Tự nhận 10 tội danh liên quan đến việc cung cấp tài liệu mật cho trang web WikiLeaks, binh nhì Bradley Manning đã xuất hiện trước tòa án quân sự ở Mỹ hôm 28/2 và đang đối mặt với mức án cao nhất là 20 năm tù giam.
Tuy nhiên, cho đến nay, binh nhì này vẫn bác bỏ cáo buộc rằng anh trợ giúp kẻ thù và khẳng định những tài liệu do anh cung cấp chỉ giúp phơi bày những sự thật đã, đang bị che giấu trên chiến trường Iraq, Afghanistan.
Các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho binh nhì Bradley Manning diễn ra trên khắp nước Mỹ trong suốt 3 năm qua.
|
10 tội danh mà binh nhì Bradley Manning tự nhận nằm trong tổng số 22 cáo buộc chống lại anh trong gần 3 năm qua. Theo tờ New York Times, hiện các công tố viên tòa án quân sự Mỹ vẫn đang cố tìm cách buộc Bradley Manning phải nhận tội đối với 12 cáo buộc còn lại, với mức án cao nhất mà anh có thể phải nhận là tù chung thân.
Xuất hiện trong phiên tòa quân sự được tổ chức tại căn cứ Meade, Marlyland, Bradley Manning đã đọc một bảng nhận tội dài 35 trang, trong đó tiết lộ nhiều chi tiết về việc anh đã truy cập trái phép và tải tài liệu quân sự quan trọng liên quan đến cuộc chiến Iraq và Afghanistan, rồi bí mật chuyển chúng cho ban quản trị trang web WikiLeaks như thế nào.
Ngoài ra, binh nhì này còn thừa nhận đã dùng sai mục đích số dữ liệu liên quan đến nhà tù vịnh Guatanamo lấy được từ Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ, tài liệu từ trung tâm tình báo quân đội Mỹ, hồ sơ từ một chiến dịch quân sự ở tỉnh Farah (Afghanistan) và nhất là 250.000 bức điện được viết bởi các nhà ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới.
Bradley Manning biện luận rằng, mục đích của anh là nhằm cung cấp cho giới báo chí Mỹ những gì mà giới chức quân đội Mỹ đang giấu giếm và để công chúng Mỹ có thể hiểu rõ sự thật trên chiến trường Iraq, Afghanistan. Binh nhì này cho rằng, những tài liệu nói trên có tác dụng khiến dư luận phải tranh cãi về vai trò của quân đội và chính sách ngoại giao, chứ không hề gây phương hại cho nước Mỹ.
Theo lời kể của Bradley Manning thì vào tháng 1 năm 2010, trước khi rời Iraq, anh đã copy toàn bộ tài liệu mình tải được vào đĩa CD và USD để mang về Mỹ. Thời gian ở chơi với vài người bạn ở Washington, anh đã liên hệ với tờ Washingtonpost và đề nghị cung cấp những tài liệu anh đang có được, rất quan trọng với người Mỹ. Binh nhì này kể anh đã nói chuyện với một nữ phóng viên của tờ Washingtonpost nhưng “cô này cứ tưởng tôi “bị làm sao” và không quan tâm lắm đến những gì tôi đề cập đến”.
Nữ phóng viên này còn nói rằng những chủ đề kiểu đó phải được biên tập viên cao cấp kiểm chứng. Sau đó, Bradley Manning đã liên hệ với một biên tập viên của tờ New York Times nhưng người này lại chả bao giờ nghe điện thoại mà chỉ có thư thoại tự trả lời. Không nản lòng, Bradley Manning tiếp tục tìm một vài số điện thoại khác của một số tờ báo nổi tiếng như tờ Politico nhưng đều thất bại.
Thậm chí, các tin nhắn mà binh nhì này gửi qua tài khoản Skype tới một số phóng viên nổi tiếng cũng không nhận được hồi đáp. Bradley Manning cũng từng nghĩ đến việc trao đổi với văn phòng báo chí của quân đội, nhưng lại không làm như vậy vì anh này nghĩ rằng “sẽ chẳng có tác dụng gì”.
Cuối cùng, anh quyết định chuyển lượng thông tin mà mình có cho WikiLeaks. Binh nhì này cũng cho biết thêm rằng anh mới biết về WikiLeaks từ hồi tháng 11 năm 2009 khi trang web này cho công bố 500.000 tin nhắn được gửi đi trong ngày kinh hoàng 11/9/2001 khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Bradley Manning rất ấn tượng trước việc làm này của WikiLeaks. Ngày trở lại Iraq, anh đã vô tình tải được đoạn video cho thấy trực thăng Apache của Mỹ tấn công một nhóm người Iraq tại Thủ đô Baghdad năm 2007.
Vụ tấn công đó đã làm nhiều thường dân thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em và 2 phóng viên hãng Reuters. Bradley Manning cảm thấy quân đội Mỹ không coi trọng sinh mạng con người. Thế là binh nhì này chuyển nó cho WikiLeaks, kèm với hàng ngàn bức điện tín của các nhà ngoại giao Mỹ. Bradley Manning nói, anh tin rằng, WikiLeaks sẽ không làm ảnh hưởng đến lợi ích của nước Mỹ.
Mọi liên lạc giữa binh nhì đều được thực hiện với một quản lý cấp cao của trang web này, được biết đến với biệt danh Ox. Sau này, Bradley Manning mới được biết Ox hay còn gọi là Nathaniel Frank, chính là ông chủ trang web WikiLeaks Julian Assange. Tháng 5 năm 2010, binh nhì này đã bị bắt trong lúc đang làm công việc phân tích tình báo của mình tại căn cứ quân sự Iraq.
Trong khi vụ việc Bradley Manning làm rung chuyển giới quân sự Mỹ thì những bí mật liên quan đến chính phủ Mỹ tiếp tục được WikiLeaks công bố đã làm kinh ngạc các nhà ngoại giao trên khắp thế giới. Chính phủ Mỹ rất tức giận trước hành động này vì cho rằng an ninh quốc gia Mỹ bị tổn hại còn công chúng Mỹ thì đòi hỏi chính quyền phải có những câu trả lời rõ ràng về những gì đang xảy ra. Vụ WikiLeaks đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và kể từ đó, một cuộc chiến ngầm đã xảy ra giữa Mỹ và WikiLeaks...
Theo Huyền Chi
Công an Nhân dân