50 năm vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy: Tuyệt vọng chống thuyết âm mưu

22/11/2013 07:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thời điểm nước Mỹ kỷ niệm nửa thế kỷ diễn ra vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (22/11/1963), cũng là lúc hàng loạt giả thuyết mới về việc ai thực sự có đôi tay vấy máu nóng trở lại, bất chấp nhiều học giả, sử gia, nhà báo đã khẳng định thủ phạm duy nhất là tay súng Lee Harvey Oswald.

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, phần lớn người Mỹ vẫn tin rằng Lee Harvey Oswald không hành động đơn độc. “Người ta đơn giản không tin một kẻ tầm thường như Oswald lại có thể giết một người có tầm vóc lớn như Tổng thống Mỹ" - sử gia Robert Dallek, tác giả cuốn hồi ký An Unfinished Life viết về Kennedy nhận xét.

Thuyết âm mưu nhiều như ruồi nhặng

Thành thực mà nói, giả thuyết một tay súng ám sát Kennedy khá buồn tẻ và khó tin nếu so với các nhân vật có liên quan tới vụ ám sát và bối cảnh khi đó. Ta có Jack Ruby, chủ một hộp đêm thoát y ở Dallas đã bắn chết Oswald; Jackie Kennedy, đệ nhất phu nhân nổi tiếng và Lyndon B. Johnson, Phó Tổng thống, đồng thời là chính trị gia quyền lực nhất ở Texas. 


Hình ảnh Kennedy (trái) chỉ vài phút trước khi bị Oswald bắn chết

Bối cảnh của nước Mỹ khi đó là đang trong Chiến tranh lạnh với Liên Xô, nỗi sợ Cuba và "làn sóng đỏ" đã thấm đẫm văn hóa Mỹ trong những năm 1963. Cuộc xâm lược vịnh Con Lợn thất bại đã trở thành  thảm họa trong năm 1961. Những người chống Chủ tịch Fidel Castro ở Cuba đổ lỗi cho Kennedy vì sự thất bại. Rồi còn phải kể tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân hoặc nỗi sợ Liên Xô tấn công chiếm Dallas...

Hoàn cảnh như thế, kết hợp với chuyện đời của các nhân vật chính, đã tạo ra vô số giả thuyết về vụ ám sát, được mô tả trên nhiều tờ báo, tạp chí và sách. Vấn đề là khi các giả thuyết đi quá xa, người ta lại chẳng có chứng cứ gì để ủng hộ giả thuyết của mình. Câu hỏi "ai thực sự giết Kennedy", vì thế, đã tạo ra nhiều hướng đáp án, nhưng vô cùng hỗn loạn.

Lawrence Wright, một nhà văn đoạt giải Pulitzer nằm trong nhóm tin tưởng Oswald là kẻ thủ ác duy nhất nhận xét: "Những thuyết âm mưu cũng giống như ruồi nhặng vậy, luôn bu quanh những thứ to lớn đã chết. Lee Harvey Oswald hành động một mình. Thật kỳ cục khi nghĩ rằng có sự giải thích nào khác".

Ví dụ điển hình

Lấy ví dụ như trường hợp của cựu Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson, người đã chết vào năm 1973 và không còn có thể tự vệ được nữa. Thập kỷ vừa qua, hàng loạt cuốn sách đã xuất hiện, cáo buộc ông nhúng tay điều khiển vụ ám sát Kennedy, hoặc ít nhất là có biết "gì đó".

Các giả thuyết tập trung theo hướng sau: "Johnson và em Tổng thống là Robert F. Kennedy ghét nhau. Robert và anh đã có kế hoạch rò rỉ thông tin lên báo chí nhằm đẩy Johnson vào bê bối chính trị. Sau đó họ dùng kết quả bê bối để khiến ông không thể đại diện Đảng Dân chủ tranh cử trong năm 1964. Về phần mình, Johnson biết về các âm mưu này và sẽ được lợi nhất khi Kennedy bị giết".

“Giả thuyết đó thật vô cùng trẻ con" - Vincent Bugliosi, tác giả cuốn Reclaiming History viết về vụ ám sát được đánh giá cao, nhận xét - "Trong đời thực, động cơ chỉ là điểm khởi đầu. Những kẻ theo thuyết âm mưu đã viết hàng trăm trang giấy để xác lập động cơ. Rồi sau đó họ nói rằng đã tìm thấy kẻ giết người thực. Nhưng anh chỉ có thể nói thế qua chứng cứ thật".

Bugliosi, người dành nhiều năm để biên soạn cuốn sách dày 1.632 trang của mình, đã bác bỏ rất mạnh giả thuyết về việc có sát thủ khác ngoài Oswald. Sách của ông là cơ sở vững chắc nhất chống lại các giả thuyết như thế. Nó giống một văn bản luật hơn là một cuốn sách dành cho đại chúng, trong chỉ ra 53 điểm cho thấy Oswald là sát thủ duy nhất.

Các điểm đáng chú ý gồm: Oswald là người mua và sở hữu khẩu súng trường dùng để sát hại Kennedy. Người ta đã không thể tìm thấy vũ khí nào khác liên quan tới vụ ám sát. Nhà chức trách cũng không thu hồi được viên đạn nào khác ngoài đạn bắn đi từ súng của Oswald. Ủy ban Warren thành lập năm 1964 và Ủy ban các vấn đề ám sát Hạ viện Mỹ thành lập trong những năm 1970 đã dành số thời gian tổng cộng tới 4 năm để điều tra vụ sát hại Kennedy và chưa từng tìm thấy chứng cứ liên quan tới mafia, lực lượng chống Cuba, Cục Tình báo trung ương Mỹ hay các nhóm bị nghi ngờ khác.

“Bất kỳ ai khi đối diện với những sự thật như thế đều sẽ gói ghém đồ đạc và về nhà" - Bugliosi nói - "Nhưng những kẻ đó vẫn tiếp tục tung ra những giả thuyết điên rồ, những lời dối trá và cố tình bẻ cong thông tin đã được ghi lại".

Khó chống lại thuyết âm mưu

Như để minh họa cho lời của Bugliosi, dịp kỷ niệm 50 năm vụ ám sát Kennedy đã chứng kiến sự xuất hiện mới hoặc trở lại thị trường của hàng loạt sách và tài liệu liên quan, hiển nhiên là đầy ắp các giả thuyết về hoạt động ám sát. Một trong những giả thuyết kỳ cục nhất và giờ đang được "hâm nóng" lại đã xuất hiện lần đầu trong cuốn Mortal Error: The Shot That Killed JFK ra mắt năm 1992.

Cuốn sách do phóng viên Bonar Menninger của tờ Kansas City viết, dựa trên các phân tích đạn đạo của chuyên gia vũ khí Howard Donahue. Sách nói rằng trong cảnh hỗn loạn của vụ ám sát, nhân viên mật vụ Mỹ George Hickey, người đi trên một chiếc xe không mui ngay sau xe Kennedy, đã vô tình bắn trúng đầu ông bằng một khẩu súng trường AR-15. Hickey hiển nhiên đã bác bỏ thông tin này. Menninger phản pháo bằng tuyên bố mật vụ Mỹ đã cố tình che đạy vụ việc để bảo vệ danh tiếng.

Bugliosi và những nhà phê bình khác gọi sách của Menninger là một thuyết âm mưu cổ điển. Sách chẳng có một chứng cứ nào để ủng hộ nó, nhưng việc này diễn ra là bởi chứng cứ đã bị các thế lực ngầm mạnh mẽ che giấu đi?!

Trước khi qua đời vào năm 2011, Hickey đã khởi kiện St. Martin’s Press, nhà xuất bản sách của Menninger, vì tội bôi nhọ. Các bên đã đạt được thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa sau đó. Nhưng nay khi Hickey không còn, chẳng ai đứng ra bảo vệ danh tiếng ông và đó là cơ sở để một đài truyền hình phát phim tài liệu JFK: The Smoking Gun, nhắc lại giả thuyết mật vụ sát hại Tổng thống.

Thực tế theo nhiều chuyên gia, Oswald rất giống các tay súng đơn độc thời hiện đại, đã tổ chức các vụ xả súng ở Aurora, Colorado hay tại  Newtown, Connecticut. Nhưng vì sao người ta vẫn hứng thú với các tin đôn và phỏng đoán thay vì chấp nhận sự thật rằng Oswald ra tay một mình?

“Điều gây kích thích luôn nằm ở việc tìm kiếm bằng chứng về sự dính líu của bàn tay vô hình" - Victoria Pagan, giáo sư văn học kinh điển tại Đại học Florida, đã có 15 năm nghiên cứu về thuyết âm mưu, nhận xét. Bà cho rằng đã tới lúc để người ta ngưng việc tạo ra các câu chuyện không có thực, từ một bi kịch thực tế, chính là cái chết của Kennedy: "Chúng ta cần phải chấp nhận sự thực như một phần lịch sử của mình. Cãi vã quanh chuyện này giờ chẳng có ích gì. Tiếp tục cãi vã trong năm 2013 là hành động vô cùng trống rỗng".

5 thuyết âm mưu nổi tiếng nhất quanh vụ ám sát Kennedy

1. Giả thuyết mafia: Công tố viên trưởng Robert F. Kennedy, em trai Tổng thống, đang tiến hành một loạt các hoạt động trấn áp mạnh tay, trong đó các thành viên mafia sẽ bị khởi tố và trục xuất. Giết hại anh trai của ông có thể là đòn cảnh cáo hiệu quả.

2. Giả thuyết Johnson: Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson được lợi nhiều nhất từ cái chết của Kennedy. Ông và Robert Kennedy không ưa nhau. Ông sợ anh em Kennedy sẽ ra tay loại mình nên hành động trước.

3. Giả thuyết lực lượng chống Cuba: Nhiều kẻ chống chính quyền Cuba đã chết trong vụ vịnh Con Lợn 1961. Những người Cuba sống lưu vong ở Mỹ vì thế không bao giờ tha thứ cho Kennedy và đã lên kế hoạch giết ông.

4. Giả thuyết CIA: Kennedy và Cục Tình báo trung ương có quá nhiều khác biệt trong thời gian ông cầm quyền. Giới lãnh đạo CIA sợ Tổng thống có thể giải tán cơ quan này, nhất là sau vụ vịnh Con Lợn do CIA hỗ trợ. Vì thế họ ám sát ông.

5. Giả thuyết Israel: Kennedy không đồng tình với việc để Israel chế tạo vũ khí hạt nhân. Người Israel biết cha của Kennedy là người bài Do Thái và có gây ảnh hưởng tới con trai. Việc Johnson đảo ngược thái độ của Mỹ với Israel về vũ khí hạt nhân sau khi lên cầm quyền đã củng cố thêm hướng giả thuyết này.


Tường Linh (theo Dallas Morning News)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm