Ác mộng của Snowden dần thành hiện thực

08/07/2013 11:03 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Nỗi sợ lớn nhất của Edward Snowden khi tiết lộ thông tin liên quan tới chương trình do thám Prism bí mật của Mỹ không phải là việc bị khởi tố và cầm tù, sống lưu vong hay tới các quốc gia xa lạ. Thay vì thế, anh sợ thông tin của mình "sẽ chẳng thay đổi được điều gì" và có vẻ như nỗi lo ngại này đang dần thành hiện thực.

“Dư luận sẽ thấy tất cả các thông tin mật bị phanh phui trên báo chí... và thấy chính quyền đang nỗ lực tăng sự kiểm soát lên xã hội Mỹ và xã hội toàn cầu" - Edward Snowden nói với tờ Guardian của Anh vào tháng trước, khi thừa nhận mình là người tiết lộ tin mật - "Nhưng họ sẽ không sẵn sàng đón nhận rủi ro cần phải có, để đứng lên chống lại những điều đó, buộc những người đại diện phải đứng dậy bảo vệ lợi ích của họ".

Không có sự thay đổi lớn

Một tháng sau khi Guardian đăng tải câu chuyện đầu tiên của Snowden, tiết lộ về việc Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài đã cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thu thập thông tin về các cuộc gọi điện thoại của người Mỹ và theo dõi việc liên lạc qua Internet, đã không có một phong trào vận động nào xuất hiện trong Mỹ nhằm buộc tòa án trên phải làm điều ngược lại.

Quốc hội Mỹ cũng không tiến hành thông qua đạo luật nào để cải cách hoạt động tình báo, thay đổi chương trình Prism. Hoàn toàn không có một Thượng nghị sĩ  Frank Church thời hiện đại, người đã khiến cộng đồng tình báo phải liên tục tiến hành điều trần trong những năm 1970 và sau đó thay đổi toàn diện hoạt động của giới tình báo. Về cơ bản Quốc hội không làm gì với các chương trình bí mật mà Snowden đã phanh phui.

Snowden hiện đang mắc kẹt ở Nga, trong khi các tin tức của anh không gây được tác động thay đổi lớn ở quê nhà

Thậm chí các nghị sĩ Mỹ còn lên tiếng bảo vệ chương trình của NSA. Từ phe Cộng hòa, dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers, tới phe Dân chủ, gồm Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein, đều ủng hộ NSA. "Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm làm mọi thứ có thể để giữ cho đất nước được an toàn" - bà Feinstein tuyên bố với tờ New York Times. Nói một cách khác, hoạt động của NSA và các đơn vị tình báo khác vẫn diễn ra bình thường như trước khi xảy ra vụ rò rỉ thông tin.

"Đây là vấn đề rất đáng quan ngại" - Jack Lerner, một giáo sư luật tại Đại học Nam California, chuyên về sự riêng tư cá nhân và an ninh quốc gia nói - "Tôi đã xem kết quả các cuộc thăm dò và có thấy một chút sự thay đổi thái độ trong công chúng Mỹ. Nhưng tôi cũng thấy một cuộc thăm dò gần đây do Pew tổ chức, nói rằng rất đông người Mỹ vẫn đồng tình cho phép NSA tiến hành việc giám sát".

Cá nhân Lerner hoàn toàn không đồng tình với cách NSA giám sát Internet và điện thoại. "Không có gì đảm bảo tình báo không nghe lén các cuộc điện thoại về sex, về những người họ quen biết, các nhân vật nổi tiếng hoặc cánh phóng viên" - ông nói và chỉ ra rằng một cựu nhân viên NSA từng cáo buộc cơ quan này đã theo dõi hoạt động liên lạc của Tổng thống Barack Obama, thời điểm ông mới chỉ là TNS vào giai đoạn giữa những năm 2000.

Dư luận thờ ơ

Snowden đã trở thành người hùng ở một góc nào đó của thế giới và các thông tin do anh tiết lộ quả thực đã khiến Nhà Trắng đau đầu. Nó gây phương hại tới quan hệ với các đồng minh châu Âu, sứt mẻ các thành tựu mới đạt được với Trung Quốc.

Nhưng về cơ bản, Snowden chưa đạt được mục tiêu đã đặt ra là "triệu tập người Mỹ để chống lại mối nguy hiểm đang tăng lên của một chế độ độc tài" ở Mỹ, như cha Snowden viết trong một bức thư gần đây. Vậy vì sao Snowden không thể thay đổi được dư luận Mỹ. Politico có chỉ ra vài nguyên nhân.

Một cuộc biểu tình ủng hộ Snowden. Các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ có băn khoăn về việc tình báo giám sát hoạt động liên lạc cá nhân, nhưng họ không phẫn nộ


Trước tiên, các thành viên Quốc hội Mỹ không chỉ phớt lờ lời kêu gọi hành động của Snowden mà còn lên án anh do đã gây ảnh hưởng tới khả năng làm việc bình thường của họ. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry, Phó chủ tịch Ủy ban Quân dịch Hạ viện và là người ủng hộ việc cải cách an ninh mạng, thậm chí đã nói với trang tin Politico vào tuần trước rằng Snowden đã gây ảnh hưởng tới việc đạt được sự đồng thuận trong các đạo luật liên quan tới an ninh mạng và quốc phòng.

Thứ hai, dù khi tiết lộ tin mật, Snowden có khiến dân Mỹ phải bàn thảo về các chương trình do thám của NSA, rất nhiều người lại không hề phẫn nộ. Trong một cuộc thăm dò nhân tròn một tháng kể từ khi Guardian lần đầu đưa tin về Prism phần lớn những người trả lời nói rằng họ chấp nhận chương trình theo dõi điện thoại, dù việc giám sát Internet và thư điện tử không nhận được sự ủng hộ tương tự.

Cuộc thăm dò của CNN thấy rằng 56% những người được hỏi thấy việc theo dõi điện thoại là "chấp nhận được". Khoảng 58% những người tham gia cuộc thăm dò của Gallup nói rằng họ đồng tình cho chính quyền giám sát liên lạc nếu việc đó giúp ngăn chặn tấn công khủng bố.

Thứ ba, chính bản thân Snowden đã đánh lạc hướng sự quan tâm của dư luận. Câu chuyện anh chạy trốn cuộc truy đuổi của Mỹ, giống như một bộ phim điệp viên Hollywood, đã khiến người ta quan tâm tới số phận của anh nhiều hơn là hoạt động giám sát liên lạc của chính quyền. “Chuyện giống như một sự tính toán sai lầm của nhà ảo thuật vậy. Giờ thì mọi người đều quan tâm tới cuộc đuổi bắt Snowden" - Peter Earnest, giám đốc Bảo tàng Điệp viên Quốc tế nói.

Là một cựu binh đã làm việc cho Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong 36 năm, Earnest nói rằng ông đã rất ngạc nhiên trước sự quan tâm của lớn báo chí và dư luận dành cho số phận Snowden. Trong khi đó, họ lại quan tâm rất ít tới Prism và các chương trình do thám khác của tình báo Mỹ. "Dư luận đã thờ ơ với những gì anh ấy tiết lộ" - Earnest nói về Snowden - "Anh biết đấy, chuyện giống như anh kể cho ai đó nghe về một chuyện thật sốc và họ chỉ hỏi lại: "Vậy thì sao?"


Tường Linh (Theo Politico)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm