TTVH Online

Hội nghị tuyển sinh Đại học 2022: Cần khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác xét tuyển

16/03/2022 21:08 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Đổi mới công tác tuyển sinh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

(Thethaovanhoa.vn) - Tại hội nghị tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 16/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Đổi mới công tác tuyển sinh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mỗi năm đều có cải tiến nhằm khắc phục những bất cập trong năm trước và phát huy những ưu điểm trong công tác tuyển sinh.

Tuyển sinh Đại học 2022: Dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT

Tuyển sinh Đại học 2022: Dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT

Kế hoạch tuyển sinh Đại học năm 2022 sẽ phụ thuộc vào thời điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Kết quả tuyển sinh năm 2021 đã thể hiện những mặt tích cực, tạo thuận lợi cho thí sinh, nhất là trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Các trường đại học đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký nhập học. Năm 2021 đã có 47% thí sinh đăng kí xét tuyển trực tuyến. Kết quả tuyển sinh chính quy trong toàn hệ thống đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 530.000 thí sinh, đạt 92,65%; năm 2020 đạt 83,86%.

Kết quả tuyển sinh sư phạm tiệm cận được chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao với trên 49.600 thí sinh, đạt 95,81% so với tổng chỉ tiêu sư phạm; năm 2020 là gần 36.000 thí sinh đạt 61,58%. Số cơ sở đào tạo tuyển sinh đủ chỉ tiêu đã tăng từ 33,95% năm 2020 lên 41,82% năm 2022.

Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển tăng; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khỏe đồng đều hơn so với các năm trước. Phần mềm tuyển sinh và hỗ trợ tuyển sinh đáp ứng yêu cầu của quy chế, hệ thống ổn định.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Đề cập một số khó khăn trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội (ví dụ: điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm cũng không đỗ vào ngành học đã lựa chọn…).

Các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất.

Việc khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống (Báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Đề án tuyển sinh và Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh). Các cơ sở đào tạo chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ, hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu; xây dựng, công khai đề án tuyển sinh; xét tuyển, lọc ảo và báo cáo kết quả tuyển sinh. Bên cạnh đó, chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý vấn đề sau khi thí sinh tiến hành nhập học.

Một số cơ sở đại học nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố… Một số trường không dự báo được thí sinh trúng tuyển nhập học, đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu; chưa có dự báo và giải pháp để xử lý tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng vẫn không trúng tuyển.

Một số địa phương đã đăng ký nhu cầu để Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ tiêu nhưng đã không triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ trong việc đào tạo sư phạm… do phải cân đối, đồng bộ giữa nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên và tuyển dụng tại địa phương (biên chế); một số địa phương gặp khó khăn trong kinh phí để đặt hàng đào tạo giáo viên.

Trao đổi, thảo luận về công tác tuyển sinh đại học năm 2022, đại diện các cơ sở giáo dục đại học về cơ bản nhất trí với những nội dung dự kiến điều chỉnh để tạo thuận lợi cho thí sinh. Đồng thời, các trường cũng đề xuất một số vấn đề cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Việc giữ ổn định công tác tuyển sinh như năm 2021 là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sớm ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2022, bởi chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật (nếu có) cũng tác động lớn đến các thí sinh.

Liên quan đến phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng sẽ khó khăn và áp lực cho chính các trường và thí sinh.

Vì vậy, tỷ lệ các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vẫn khá lớn. Do đó, trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ra đề thi theo hướng tăng tính phân hóa để các trường có đầu vào cao như khối ngành y, dược, vẫn có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: Đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2017, 2018 có mức độ phân hóa tương đối tốt, các trường có thể yên tâm dựa vào kết quả này để xét tuyển. Tuy nhiên, từ năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch, tính phân hóa giảm. Hy vọng năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Việt Hà/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN