Chuyện tỷ phú: Carlos Slim - Người giàu nhất thế giới

06/05/2013 13:13 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Carlos Slim Helu, sinh năm 1940, chính thức hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản ở hàng loạt tập đoàn Mexico và Nam Mỹ. Ông là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hai tập đoàn viễn thông khổng lồ Telmex và America Movil.

Riêng America Movil, năm 2010 là công ty cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Mỹ Latin và khoảng 49 tỉ USD tài sản của Slim là ở công ty này tính tới cuối năm 2010. Tổng tài sản của ông tính tới tháng 3/2013 ước tính là 73 tỉ USD.

Ngày nào cũng phải bỏ tiền vào túi Slim

Người ta nói ở Mexico, bạn khó có thể sống qua một ngày mà không bỏ tiền vào túi Slim. Nhà tài phiệt 73 tuổi kiểm soát hơn 200 công ty, mà chính ông cũng nói là mình “không nhớ xuể”, trong các lĩnh vực viễn thông, thuốc lá, xây dựng, khai mỏ, sản xuất xe đạp, đồ uống, hàng không, khách sạn, đường sắt, ngân hàng và in ấn. Tính tổng cộng, các công ty của ông chiếm một phần ba tổng giá trị chỉ số các mã chứng khoán hàng đầu ở Mexico, tài sản của ông tương đương 7% sản lượng kinh tế nước này (ở đỉnh cao sự nghiệp, John D. Rockefeller “chỉ” có tài sản tương đương 2,5% GDP của Mỹ. Các tỉ phú Mỹ ngày nay thì không thể sánh được về tỉ phần so với sản lượng của nước họ, do GDP của Mỹ giờ đã quá lớn).

Chuyên mục "Chuyện tỷ phú" chỉ có trên Thethaovanhoa.vn, xuất hiện vào thứ Hai hàng tuần. Trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi.

Một nhà hàng ở Mexico City muốn nổi tiếng thậm chí đã ghi hẳn vào thực đơn của họ câu đùa: “Nhà hàng này là nơi duy nhất ở Mexico không thuộc sở hữu Carlos Slim”. Tài sản của Slim tăng với tốc độ chóng mặt trong vài năm qua, từ 40 tỉ USD lên 60 tỉ USD từ 2003 tới 2005 và từ 60 tỉ USD lên 73 tỉ USD từ 2005 tới nay. Ông chính thức vượt qua Bill Gates vào tháng 3/2004, trở thành người giàu nhất thế giới đầu tiên đến từ một quốc gia đang phát triển trong danh sách của Forbes.

“Đó không phải là cuộc cạnh tranh”, Slim nói trong một cuộc phỏng vấn, với điều xì-gà Cuba quen thuộc trên miệng trong văn phòng ở tầng hai của ông treo đầy những bức tranh phong cảnh Mexico thế kỷ 19. Là người khiêm nhường và tiết kiệm, đeo cà-vạt do chính công ty mình sản xuất, nhà tài phiệt nói ông không cảm thấy mình giàu hơn vì những danh sách ầm ĩ.

Làm sao mà cậu con trai người Mexico của một gia đình Lebanon nhập cư lại có thể vươn tới đỉnh cao như thế? Bằng cách nắm những doanh nghiệp độc quyền, rất giống với cách John D. Rockefeller làm khi ông phát triển pháo đài kinh doanh của mình trong ngành công nghiệp và lọc dầu. Ở thế giới hậu công nghiệp, pháo đài của Slim là ngành điện thoại. Ở thời đỉnh cao, công ty Telefonos de Mexico SAB và hãng di động Telcel của ông chiếm 92% đường điện thoại cố định và 73% số điện thoại di động trên cả nước. Giống như Rockefeller, Slim tập hợp được quyền lực khiến ông gần như không thể động tới ở Mexico, một thế lực cũng hùng mạnh như nhà nước.

Ông là một người đầy mâu thuẫn. Slim nói ông thích cạnh tranh trong kinh doanh, nhưng lại cố gắng duy trì thế độc quyền của mình. Ông thích nói về công nghệ và thành công nhờ công nghệ, nhưng bản thân lại không hề có máy tính và giống mẫu doanh nhân cổ điển, luôn thích dùng giấy bút hơn. Ông từng tiếp đón những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới, từ tổng thống Mỹ Bill Clinton tới đại văn hào được giải Nobel Gabriel Garcia Marquez tại biệt điện của ông ở Mexico City, nhưng bản thân Slim sống khá khép kín, ít đi lại và tự hào nói ông không có nhà cửa nào khác ở ngoài Mexico. Ở một đất nước hâm một bóng đá, ông lại là một cổ động viên bóng chày. Đội ông yêu nhất cũng là đội bóng chày giàu nhất thế giới, New York Yankees.

Thiên tài kinh doanh hay kẻ bòn rút

Những người ngưỡng mộ ông nói về một Slim “bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm”, rằng ông vẫn hàng đêm thức rất muộn đọc sách lịch sử. Ông rất thích sách viết về Thành Cát Tư Hãn và thiên tài quân sự của ông, với mong muốn tìm thấy ở đó những lời khuyên để biến Mexico thành một con hổ mới của Mỹ Latin. Đời sống kinh doanh và cá nhân của ông trở thành mẫu mực ở một vùng mà văn hóa sống khá phóng túng như Mỹ Latin, khiến những doanh nhân thành đạt lúc nào cũng sẽ bỏ tiền xây các dinh thự khổng lồ và bay bằng máy bay cá nhân sang châu Phi để đi săn tê giác.

Tuy nhiên, với những người chỉ trích, sự vươn lên của Slim cho thấy vấn đề sâu sắc với Mexico: khoảng cách giàu nghèo. Xếp hạng mới đây của Liên Hiệp Quốc cho thấy Mexico xếp thứ 103 trong số 126 nước về bất bình đẳng. Trong hai năm qua, Slim kiếm được 27 triệu USD mỗi ngày, trong khi một phần năm dân số Mexico phải sống với mức dưới 2 USD mỗi ngày. “Giống như những nhà tài phiệt Mỹ vào các năm 1890. Chỉ Slim là Rockefeller, Carnegie và J.P. Morgan, tất cả tập trung vào một người”, David Martinez, một nhà đầu tư Mexico ở Manhattan nói.

Các công ty độc quyền là một truyền thống của kinh tế Mexico. Nhưng trong quá khứ, những chính trị gia đóng vai trò điều tiết trong các ngành kinh doanh lớn để đảm bảo các tập đoàn không làm hại tới lợi ích cử tri và qua đó, tới quyền lực của họ. Nhưng kiểm soát chính trị xói mòn trong những năm 1990 với quá trình tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế và cái chết từ từ của Đảng hiến pháp cách mạng, đảng chính trị nắm quyền trong 71 năm cho tới năm 2000.

“Thật ngạc nhiên về cách các công ty lớn kiểm soát nhà nước Mexico. Đó là một rủi ro cho nền dân chủ và đang bóp nghẹt nền kinh tế”, nhà hoạt động Eduardo Perez Motta nói. Tuy nhiên, Slim bác bỏ những cáo buộc về sự độc tài của ông: “Tôi thích cạnh tranh và chúng ta cần nhiều sự cạnh tranh hơn”. Ông nhấn mạnh nhiều công ty của ông hoạt động ở các thị trường cạnh tranh và chỉ ra rằng Mexico chỉ chiếm khoảng một phần ba thị phần của công ty America Movil SAB, vốn có khách hàng suốt từ San Francisco tới Sao Paolo.

Chiến lược của Slim đã rất ổn định trong suốt sự nghiệp dài của ông: mua lại các công ty với giá rẻ, tái cơ cấu, loại bỏ đối thủ một cách không thương tiếc. Sau khi Slim nắm quyền kiểm soát Telmex năm 1990, ông nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế độc tôn trong ngành điện thoại cố định. Một số người chỉ trích cho rằng việc ông kiểm soát các hệ thống điện thoại đã cản trở sự phát triển của ngành viễn thông ở Mexico. Trong khi điện thoại cố định đã trở thành điều phổ biến ở hầu hết các gia đình Nam Mỹ, chỉ một nửa các gia đình Mexico được sử dụng dịch vụ này. Tính tới năm 2006, chỉ 4% dân số Mexico được tiếp cận internet tốc độ cao, người tiêu dùng cũng phải trả cho chi phí điện thoại di động cao hơn bình quân, theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Slim thừa nhận nhiều ngành kinh doanh ở Mexico chứng kiến sự thống trị của các công ty lớn, nhưng ông cho rằng điều đó không hại gì miễn là dịch vụ được cung cấp đủ tốt. “Nếu bia ở Mexico có giá 1 peso và ở Mỹ có giá 2 peso, thì không có vấn đề gì”, ông nói. “Chúng tôi tính phí 14 USD mỗi tháng cho dịch vụ thuê điện thoại cơ bản, rẻ hơn so với ở Mỹ”. Tuy nhiên, đó là mức cơ bản, các phí cộng thêm khiến hóa đơn điện thoại của Mexico thực ra là đắt hơn ở Mỹ. Chính nhà Slim trả 470 USD tiền gọi điện tháng trước. “Tôi có nhiều người giúp việc và các con tôi gọi rất nhiều”, ông giải thích.

Nhìn thấy cơ hội sớm

Slim trước sau như một nói thành công của ông là nhờ nhìn thấy cơ hội từ sớm, điều mà ông học được nhờ đọc tác phẩm của nhà tương lai học nổi tiếng Alvin Toffler, tác giả cuốn sách bán chạy “Future Shock” (Cú sốc tương lai, đã dịch sang tiếng Việt) vào những năm 1970. Toffler gửi cho Slim một cuốn và ông gặp nhà tỉ phú lần đầu trong một chuyến đi Mexico năm 1993. Slim tiếp cận Toffler sau bài diễn thuyết, và họ trở thành bạn. “Nếu không biết ông ấy là người giàu nhất thế giới, bạn sẽ nghĩ đó chỉ là một người thông minh dễ mến”, Toffler nói.

Là con trai thứ năm trong một gia đình sáu người con, Slim sinh ra đã giàu có. Cha ông, Julian Slim, có một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm Mexico City tên gọi “Ngôi sao phương Đông”. Ông qua đời khi Carlos Slim mới 13 tuổi. Ngay từ sớm, Carlos Slim đã có nhiều trải nghiệm có ích cho sự nghiệp kinh doanh sau này. Ông dạy đại số ở trường đại học lớn nhất ở Mexico và có bằng cử nhân với luận văn ứng dụng đại số cho kỹ thuật công trình. Cũng chính sự yêu thích các con số đưa ông tới đam mê bóng chày, một đam mê lâu bền tới tận ngày nay.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông cùng một số người bạn đi làm môi giới chứng khoán ở thị trường chứng khoán đang rất hứa hẹn của Mexico khi đó. Dù rất thành công, ông không ham tiệc tùng và tận hưởng thành công như bạn bè và đồng sự. “Ông ấy không thích tiền như chúng tôi. Ông ấy chỉ muốn làm một doanh nhân tốt”, Enrique Trigueros, một người bạn cũ, nhớ lại.

Slim có cơ hội trở thành một doanh nhân tốt sau khi xoay chuyển thành công một công ty đồ uống và một công ty in những năm 1960 và 1970. Ông có bước đi lớn đầu tiên năm 1981, mua lại một lượng lớn cổ phần của công ty thuốc lá lớn thứ hai Mexico, Cigatam, nhà sản xuất của thương hiệu Malboro ở Mexico. Nhưng 1982 mới là năm định mệnh. Năm đó, giá dầu rớt sâu đẩy Mexico vào suy thoái. Khi tổng thống sắp mãn nhiệm Jose Lopez Portillo quốc hữu hóa các ngân hàng, giới doanh nhân sợ đất nước sẽ được điều hành theo kiểu xã hội chủ nghĩa và bỏ chạy. Nhiều công ty được bán chỉ với 5% giá trị sổ sách. Slim chọn hàng chục công ty như thế và mua lại, động thái được tưởng thưởng khi nền kinh tế hồi phục những năm sau đó. Ông mùa công ty bảo hiểm lớn nhất Mexico, Seguros de Mexico, với giá 44 triệu USD. Ngày nay, công ty này được định giá ít nhất 2,5 tỉ USD.

Phần việc sau đó dễ dàng hơn, nhưng vẫn cho thấy nhãn quan của một doanh nhân phi thường. Giai đoạn 2002-2004, ông tập hợp được 13% cổ phần của hãng vận tải hàng không tuyên bố phá sản MCI mà sau này Slim bán lại cho Verizon Communications Corp. với giá 1,3 tỉ USD. “Ông ấy không bao giờ mua quá giá bất cứ thứ gì”, Hector Aguilar Camin, một sử gia và bạn của Slim, bình luận. Khi Camin và Slim đi nghỉ ở Venice, người giàu nhất hành tinh từng mặc cả nhiều giờ liền với một chủ cửa hàng để được giảm 10 USD cho một chiếc cà-vạt.

Sức mạnh từ quan hệ chính quyền

Năng lực của Slim là không phải bàn cãi, nhưng nhiêu người Mexico cũng tin rằng thời vận của ông đến khi Carlos Salinas vươn lên đỉnh cao quyền lực năm 1988. Salinas, một nhà kỹ trị học ở Harvard, trở về với khát khao hiện đại hóa đất nước. Hai người trở thành bạn từ giữa những năm 1980 và Salinas gọi Slim là doanh nhân trẻ sáng giá nhất Mexico. Bộ đôi thường được biết đến là “Carlos and Charlies”, theo tên một chuỗi nhà hàng nổi tiếng ở Mexico. Dưới thời Salinas, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước được bán ra, bao gồm Telmex năm 1990. Slim, cùng với hai nhà đầu tư nước ngoài Southwestern Bell và France Telecom, thắng gói đấu giá mua lại công ty này. Quá trình tư nhân hóa đó còn tạo ra rất nhiều tỉ phú ở Mexico. Năm 1991, cả nước có hai tỉ phú trong danh sách Forbes. Năm 1994, sau nhiệm kỳ tổng thống sáu năm của Salinas, con số đó là 24, người giàu nhất la Slim.

Đó không phải là lần cuối Slim hưởng lợi từ mối quan hệ với giới chính trị chóp bu. Những cố gắng quản lý các công ty của Slim thường là thất bại suốt nhiều năm qua. Cơ quan quản lý nhà nước trong ngành viễn thông ở Mexico, Cofetel, yếu ớt tới mức những năm 1990, cơ quan này được gọi là “Cofotelmex”. Khi nhà chức trách thực sự định ra tay, thì các luật sư ngôi sao của Slim đẩy vụ việc sang bên tư pháp và những vụ kiện tụng ở tòa thường kéo dài vô tận mà không đi tới kết luận nào.

Những lãnh đạo Telmex cũng có nhiều bạn bè ở cấp cao nhất. Vicente Fox, tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mexico thuộc phe đối lập khi thắng cử năm 2000, chỉ định một cựu nhân viên Telmex, Pedro Cerisola, vào ghế bộ trưởng thông tin và giao thông! Trong nhiệm kỳ của mình, ông Cerisola duy trì chính sách án binh bất động với Telmex.

Nhờ tiền bạc từ đế chế viễn thông của mình, Slim mở rộng ra các thị trường Mỹ Latin cùng nhiêu lĩnh vực khác. Công ty viễn thông America Movil có 124 triệu khách hàng ở hơn một chục nước Mỹ Latin. Công ty xây dựng mới của ông, Ideal SAB, hiện đang đấu thầu những dự án đường sắt cao tốc lớn nhất Mexico. Công ty dầu khí mới thành lập cũng chuẩn bị nhảy vào mỏ dầu lớn nhất nước. Một số lãnh đạo doanh nghiệp nói họ cảm thấy Slim đang trở nên quá tham lam. Việc vợ ông, Soumaya, qua đời vì bệnh thận năm 1999 khiến Slim không còn ai neo ông lại, theo lời một người bạn thân từ thời còn làm chứng khoán. “Bà ấy là một phụ nữ đặc biệt, kiểu phụ nữ sẽ giúp chồng biết đâu là giới hạn. Lúc này thì ông ấy chỉ còn mỗi chuyện làm ăn trong đầu”.

Slim gần đây cũng làm từ thiện nhiều hơn, nhưng không như các nhà tỉ phú Mỹ, ông nói di sản lớn nhất của mình vẫn là gia đình. Năm 2000, vài năm sau một ca phẫu thuật tim, ông bắt đầu để con trai và con rể phụ trách việc kinh doanh. Ông cũng khởi động nhóm “Cha và con” mời các tỉ phú Mỹ Latin tới một cuộc gặp mặt thường niên, ăn uống và tham dự những hội thảo như “Làm sao để vận hành việc kinh doanh gia đình”. Hiện chưa rõ ai sẽ là người thừa kế Slim, nhưng có một điều chắc chắn, ông sẽ không để lại tài sản cho người khác ngoài gia đình như Bill Gates.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm