Mổ xẻ bê bối tham nhũng chấn động Thổ Nhĩ Kỳ

10/01/2014 07:13 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong một vụ bê bối tham nhũng thuộc hàng lớn nhất từ trước tới nay, có thể đe dọa sự tồn vong của chính quyền. Nhưng đồng thời nó cũng cho thấy khi đã mờ mắt vì lợi nhuận, người ta hoàn toàn có thể phớt lờ cả những giá trị văn hóa, lịch sử lớn của đất nước.

Vào những ngày trời quang, người ta có thể thấy sự thay đổi đang diễn ra trên đường chân trời ở Istanbul, vốn chỉ toàn các mái vòm của nhà thờ Hồi giáo.

Tấc đất tấc vàng

3 tòa cao ốc cao cấp, với các căn hộ ở tầng thượng được bán với giá cả triệu đô la mỗi căn, đã vươn lên trên khung cảnh truyền thống và trở thành những biểu tượng về sự hiện đại hóa nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ dưới một thập kỷ cầm quyền của Thủ tướng Tayyip Erdogan.

Hoạt động xây dựng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Erdogan. Các dự án bất động sản lớn cho thấy sự thịnh vượng đang lên của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tạo ra việc làm, sinh ra các căn penthouse cao cấp cho người giàu và nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp. Nhưng làn sóng phát triển bất động sản vội vã cũng trở thành mối đe dọa lớn nhất với 11 năm cầm quyền của ông.


3 tòa tháp được cho là đã phá hỏng khung cảnh lịch sử giá trị của Istanbul

Tháng trước, cảnh sát đã tổ chức bố ráp nhiều văn phòng, nhà ở cá nhân, bắt giữ nhiều doanh nhân thân cận với chính quyền, trong cuộc điều tra tham nhũng bị Erdogan xem là một "âm mưu đảo chính". Chi tiết về các cáo buộc tham nhũng chưa được công bố, nhưng báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất bản nhiều tài liệu của tòa án, nói rằng các cáo buộc có liên quan tới những khoản tiền hối lộ được trả cho nhiều quan chức chính quyền để thắng thầu xây dựng và qua mặt các quy định về quy hoạch đô thị.

Vài chục người, gồm các quan chức nhà nước, trùm xây dựng và con trai của 3 bộ trưởng trong nội các đã bị bắt, bị thẩm vấn. 2 con trai của 2 bộ trưởng vẫn đang bị tạm giữ. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sốc khi truyền hình chiếu cảnh thu được hàng triệu đô la tiền mặt tại nhà của các nghi phạm. "Chúng tôi có một ngạn ngữ rằng: Đất đá của Istanbul là vàng. Quả thực đúng thế. Một số người đã xem Istanbul như mỏ vàng vậy" - cựu Bộ trưởng Văn hóa Ertugrul Gunay nói với hãng tin Reuters.

Các dự án tham vọng

Đảng AK của ông Erdogan trỗi dậy từ đầu thập kỷ trước nhờ cam kết sẽ xóa bỏ nạn tham nhũng hoành hành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các dự án bất động sản lớn và cáo buộc tham nhũng liên quan đã phá hỏng hình ảnh đẹp của đảng.

Những người phê bình chính quyền nói rằng bộ khung pháp lý xung quanh lĩnh vực xây dựng, động lực chính thúc đẩy kinh tế đi lên, đã liên tục bị cắt gọt trong mấy năm gần đây, tạo ra các lỗ hổng mà nhiều nhà phát triển bất động sản có thể lợi dụng để trục lợi.

Oya Ozarslan, lãnh đạo tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng từ khi đảng AK nắm quyền, Luật Đấu thầu công của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chỉnh sửa 31 lần. Các thay đổi này đưa nhiều lĩnh vực ra khỏi tầm kiểm soát, gồm các dự án phát triển đô thị và một phần lớn hoạt động xây dựng nhà ở của Cơ quan quản lý phát triển nhà ở (TOKI). Ozarslan cho biết có tới nửa hoạt động đấu thầu của nhà nước đã không còn chịu sự quản lý của đạo luật.

TOKI là đơn vị phát triển đô thị chính của chính quyền, được giao trách nhiệm biến đổi các khu ổ chuột và triển khai các dự án bất động sản quy mô lớn, với đa số thông qua các hợp đồng chia sẻ lợi nhuận với các công ty tư nhân.

Một cuộc điều tra do ban kiểm toán riêng của Thủ tướng tiến hành trong năm 2004 thấy rằng mô hình chia sẻ lợi nhuận của TOKI không minh bạch và các tài sản công đã được bán dưới giá trị của chúng. Đảng CHP đối lập từng cáo buộc đảng AK đã dùng TOKI để chuyển tài sản nhà nước tới các công ty thân cận với chính quyền.  "TOKI không chỉ xây nhà và bệnh viện mà còn đang bán đất của chính quyền" - Aykut Erdogdu, thành viên CHP trong Quốc hội tuyên bố - "Chúng tôi không biết họ bán ra sao và giá trị thực là bao nhiêu".

Quan trọng hơn, hoạt động xây dựng bất động sản đã đe dọa tới di sản văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, hoạt động phản đối việc phá bỏ một phần công viên Hồi giáo Gezi ở Istanbul để phục vụ phát triển bất động sản đã biến thành biểu tình quy mô lớn.

Cá nhân ông Erdogan đã hạ thấp ảnh hưởng của các cuộc biểu tình và cả cuộc điều tra tham nhũng, xem đó là những âm mưu lật đổ chính quyền do nước ngoài hỗ trợ, do những kẻ ghen tị với sự bùng nổ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện.

Ông thề sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án xây dựng trị giá 80 tỷ USD, gồm việc xây sân bay thứ 3 thuộc hàng lớn nhất thế giới ở Istanbul, một cây cầu mới và một tuyến đường sắt chạy tới Ankara. "Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm trong những đôi bàn tay an toàn và sẽ tiếp tục tiến tới tương lai" - ông nói.

Di sản văn hóa bị đe dọa

Tuy nhiên tham vọng này của chính quyền và thực tế đang diễn ra đã khiến các chuyên gia văn hóa không khỏi lo sợ. "Thật không may, cơn khát lợi nhuận đã lấn át nhu cầu bảo vệ các di sản lịch sử của chúng tôi" - ông Gunay nói.

Deniz Incedayi, chủ tịch Phòng kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ  và là cố vấn của UNESCO trong việc quản lý các di sản thế giới của Istanbul, nói rằng không ít dự án phát triển bất động sản tư nhân đã phớt lờ các quy định giúp bảo tồn sự toàn vẹn về lịch sử, văn hóa của Istanbul. "Nhiều khu vực lịch sử và tự nhiên đang bị đe dọa" - bà nói.

Còn Serhan Gungor, một sử gia Istanbul đã không khỏi ngán ngẩm khi chỉ tay vào 3 tòa tháp mới: "Khung cảnh thành phố đã không thay đổi kể từ thế kỷ 19. Tôi băn khoăn không biết các chính trị gia vỗ ngực tự xưng bảo thủ sẽ bảo tồn được gì trong đất nước này, nếu không thể gìn giữ được khung cảnh lịch sử đã nổi tiếng toàn cầu của Istanbul."

Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm