EU thoát khỏi suy thoái

19/08/2013 08:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Châu Âu đang dần bước qua thời kỳ tồi tệ nhất trong 18 tháng suy thoái nặng nề, nhưng vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo.

1. Nền kinh tế ở Đức, Pháp hay Bỉ đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự tăng trưởng. Nhưng liệu kinh tế khu vực Eurozone có thực sự trở lại thời kỳ hưng thịnh hay không thì không một chuyên gia kinh tế nào ở châu Âu dám khẳng định.

Các chỉ số kinh tế mới nhất do Ủy ban châu Âu thống kê dường như đã chỉ ra rằng khu vực Eurozone đã kết thúc thời kỳ suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm liên tiếp trong 18 tháng. Tốc độ tăng trưởng quý 2 của khu vực châu Âu đạt 0,3%, vẫn thấp hơn Anh và Mỹ nhưng đã khá hơn rất nhiều so với những con số âm trong năm qua.

Niềm vui đã cảm thấy rõ tại trụ sở của Ủy ban châu Âu. Ủy viên chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế và tài chính Olli Rehn cho biết chiến lược thắt lưng buộc bụng mà ông kiến nghị với các nước thành viên khu vực Eurozone đã phát huy kết quả.


Sau 18 tháng ròng tăng trưởng âm, nền kinh tế khu vực Eurozone đã có sự khởi sắc.

2. Tuy nhiên, sự hồi sinh nên kinh tế ở các nước trong khu vực châu Âu rất khác nhau. Một số nước đã phải giảm bớt chương trình thắt lưng buộc bụng bởi nó tạo nên những phản ứng tiêu cực từ người dân khi nhiều chương trình phúc lợi xã hội đã phải cắt giảm tối đa.

Chính thức giảm bớt chương trình thắt lưng buộc bụng ở một số quốc gia như Pháp gián tiếp khiến nền kinh tế khởi sắc một cách yếu ớt. Những quốc gia khác như Italia, Hà Lan vẫn đang kẹt trong vũng lầy suy thoái mà chưa thể tìm được lối thoát. Chính sách thắt lưng buộc bụng ở những quốc gia này luôn ở mức tối đa.

Quan điểm cho rằng thắt chặt tài chính là nguyên nhân của sự phục hồi thật sự khó có thể chấp nhận. Chính sách giảm bớt chương trình thắt lưng buộc bụng mà một số nước châu Âu áp dụng chỉ mang tính tạm thời. Nếu như chỉ nhìn thấy sự khởi sắc mà tiếp tục thắt chặt nền kinh tế hơn nữa thì rất có thể, nền kinh tế châu Âu sẽ lại tăng trưởng âm.

Điều nguy hiểm thứ hai thể hiện ở sự mất cân bằng tài chính giữa các nước khu vực Bắc Âu và các nước gặp khủng hoảng ở phía Nam. Thắt chặt chi tiêu tài chính cũng đồng nghĩa rằng các nước ở phía Bắc sẽ muốn đòi lại những khoản nợ khổng lồ mà những nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha đang phải vay. Khả năng phục hồi nền kinh tế chỉ thực sự bền vững nếu các nước chủ nợ cảm thấy rằng, khoản hỗ trợ cho các nước gặp khủng hoảng sẽ không hoàn lại.

Chiến lược phát triển đúng đắn nhất trong thời điểm hiện nay là việc các nước có nguồn tài chính dư dả ở Bắc Âu hãy chấp nhận những đề nghị giảm nợ của các quốc gia khác trong khu vực Eurozone đang gặp khủng hoảng nặng nề. Thắt lưng buộc bụng về lâu dài sẽ chỉ làm giảm niềm tin của công dân mà suy cho cùng sẽ dẫn tới sự chững lại của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc kết hợp hài hòa giữa việc thắt lưng buộc bụng và giải quyết những khoản nợ khổng lồ sẽ là vấn đề mà các nước khu vực Eurozone phải tìm cách giải quyết sao cho hợp lý để hướng tới một nền kinh tế châu Âu hoàn toàn vượt qua khỏi khủng hoảng.

Đăng Nguyễn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm