 3 lần bay vào không gian trong các năm 1966, 1969 và đặt chân xuống Mặt trăng năm 1972 |
Sáng sớm 12/12/1972, với âm hưởng hùng tráng Ride Of The Valkyries của Richard Wagner, đài mặt đất đánh thức đội bay - đúng là không có giai điệu nào hợp hơn để diễn tả thành công. Cô bé Tracy ngồi trong trường quay của một kênh truyền hình và ngắm bố làm việc, trong khi các nhà báo xung quanh ngắm... Tracy. Sau nhiều phút im lặng, Tracy cũng thốt ra ước vọng sâu kín: “Bố cháu sẽ gửi cho cháu một tia ánh trăng“. Cả nước Mỹ cảm động rơi nước mắt.
Tuy nhiên người ta nhanh chóng quên Apollo 17. Vì nói cho cùng thì khá nhiều kỳ tích khoa học ngày ấy chỉ nhằm phục vụ cuộc đua mang tên Chiến tranh lạnh trên thế giới lưỡng cực này. Sau cú sốc mang tên Sputnik, người Mỹ tạm thắng một chặng mới với người đầu tiên lên Mặt trăng. Tất cả những gì ở NASA sau đó đều quá đắt đỏ, quá nguy hiểm, quá thừa...
Sứ mệnh Apollo không làm thay đổi thế giới. Nhưng nó chuyển biến mạnh mẽ người hùng Cernan. Ông rơi ra khỏi quỹ đạo của cuộc đời thường nhật, trở nên trầm lặng và đi tìm nguồn an ủi trong tôn giáo. Năm 2010 ông xuống đường biểu tình chống Obama vì tổng thống hạ lệnh cắt chương trình nghiên cứu vũ trụ Constellation, vốn là chỗ bám tinh thần cuối cùng của Cernan sau khi hôn nhân tan vỡ, chỉ vì, như ông tự thú - ông quá mê đắm Mặt trăng. Đêm đêm ông nhìn lên trời và có lần ghi lại trong hồi ký: “Tôi ngắm thung lũng nơi tôi từng sống. Trong ba ngày đó từng là nhà tôi. Tôi ngắm vách đá, miệng núi lửa, bụi bặm xám xịt. Tất cả như đông cứng lại trong hồi ức. Và trên hết, tôi cảm nhận sự tĩnh lặng không lời nào tả nổi. Đôi khi tôi tưởng mình mơ đã có lần lên đó. Nhìn từ Mặt trăng, vạn vật trở nên tương đối. Cảm giác về thời gian của tôi đã vĩnh viễn đổi khác (...). Đi đâu bây giờ, Columbus?“.
Rồi ông nhắc đến chiếc xe mặt trăng còn đứng đâu đó trên hành tinh cô quạnh. “Ta có thể khởi động nó bất cứ lúc nào...".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất