Cựu đại sứ Mỹ Pete Peterson: “Tận tụy” giúp trẻ em Việt Nam biết bơi

24/03/2013 11:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 30 năm sau khi trở thành tù binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Pete Peterson đã trở lại đất nước ông từng bắn phá với tư cách đại sứ Mỹ. Ở đây, ông bắt tay với những người từng bắt mình và bắt đầu một sứ mạng nhằm giúp trẻ em khỏi bị chết đuối.

Douglas "Pete" Peterson không thể nào quên được những tháng ngày tham gia ném bom Việt Nam. Khi tới Việt Nam vào tháng 5/1966, ông đã phục vụ Không lực Mỹ trong 10 năm, cả ở quê nhà lẫn ở Đức.

Quá khứ dữ dội

Ông nói rằng khi đó vợ mình đang mang bầu và hoàn toàn có thể hoãn việc thực hiện nghĩa vụ chiến tranh. Nhưng ông đã không làm thế vì nghĩ rằng mình là một quân nhân chuyên nghiệp - về sau này ông thừa nhận mình đã hối tiếc vì không sử dụng đặc quyền của mình.

Công việc của Peterson là điều khiển những chiếc chiến đấu cơ F-4C Phantom II. Ông cất cánh từ Thái Lan, phần lớn là vào ban đêm, bay qua Lào vào Bắc Việt Nam và tấn công các tuyến đường vận tải. Ông là một trong các phi công “Cú đêm” khi đó.



Peterson (phải) bắt tay với Nguyễn Viết Chộp, người đã bắt được ông khi chiếc F-4 của ông bị bắn hạ

Một đợt chiến đấu dài 100 nhiệm vụ. 4 tháng sau khi bắt đầu thực hiện đợt chiến đấu của mình, Peterson đã bay tới 66 nhiệm vụ và có vẻ như ông sẽ được về nhà vào Giáng Sinh. Nhưng ngày 10/9 năm đó, ông và phi công phụ Bernard "Bunny" Talley cất cánh để tấn công một cây cầu và một tổ hợp phà gần Hà Nội. "Thời tiết tệ hơn dự báo và chúng tôi đã bay trong những đám mây. Chúng tôi đã không thấy quả tên lửa bay tới" - ông kể lại.

Quả tên lửa gần như đã xé rách chiếc F-4 làm hai nửa. Khi phần sau của máy bay chìm trong lửa, Peterson và Talley vẫn kịp nhấn nút phóng ra khỏi máy bay thoát thân. Peterson rơi trúng một cây xoài, bị thương nặng với đầu bị đập mạnh, hai đầu gối trật khớp, một chân bị gãy.

Ông ra lệnh cho Talley chạy trốn rồi rút súng ngắn và đã nghĩ tới việc tự sát. Cuối cùng, ông vứt súng vào một rãnh nước và thử tìm cách sống sót - dù việc này có nghĩa bị bắt.

Ông bị đưa về Hà Nội tới nhà tù Hỏa Lò, được chữa bệnh và rồi đưa tới một trại tù binh, nơi chứa của các phi công. Ông bị giam giữ tới ngày 4/3/1973 mới được trả tự do. Trở lại Mỹ, ông tiếp tục ở lại Không lực cho tới năm 1980 và về hưu với vị trí một đại tá

Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam

Năm 1990, ông được bầu vào Quốc hội với tư cách một đảng viên đảng Dân chủ và làm việc ở đây cho tới năm 1997. Trong khoảng thời gian này, ông trở lại thăm Việt Nam 3 lần để tìm thông tin về các quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam.

Các chuyến đi này đã mang tới cho Peterson cơ hội đối mặt với các trải nghiệm thời chiến của mình, vốn được ông giữ kín trước gia đình. "Điều tôi làm là che giấu các trải nghiệm đã qua" - ông nói với tờ San Jose Mercury News, thừa nhận rằng thi thoảng vẫn choàng tỉnh sau một cơn mê, mình mẩy ướt đẫm.

Trong lần thứ hai trở lại Việt Nam, ông thấy rằng không chỉ có bản thân đang cố chữa lành vết thương trong tâm hồn mà cả những người Việt Nam cũng làm điều tương tự. Kể từ đó, Peterson trở thành tiếng nói của sự hòa giải. Sau khi quyết định không tiếp tục tham gia Quốc hội nữa, ông đã được đề nghị làm một công việc mới.

"Tổng thống Bill Clinton liên lạc với tôi và hỏi rằng liệu tôi có muốn ngồi ghế đại sứ ở Hà Nội và là đại sứ đầu tiên (thời hậu chiến) hay không" - ông kể. Giống như năm 1966, Peterson không bị ép phải tới Việt Nam và lần này ông đã suýt nữa từ chối.

"Tôi hơi lo lắng. Anh có thể trở lại thăm một đất nước là một chuyện. Nhưng trở lại và là một quan chức ngoại giao hàng đầu thì lại là chuyện khác" - ông thổ lộ.

Từ một khía cạnh nào đó, việc lựa chọn ông cũng là điều lạ lùng. Làm sao người Việt Nam có thể chấp nhận một người đàn ông từng 66 lần ném bom đất nước của mình và rất có thể đã dẫn tới cái chết của dân thường vô tội? Nhưng Clinton là người kiên trì và đã gửi một số trợ lý tới thuyết phục Peterson, khiến ông đồng ý. Ông nói rằng cũng thích thử thách bản thân và muốn thử xem mình có thể trở lại và "làm điều gì đó tích cực". Kết quả là theo lời Peterson, ông đã được chào đón một cách nồng ấm.

Cựu phóng viên David Lam của tờ Los Angeles Times, trong cuốn sách mang tựa đề Vietnam Now: A Reporter Returns (Việt Nam hiện nay: sự trở lại của một phóng viên), nói rằng trong 4 năm ở Việt Nam, Peterson đã trở thành "một tấm bảng di động thể hiện sự hàn gắn quan hệ".

Lamb nói rằng Peterson rất được yêu mến, tới mức người Việt thường chặn ông trên phố để chụp ảnh. Ông còn được cắt tóc giảm giá 50% tại một hiệu tóc, ăn phở như người bản xứ và khi rảnh rỗi thường đi thăm thú vùng nông thôn bằng chiếc Honda của mình.


   Ông Peterson và người vợ Việt Nam, bà Lê Vi

Hết mình vì sự an toàn của trẻ em

Nâng cao nhận thức về sức khỏe và an toàn trở thành mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ đại sứ của Peterson. Trong văn phòng của mình, ông bắt đầu một chương trình mang tên Safe Vietnam nhằm thúc đẩy sự an toàn ở Việt Nam. Một trong những lĩnh vực đầu tiên ông hướng sự quan tâm là việc phổ cập đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Những nỗ lực vận động của Peterson đã góp phần giúp quy định đội mũ bảo hiểm được thông qua và Việt Nam giờ có tỷ lệ tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm rất cao. Năm 2000, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã trao tặng Peterson giải thưởng cao quý nhất.

Năm tiếp theo, ông giám sát một nghiên cứu lớn về tình hình thương tật và tử vong, trong đó cho thấy nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em Việt Nam thiệt mạng không phải vì bệnh tật lây nhiễm mà vì tai nạn.

Kết quả là ông đã thành lập tổ chức mới mang tên The Alliance for Safe Children (Liên minh vì an toàn trẻ em - Tasc). Tacs ước tính rằng ở Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, chết đuối chiếm 1/4 nguyên nhân tử vong của trẻ dưới 9 tuổi. 80% số trẻ đuối nước gặp nạn chỉ trong vòng 20 mét quanh nhà các bé.

Tacs ước tính rằng mỗi giờ lại có một đứa trẻ chết đuối ở Việt Nam. Vậy là Peterson bắt đầu xem xét việc ngăn chặn tình trạng đuối nước của trẻ em. "Có một nỗi sợ nước hiện diện. Bình thường một gia đình không dạy những đứa trẻ tập bơi, vì các ông bố bà mẹ không biết bơi" - ông nói.

Hợp tác với tổ chức Royal Life Saving Society ở Australia, Tasc đã phát triển chương trình ngăn chặn chết đuối mang tên Swimsafe. Hơn 300.000 đứa trẻ ở Việt Nam và Bangladesh đã tham gia chương trình và học được các kỹ năng bơi lội cơ bản, đủ để sống sót.

Pete Peterson, giờ đã 77 tuổi, vẫn chưa muốn về hưu. "Cuộc đời tôi là để làm những việc gì đó mang tính xây dựng" - ông từng nói với CBS. Ông và các cộng sự hiện đang vất vả tìm cách quyên được 100.000 USD để giữ cho chương trình Tacs tiếp tục hoạt động ở Việt Nam.

Hôm 11/3 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã trao bằng khen của UBND TP.Đà Nẵng cho ông Peterson và phu nhân vì có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố, đặc biệt là chương trình "Bơi an toàn" giúp trẻ em học bơi.

  Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

                                                                                                                                                                                                          
                                                                                                                                                                                                             

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm