Mỹ xẻ thịt 'quái thú' chống mìn

29/12/2013 09:55 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Những chiếc xe MRAP chống mìn cỡ lớn đã giúp Mỹ tiết kiệm vô số sinh mạng trong những năm chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Nhưng Lầu Năm Góc đang tiến hành rã xác, tiêu hủy hàng loạt mẫu xe này, dù không ít chiếc vẫn đang hoạt động tốt.

Đối diện với làn sóng đánh bom vệ đường chết chóc ở Iraq và Afghanistan, năm 2007, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates đã ra lệnh sắm hàng loạt những chiếc xe bọc thép MRAP nặng 16 tấn, có thể chống chọi tốt nhiều loại bom mìn tự chế.

Mẫu xe đã cứu hàng ngàn mạng sống

Trước đó, người tiền nhiệm của Gates là Donald H. Rumsfeld đã từ chối việc mua MRAP cùng tuyên bố nổi tiếng hồi năm 2004: "Chúng ta tham chiến với đạo quân có trong tay, không phải đạo quân ta mong muốn có. Nếu nghĩ kỹ, ta có thể đắp đủ thứ giáp lên một chiếc xe tăng và nó vẫn bị làm cho nổ banh xác. Ta cũng có thể đắp thêm giáp lên xe Humvee và rồi nó cũng banh xác nốt".

Nhưng Gates vẫn mua MRAP vì không muốn thấy cảnh lính Mỹ thương vong cao vì trúng bom khi đi trên những chiếc Humvee với vỏ "mỏng như lụa".

Hồi năm 2011, Gates nói rằng MRAP đã cứu "hàng ngàn mạng sống" và an toàn "hơn 10 lần" so với xe Humvee. Quả thực nhiều nghiên cứu cũng thấy MRAP đã ngăn chặn rất nhiều thương vong cho lính Mỹ.

Với chi phí 1 triệu USD mỗi chiếc, MRAP có bộ khung được nâng cao gầm, mang hình chữ V để làm chệch hướng lực nổ. Sàn xe được gia cố chịu lực và ghế ngồi dạng treo để giảm thiểu chấn động từ vụ nổ phía dưới xe. Ngồi trên MRAP không hề dễ chịu, nhất là trong điều kiện đường xá tồi tệ ở Afghanistan, nhưng nó có thể bảo vệ mạng sống người lính. Binh lính yêu thích MRAP tới mức đã thi nhau viết những lời cảm ơn trên vỏ xe. 


Những chiếc xe MRAP bên ngoài một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan

Còn tốt cũng thành sắt vụn

Vậy vì sao quân đội Mỹ lại bắt đầu tiêu hủy tới 2.000 chiếc xe này tại Afghanistan và bán chúng như sắt vụn? Và việc này diễn ra mới chỉ 6 năm sau khi MRAP được phát triển, với 27.000 chiếc được sản xuất và chuyển ra chiến trường trong một hoạt động đầu tư sản xuất lên tới 50 tỷ USD.

Câu trả lời khá đơn giản: Lầu Năm Góc đã sản xuất quá nhiều xe chống mìn. Tướng William Faulkner, Tư lệnh phó Lính thủy đánh bộ Mỹ tuyên bố hồi tháng 4 rằng quân đội sở hữu quá nhiều MRAP. "Vấn đề là chúng tôi không cần chúng" - Faulkner nói, cho biết ông muốn thấy MRAP được chuyển tới một nước đồng minh hoặc phải bị hủy bỏ.

Giới chức quân sự giờ tính toán thấy rằng việc đưa những chiếc MRAP hư hỏng, cũ hoặc dư thừa về Mỹ chẳng khác nào "chở củi về rừng", lại quá tốn kém. Kết quả là khi Mỹ dần rút khỏi Afghanistan, rất nhiều chiếc MRAP đã bị bán như sắt vụn cho người mua bản địa.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Mark E. Wright, chỉ tốn 12.000 USD để phá hủy một chiếc MRAP ở Afghanistan. Trong khi đó để chở về Mỹ và sửa xe trở lại đáp ứng các tiêu chuẩn ban đầu có thể tốn kém tới 250.000 - 450.000 USD.

Bán xe tại Afghanistan có thể giúp tiết kiệm 500 triệu USD. Theo Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ, tới ngày 1/10/2013, đã có 1.938 chiếc MRAP ở Afghanistan biến thành sắt vụn.

Những chiếc đầu tiên bị hủy bỏ là các mẫu MRAP cũ và cả những chiếc bị hư hại vì đánh bom hoặc hỏng hoàn toàn. Tiếp đó là những chiếc MRAP còn tốt, nhưng bị xem là "tài sản dư thừa". Chúng sẽ bị rã hết thành sắt vụn, bán chung với những chiếc Humvee cũng bị rã xác, xe bán tải, máy tập thể dục, ghế văn phòng, điều hòa.

Bị khai tử vì khó tìm người mua?

Xe MRAP ở trong điều kiện tốt nhất được chào bán cho các đồng minh thân cận của Mỹ. Nhưng chúng không được bán cho an ninh Afghanistan, do có chứa quá nhiều công nghệ máy tính điện tử phức tạp, không phù hợp với quân đội Afghanistan còn đang phát triển.

Bảo dưỡng những chiếc xe này cũng là thách thức vô cùng khó với lính Afghanistan, với hơn nửa mù chữ. Ngoài ra lính Afghanistan nổi tiếng vì không giữ gìn trang thiết bị. Họ thích chạy xe theo lối "hành hạ" cho tới khi chúng hỏng mới thôi. Chưa nói tới việc Afghanistan chỉ có vài thợ máy được đào tạo đầy đủ để sửa những chiếc Humvee vốn đơn giản hơn mẫu xe dựa nhiều vào công nghệ máy tính như MRAP.

Theo Wright, hoạt động chào bán của Mỹ hiện đã thu hút 380 đề nghị chào mua từ các đồng minh. Nhưng với việc Mỹ đang dư thừa 13.000 chiếc MRAP trên khắp thế giới, lô xe còn đọng ở Afghanistan sẽ không dễ bán. Ngoài ra người mua còn cân nhắc tới việc họ sẽ phải chở những chiếc xe ra khỏi Afghanistan, bởi quân đội Mỹ không làm việc này. 

Mỹ di dời khí tài khỏi Afghanistan

Việc xử lý số MRAP dư thừa tại Afghanistan giờ nằm trong hoạt động di dời trị giá 5-7 tỷ USD nằm chuyển toàn bộ xe cộ, vũ khí, khí tài và trang thiết bị chiến đấu của quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan. Dù bằng cách nào, quân đội sẽ phải mang đi 35.000 chiếc xe và 95.000 container tàu biển chứa đầy đồ vào cuối năm 2014. Các thiết bị dư thừa sẽ được tặng lại cho quân đội Afghanistan hoặc đơn giản là rã xác và bán sắt vụn như trong trường hợp của "quái thú" MRAP.


Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm