26/01/2013 08:01 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Liệu âm nhạc có thực sự làm thay đổi thế giới nhiều đến thế? Liệu có những bản thu âm có sức mạnh thay đổi nền chính trị? Có một bản nhạc như thế nhưng chỉ gần đây nó mới được biết đến rộng rãi.
Cách đây 50 năm, Đức và Pháp vẫn còn sống trong vết thương chiến tranh. Đức Quốc xã xâm lược Pháp rồi bị đánh bại. Từ trong bãi mìn của sự oán hận và phẫn uất đầy đau đớn ấy đã xuất hiện một cô ca sĩ phòng trà với giọng hát mềm mại và trong sáng…
Barbara là nghệ danh của cô, ra đời ở Paris năm 1930, tên thật là Monique Serf. Cô là người Do Thái và cũng là mục tiêu cho trại tập trung Quốc xã. Tuy nhiên, hai thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, Barbara đến thành phố Goettingen của Đức.
Cô bắt đầu yêu mến thành phố và con người nơi đây, và thu âm một bản nhạc ca ngợi nó, lần đầu bằng tiếng Pháp, sau đó là bằng tiếng Đức, ngôn ngữ của những kẻ áp bức trước đây. Bản nhạc tác động đến con tim của những khán giả người Đức ở Nhà hát Goettingen. Nó trở thành một bản nhạc đỉnh thời đó. Một con đường được đặt theo tên của cô. Thành phố đã trao tặng huân chương danh dự cho cô. Có những lời trích dẫn nói về bản nhạc và những “lời khẩn cầu mạnh mẽ, tĩnh lặng cần phải thấu hiểu” của nó. Sự phổ biến của bản nhạc ấy đã “góp một phần quan trọng trong việc hòa giải mối quan hệ Đức- Pháp”.
Lời bài hát: “Dĩ nhiên, ta có dòng sông Seine. Và rừng Vincennes. Nhưng Chúa ơi, những đóa hồng thật đẹp, ở Goettingen, ở Goettingen” và “Những đứa trẻ đều giống nhau. Dù là ở Paris hay Goettingen. Có lẽ thời kỳ đổ máu và căm hận sẽ không còn trở lại. Bởi có những con người tôi yêu. Ở Goettingen, ở Goettingen”.
Một trong số những khán giả được nghe bài hát này là cậu sinh viên Gerhard Schroeder. Sau này ông trở thành Thủ tướng Đức và đã dùng lại những ngôn từ của bản ballad trong bài diễn văn đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Elysee hòa giải Pháp-Đức. “Tôi là một sinh viên đang học tiến sĩ ở Goettingen khi cô ấy hát ca khúc ấy. Nó đi vào con tim của mọi người, khởi nguồn của một tình hữu nghị tuyệt vời giữa hai quốc gia”, ông Schroeder nhớ lại. Bản nhạc đẹp một cách ám ảnh, một bản tình ca bâng khuâng và khao khát thoáng chút buồn.
Cuộc đời của Barbara là nỗi buồn ấy. Cô từng bị cha lạm dụng tình dục, từng phải trốn chạy trong chiến tranh. Sau Thế chiến 2, cô trở về Paris, học hát và đàn piano ở Trường Âm nhạc Paris. Cuộc đời đưa đẩy cô đến các phòng trà và thế giới của Edith Piaf, rồi sau này là Jacques Brel. Bước ngoặt của Barbara đến vào những năm đầu 1960 với Barbara Chante Barbara. Ở Đức, cô được yêu mến vì tình yêu của cô dành cho họ. Ở Pháp, cô là một ngôi sao. Khi cô qua đời năm 1997, khoảng 250.000 người đã đi đưa tang.
Nhưng Goettingen chỉ được thu âm sau bài diễn văn chính trị lớn vào hạng nhất của thế kỷ 20, khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đến thành phố Ludwigsburg và diễn thuyết trước những công dân trẻ của nước Đức (9/9/1962), bằng tiếng Đức. Trải qua phần lớn thời gian thời chiến tranh ở London, De Gaulle trở lại lãnh đạo nước Pháp tự do và là kình địch của Đức Quốc xã. Vì vậy bài diễn văn của ông trước người Đức là một cột mốc lịch sử phi thường. Nhưng điều gì quan trọng hơn, bài diễn văn của nhà lãnh đạo hay bản nhạc của một cô ca sĩ?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất