Chuyện khó tin do khủng hoảng kinh tế: Người giỏi "chê" nước giàu …

16/11/2012 10:15 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Làn sóng lao động di cư có chuyên môn cao từ các nước đang phát triển sang các nước công nghiệp bắt đầu có xu hướng trở về quê hương, cuốn theo cả những chuyên gia và lao động có tay nghề của châu Âu và Mỹ. Xu hướng này mở ra thêm cơ hội cho các nền kinh tế năng động.  

Khi Marcio Charata bị sa thải khỏi vị trí được trả lương khá cao tại một công ty ở phía Nam Bồ Đào Nha cách đây hai năm, anh đã gửi đơn xin việc tới tất cả các mối quan hệ đã có. 

“Chảy máu chất xám” từ các nước giàu

20 lần hẹn phỏng vấn, nhưng không lần nào thành công, do khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế từng phát triển rất nhanh của châu Âu này. Cuối cùng, Marcio Charata quyết định nói lời tạm biệt Bồ Đào Nha, lên đường sang một thuộc địa cũ của nước này: Mozambique.

Nay, chàng trai được đào tạo bài bản và có nhiều năm kinh nghiệm này đã trở thành quản lý cao cấp của một công ty truyền thông Mozambique, gia nhập hàng ngũ hàng ngàn người Bồ Đào Nha đang làm việc ở đây.

Đứng trước nguy cơ mất việc, cắt giảm phúc lợi xã hội, tăng thuế, nhiều người Bồ Đào Nha đã tới các nước đang phát triển hoặc từng là thuộc địa cũ của mình để tìm việc làm, như Angola, Mozambique hay Brazil, Trung Quốc, những nền kinh tế vẫn duy trì được sức tăng trưởng cao bất chấp khủng hoảng toàn cầu. Họ đã góp phần giúp đảo ngược làn sóng chảy máu chất xám từ nước nghèo sang nước giàu vẫn tồn tại lâu nay.

Chảy máu chất xám từ lâu đã được coi là căn bệnh trầm kha đe doạ sự phát triển của các nước nghèo. Hàng triệu trí thức, lao động có tay nghề từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil rời bỏ quê hương để đi tìm cơ hội tốt hơn ở các nước phát triển và nhiều khi phải chấp nhận làm những công việc thuần tuý chân tay. Thế nhưng hiện nay, xu hướng này đã thay đổi, một bộ phận lớn người lao động di cư không coi thế giới hiện đại là nơi mang lại cho họ nhiều cơ hội nữa. Thay vì thế, họ tìm tới các nền kinh tế mới nổi.

Những người như anh Sitati Kituyi đã can đảm từ bỏ sự nghiệp đang xán lạn ở phương Tây để trở về tìm kiếm cơ hội tại quê nhà Kenya. Họ là thành viên của một làn sóng chảy máu chất xám ngược thời hiện đại

Các nền kinh tế mới nổi, những miền đất hứa

Trung Quốc đã từng là nước có số người di cư lớn nhất, nhưng khi nền kinh tế nước này cất cánh, Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy việc thu hút hàng triệu Hoa kiều từ khắp nơi trở về. Ưu đãi dành cho trí thức gốc Hoa hồi hương hấp dẫn hơn bất cứ ở nước nào khác trên thế giới, và ngày càng tăng lên cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Kết quả, số người về nước mỗi năm đã tăng gấp 10 lần so với đầu thế kỷ 21.

Từ năm 1978, hơn 1,5 triệu người Trung Quốc đã ra nước ngoài học tập và trong nhiều năm chỉ có một số ít trở về nước, nhưng tới năm 2011, 186.000 người tốt nghiệp đã hồi hương, tăng 40% so với năm 2010. Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đề ra chương trình “1.000 tài năng” nhằm ưu đãi đặc biệt các nhà khoa học và quản lý hàng đầu, như tặng 150.000 USD tiền mặt, cung cấp miễn phí văn phòng, phòng thí nghiệm, nhà ở, cho con cái học ở những trường tốt nhất. Ít nhất 150.000 người đã về nước để hưởng chính sách này.

Brazil cũng nỗ lực thu hút di dân hồi hương và cả những người châu Âu có trình độ cao. Số người nước ngoài sống và làm việc hợp pháp tại đây đã tăng hơn 50% từ năm 2010 đến tháng 4/2012, trong đó một bộ phận lớn là người Bồ Đào Nha, biến Brazil lần đầu trở thành quốc gia nhập cư lý tưởng, sau nhiều năm là nơi xuất phát của dòng người di cư.

“Từ trước đến nay, Mỹ chưa bao giờ chứng kiến một sự chảy máu chất xám. Họ tự hào là vùng đất để nhập cư, chứ không phải để ra đi. Nhưng nay thì xu hướng này đã bắt đầu thay đổi" (Ông Demetrios Papademetriou, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách di cư)

Từ năm 2005 đến 2010, số người Brazil sống ở nước ngoài cũng giảm từ 4 triệu xuống còn 2 triệu người. Có người buộc phải trở về vì các quy định chặt chẽ về nhập cư của Mỹ hay do kinh tế khó khăn, nhưng một số lớn là do họ cho rằng cơ hội tốt nhất nằm ngay ở quê hương.

Chảy máu chất xám từng là yếu tố kìm hãm các nước châu Phi, bắt đầu từ cuộc di dân ồ ạt vào những năm 1960. Rất nhiều người từng phải xa xứ nay kéo về nước do bị hấp dẫn bởi rất nhiều cơ hội làm ăn.

Những lợi ích khó đo đếm

Ngay cả các nước thuộc Liên minh châu Âu có trình độ phát triển kém hơn, cũng hy vọng rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ giúp họ lôi kéo trí thức về nước.

Năm 2004, khi Ba Lan trở thành thành viên EU, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Ba Lan đã sang Anh và Ireland. Họ buộc phải làm các công việc phổ thông, như công nhân xây dựng hay phục vụ nhà hàng, vì không có lựa chọn nào khác. Còn nay thì môt dòng chảy nhỏ nhưng ổn định đã về nguồn để tranh thủ những cơ hội đang xuất hiện trở lại ở trong nước.

Nhà nghiên cứu Georges Lemaitre của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nói rằng những người  trở về từ các nước phát triển, quen với tác phong và nề nếp làm việc hiện đại, có thể đóng góp vào những lĩnh vực như chống tham nhũng, lãng phí và xây dựng một phong cách quản lý chuyên nghiệp cho quê hương theo một cách rất tự nhiên. Những điều này sẽ rất có lợi cho sự phát triển đất nước trong những năm về sau.

Ngọc Nhàn (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm