TTVH Online

Isabelle MÜller: Chữa lành những nỗi buồn của trẻ nhỏ

23/06/2022 08:12 GMT+7

Isabelle MÜller viết sách và dành toàn bộ tiền nhuận bút cho Quỹ LOAN. Đồng thời, chị tìm nhiều cách để gây quỹ, hỗ trợ trẻ em nghèo tại Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Isabelle MÜller viết sách và dành toàn bộ tiền nhuận bút cho Quỹ LOAN. Đồng thời, chị tìm nhiều cách để gây quỹ, hỗ trợ trẻ em nghèo tại Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn.

65 truyện ngắn và 65 bài thơ hay cho thiếu nhi chính thức ra mắt

65 truyện ngắn và 65 bài thơ hay cho thiếu nhi chính thức ra mắt

Ngày 3/6 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi nhân dịp ra mắt hai tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi và 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi.

Sinh năm 1964 tại Tours (Pháp), Isabelle Müller (nhũ danh Isabelle Gaucher) là con út trong một gia đình có năm người con. Mẹ chị là người Việt - bà Đậu Thị Cúc, nhân vật trong tác phẩm Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng (NXB Trẻ, 2018). Từ năm 1985, Isabelle Müller chuyển đến Đức làm công việc biên phiên dịch. Hiện tại, chị đang sinh sống cùng chồng và hai cô con gái.

Chị trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nhân dịp tới Việt Nam ra mắt cuốn sách mới dành cho thiếu nhi là Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby, đồng thời tiếp tục thực hiện các dự án
thiện nguyện.

“Viết là điều tôi thích nhất”

* Sau “Con gái của chim Phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi” và “Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng”, cuốn sách thiếu nhi vừa ra mắt của chị có nội dung gì?

- Trong cuốn sách Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby (NXB Tổng hợp TP.HCM), tôi đã viết câu chuyện cách đây 20 năm cho một em bé trong làng của tôi. Cô bé đã rất đau buồn khi chú chó yêu quý của mình đột nhiên qua đời. Tôi muốn mua tặng cho em một cuốn sách để an ủi, làm vơi đi nỗi đau nhưng khi đó không có cuốn sách nào như vậy.

Tôi hứa sẽ viết cuốn sách cho em bởi tôi nghĩ rằng, trẻ em cần hiểu cái chết cũng là một phần của cuộc sống và cái chết không quá đáng sợ. Phía nhà xuất bản cũng nói tới tôi, tác phẩm có ý nghĩa xoa dịu, chữa lành cho những nỗi buồn của trẻ nhỏ - nhất là trong bối cảnh có nhiều trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua.

Chú thích ảnh
Nhà văn Isabelle Müller. Ảnh: Huy Minh

* Chị kỳ vọng hay gửi gắm điều gì thông qua “Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby”?

- Hy vọng, câu chuyện này sẽ an ủi trẻ nhỏ sau khi mất đi những người thân yêu bởi đại dịch Covid-19. Hoặc, sách giúp các em nhỏ đối phó tốt hơn với những đau buồn, sẵn sàng chấp nhận cả những điều không vui trong cuộc sống.

Toàn bộ số tiền bản quyền cuốn sách thu được sẽ được chuyển vào Quỹ LOAN (LOAN Stiftung) để giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam. Khi cuốn sách được xuất bản, cá nhân tôi sẽ mua 3.000 cuốn sách dành tặng các em nghèo ở TP.HCM, ở ngoài đảo, hoặc những nơi còn khó khăn...

* Trở thành nhà văn có phải là ước mơ từ nhỏ của chị hay không? Và chị muốn viết về đề tài gì ở những cuốn sách kế tiếp?

- Cuốn sách đầu tiên tôi viết bởi lời hứa với mẹ từ khi tôi 6 tuổi. Tôi muốn chia sẻ chuyện của mẹ với thế giới vì mong muốn có thể mang lại điều gì đó có ích cho người khác. Cuốn sách thứ hai do NXB thúc giục tôi viết về cuộc đời mình.

Đúng là tôi ước mơ trở thành nhà văn, viết là điều tôi thích nhất. Thời gian tự cách ly vào năm ngoái, tôi đã viết tiểu thuyết đầu tay. Đó là một câu chuyện tình đương đại mang nội dung tâm linh dày 350 trang với những câu hỏi lớn như số phận là gì, chúng ta có thể thay đổi số
phận không?

Tôi muốn chứng tỏ rằng, tôi có thể viết được nhiều chủ đề khác nhau. Tôi tự tin mình có những kỹ năng và điều kiện đủ để có thể mường tượng, suy nghĩ và viết về các chủ đề khác.

Chú thích ảnh
Toàn bộ số tiền thu được từ bản quyền cuốn sách thiếu nhi của Isabelle Müller sẽ dành tặng Quỹ LOAN để giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam. Ảnh: Bảo Minh

Thấy cuộc sống ý nghĩa khi làm thiện nguyện

* Việc gây quỹ và điều hành Quỹ từ thiện LOAN Stiftungcó khó khăn gì, thưa chị?

- Người Đức có câu: Những con vật nhỏ cũng có thể có những đóng góp lớn cho thiên nhiên. Tôi có những chiến lược khác nhau để gây quỹ, từ việc tìm những nhà tài trợ nhỏ, rồi đến lớn. Tôi quyên góp trên Facebook được 30.000 Euro trong 6 năm qua - không nhiều nhưng tôi luôn ghi nhận và coi đó là những đóng góp quan trọng cho quỹ Loan.

Tôi dành toàn bộ tiền nhuận bút 3 cuốn sách cho công việc từ thiện. Cùng với đó, tôi dùng thanh danh của mình - một nhà văn - để mỗi khi xuất hiện trên báo chí, truyền hình, tôi sẽ nhắc tới quỹ LOAN để nhiều người biết tới. Tôi cũng suy nghĩ các ý tưởng mới như giúp các nghệ sĩ tổ chức triển lãm tranh. Đến sự kiện thường là những người có tiền, yêu thích nghệ thuật, tôi muốn giới thiệu và thuyết phục họ giúp tôi phần nào đó để có một phần tiền cho quỹ.

Chồng tôi có một công ty về phần mềm máy tính và thông qua đó, tôi gặp gỡ các chủ công ty khác để có được mạng lưới những nhà tài trợ, thuyết phục họ tài trợ một phần hoặc toàn bộ dự án... Nếu tôi vẫn chưa có đủ tiền cho dự án thì chồng tôi sẵn sàng đáp ứng những điều kiện về tiền để dự án của tôi thành công. Tuy nhiên, tôi là người độc lập, không muốn anh giúp mà luôn cố gắng tự mình giải quyết mọi việc.

Chú thích ảnh

* Làm thiện nguyện chưa bao giờ là dễ dàng. Điều gì khiến chị duy trì hành trình thiện nguyện của mình nhiều năm, chứ không chỉ dừng lại ở 1-2 dự án?

- Điều quan trọng nhất là kết quả. Không đơn giản là những ngôi trường chúng tôi xây, ý nghĩa cao hơn ở đó là việc thầy cô và các em nhỏ sẵn sàng giữ ngôi trường đó sạch đẹp. Tôi nhớ có lần trở về thăm một ngôi trường ở bản nghèo Minh Sơn mà không báo trước. Chúng tôi rất vui khi trường vẫn được giữ sạch và có đầy đủ giỏ đựng rác, xà phòng rửa tay...

Khi hoàn thành dự án, tôi luôn hạnh phúc. Ánh mắt, nụ cười của trẻ em, giáo viên, phụ huynh học sinh khiến tôi cảm nhận cuộc sống ý nghĩa hơn.

* Chắc hẳn chị có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình thiện nguyện ở Việt Nam?

- Bên cạnh những dự án xây dựng trường học, thư viện, ký túc xá, nhà vệ sinh..., chúng tôi còn có dự án Học bổng giáo dục LOAN Stiftung, cấp học bổng cho trẻ em mồ côi, khó khăn mà
ham học.

Tôi từng biết một nữ sinh rất thông minh ở Hà Giang. Học xong cấp 3 em được tuyển vào học đại học ở Hà Nội nhưng gia đình muốn em ở quê làm việc vì nghèo. Em đã bắt xe về Hà Nội, tới gặp thầy giáo và nói rằng mình không có tiền đi học. Thầy giáo gọi về Hà Giang rồi Sở ngoại vụ Hà Giang gọi hỏi tôi có thể giúp không. Tôi đồng ý và quỹ Loan cấp học bổng cho em. Sau 1 năm, em cũng thuyết phục gia đình đồng ý cho em
học tiếp.

Hay một em nữ học sinh khác mồ côi, tưởng không thể tiếp tục học hết cấp 3 cũng được chúng tôi cấp học bổng. Em tâm sự, học xong sẽ trở về đóng góp sức mình cho quê hương.

Đó là những kỷ niệm đáng nhớ với tôi, là tấm gương về ý chí học tập và cũng là những kết quả quan trọng, có ý nghĩa lớn của những dự án chúng tôi
thực hiện.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Vài nét về Quỹ LOAN

Được người mẹ truyền dạy cách sống “cho đi và làm người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc”, Isabelle sáng lập Quỹ thiện nguyện phi lợi nhuận LOAN (LOAN Sitftung) từ năm 2016 để hỗ trợ thanh thiếu niên Việt Nam vì một tương lai tươi sáng hơn, hoàn thành tâm nguyện tri ân quê hương của mẹ.

Tiểu Phong (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN