TTVH Online

NSƯT Lê Trung Thảo: 9 lần quyết 'vượt vũ môn' cải lương

26/07/2022 19:00 GMT+7

Tại cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương sân khấu Trần Hữu Trang 2022” sắp diễn ra, nhiều người nhắc tới một thí sinh đặc biệt là NSƯT Lê Trung Thảo.

Tại cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương sân khấu Trần Hữu Trang 2022” sắp diễn ra, nhiều người nhắc tới một thí sinh đặc biệt là NSƯT Lê Trung Thảo. Nói đặc biệt, vì anh đã thi “giải cải lương Trần Hữu Trang” 9 lần, năm 2020 tiếp tục dự thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” nhưng vẫn chưa đoạt Huy chương Vàng.

Cuộc thi Tài năng cải lương Trần Hữu Trang 2022: Còn đó, mối bận tâm 'tuồng cũ'

Cuộc thi Tài năng cải lương Trần Hữu Trang 2022: Còn đó, mối bận tâm 'tuồng cũ'

Nghệ sĩ cải lương, trong tình hình hiện tại, không có nhiều dịp thí thố. Cho nên, khi Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022 vừa chuẩn bị khởi động, đã có gần 40 nghệ sĩ đăng ký tham gia, dù đến trung tuần tháng 9 mới bắt đầu diễn ra.

Và năm nay, Thảo quyết chinh phục cho được mục tiêu vàng của mình. Hầu như suốt các kỳ dự thi, Thảo tự viết và tự dựng cho tiết mục của mình và đặc biệt hơn, anh tập trung khai thác cải lương sử Việt. Trong thời gian trên sàn tập, Thảo đã có cuộc trao đổi với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Chú thích ảnh
Lê Trung Thảo trong một vai diễn cải lương

* Anh hiện giờ là một giảng viên bộ môn cải lương, đã dựng và diễn nhiều tác phẩm lớn, đã được phong danh hiệu NSƯT. Vậy, anh có cảm thấy rằng việc dự thi chung với các học trò là điều gì đó có thể khiến vị thế của mình bị ảnh hưởng không?

- Tôi rất mê cải lương nhưng ngày nhỏ vì gia cảnh khó khăn nên tôi phải làm trang trí món ăn cho một nhà hàng. Tại đây, tôi được một người giới thiệu tôi đến học cải lương tại nhà cô Ngọc Thanh, vợ của danh cầm Văn Vĩ. Thấy tôi có năng khiếu, cô khuyến khích tôi học chính quy tại trường sân khấu. Tôi không đủ tiêu chuẩn chiều cao, nhưng thầy cô vẫn cho qua vòng tuyển ngoại hình, và tôi đã có cơ hội được học. Ngay lúc đó, tôi tâm niệm rằng một khi đã bước chân vào nghiệp tổ, phải sống và tận hiến.

Chú thích ảnh

3 năm trung cấp diễn viên đã cho tôi một số kỹ năng ca diễn nhất định. 2 năm cao đẳng diễn viên cho tôi một hướng đi. Lúc này, tôi đã có cơ hội làm nghề và luôn nhìn về giải Trần Hữu Trang như là một mục tiêu cao quý của nghệ thuật cải lương. Tôi xin đăng ký thi, thầy cô cản vì thấy tôi còn non. Tôi vẫn quyết thi. Trong 4 lần đầu, tôi đều không đoạt Huy chương Vàng. Sau đó, tôi học tiếp 3 năm đạo diễn sân khấu và đã bắt đầu có chỗ đứng trong giới cải lương. Tôi vẫn kiên trì thi tiếp.

Trong giai đoạn này, tôi vừa thi vừa dựng cho học trò và có người đã chiến thắng ở giải Trần Hữu Trang, ví dụ như Hoàng Oanh của đoàn cải lương Long An. Còn tôi vẫn trắng tay. Có người bảo tôi đừng thi nữa, vì không đoạt giải sẽ mất mặt với học trò và mất show. Còn tôi không cảm thấy thế. Tôi luôn cho rằng ở mỗi kỳ tham dự, tôi đều thể hiện sự mới mẻ trong kịch bản và trong diễn xuất. Tôi xem đó là cơ hội để thể nghiệm, và chỉ khi nào tôi đoạt Huy chương Vàng mới dừng thi.

Năm 2020, tôi đoạt Huy chương Bạc, vì vậy năm nay tôi vẫn còn tiếp tục. Hơn nữa, khi cuộc thi đã đổi tên sang “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang”, nhiều nghệ sĩ tiền bối, và cả những người đoạt Huy chương Vàng thời kỳ còn mang tên “giải cải lương Trần Hữu Trang” được khuyến khích tham dự. Xem ra, tôi đang thi tài với những tài năng gạo cội chứ không chỉ học trò và đàn em nên càng thấy hứng thú.

Chú thích ảnh

* Vậy năm nay anh sẽ tiếp tục mang đến cuộc thi một tiểu phẩm về sử Việt hay sẽ thay đổi phong cách?

- Trong giới cải lương, dù không nói ra, nhưng mọi người hiểu rằng cải lương thuần Việt có điểm khác với cải lương Hồ Quảng. Cải lương Hồ Quảng chịu ảnh hưởng của kinh kịch Trung Quốc qua cách ca, điệu bộ, trang phục và tuồng tích. Còn cải lương thuần Việt tập trung khai thác nội dung câu chuyện thuần Việt, trang phục thuần Việt và cách hát thuần Việt. Tôi đi theo phong cách thuần Việt, và rất đam mê tuồng sử Việt, bởi tôi muốn khán giả yêu mến văn hóa Việt.

Chú thích ảnh

Tại cuộc thi năm nay, tôi tự viết kịch bản, tự dựng và diễn trích đoạn Lưu vong về nhân vật lịch sử Lê Quýnh, người phò vua Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc với giấc mơ khôi phục nhà Lê. Đến khi Lê Chiêu Thống mất, ông mới được về quê, và ít lâu sau qua đời. Tiểu phẩm này có thời gian 25 phút, tôi đóng vai Lê Quýnh, cùng với 10 bạn diễn khác. Bối cảnh diễn ra trong khoảnh khắc Tổng đốc Phúc Khang An cùng các tùy tùng nhà Lê thuyết phục Lê Quýnh chối bỏ nguồn gốc Việt, và ông đã hiên ngang phản đối.

* Đề tài lịch sử luôn được xem là hóc búavì đòi hỏi tính chính xác. Anh đã chuẩn bị tài liệu tham khảo như thế nào?

-Tôi dành nhiều tháng để nghiền ngẫm Bắc hành lược ký của Lê Quýnh, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Bánh xe khứ quốc của Phan Trần Chúc. Khi tiểu phẩm hoàn thành phần dựng trên sân khấu, tôi sẽ mời giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần góp ý, chỉnh sửa các dữ kiện lịch sử.

Nhìn chung, tôi muốn làm hết sức mình, nếu lần này không chinh phục được mục tiêu vàng, tôi sẽ sẵn sàng tham dự kỳ thi tới vào năm 2024.

* Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công trong kỳ thi sắp tới!

Thí sinh “đa năng” trong nghệ thuật

Ngoài vai trò là diễn viên, đạo diễn cải lương, Lê Trung Thảo cũnglà biên đạo múa chuyên nghiệp với 4 năm đại học. Anh từng là giảng viên bộ môn kịch hát dân tộc tại ĐH Sân khấu, Điện ảnh TP.HCM trước khi chuyển về Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang năm 2011. Thảo từng dựng nhiều vở cho đoàn Thắp sáng niềm tin như Máu nhuộm sân chùa, Mùa Thu trên Bạch Mã Sơn, Đứa con họ Triệu, Hoa vương tình mộng, Thanh xà bạch xà….và tham gia diễn cho các đoàn cải lương tư nhân ở các vở Trung thần, Nàng Xê Đa, Nhật thực…

Nguyễn Huy (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN