TTVH Online

Quang Hải khó ra đi thoải mái vì chuyển nhượng ‘kiểu V League’

14/03/2022 05:25 GMT+7

Vụ chuyển nhượng của tiền đạo Nguyễn Quang Hải là tiêu biểu cho hệ thống chuyển nhượng “kiểu V-League”, vì chưa chắc tiền vệ này sẽ có một lựa chọn hoàn toàn như ý nguyện.

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ chuyển nhượng của tiền đạo Nguyễn Quang Hải là tiêu biểu cho hệ thống chuyển nhượng “kiểu V-League”, vì chưa chắc tiền vệ này sẽ có một lựa chọn hoàn toàn như ý nguyện.

‘Chê’ lương tháng 200 triệu, Quang Hải muốn rời CLB Hà Nội để xuất ngoại

‘Chê’ lương tháng 200 triệu, Quang Hải muốn rời CLB Hà Nội để xuất ngoại

Nếu tiến trình gia hạn hợp đồng tiếp tục không cho thấy sự khả quan, Quang Hải sẽ chỉ chơi 2 trận đấu trước khi rời CLB Hà Nội.

Bóng đá Việt Nam có thị trường chuyển nhượng không? Câu trả lời là có.

Tuy nhiên, các bản hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ đa phần đều dưới hình thức ra đi, cập bến theo dạng tự do, tức là cầu thủ nhận lót tay và lương ở đội bóng mới sau khi hết hợp đồng với đội bóng cũ, hoặc chính là CLB đã đào tạo ra họ.

Điều này khác biệt hoàn toàn so với những gì chúng ta biết về thị trường chuyển nhượng ở châu Âu hay ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tại đây, các cầu thủ còn hợp đồng với đội bóng cũ được định giá bởi đội bóng muốn mua. Thậm chí, một CLB sẵn sàng phá vỡ hợp đồng bằng số tiền bồi thường ghi trong hợp đồng của cầu thủ đó.

Nhưng ở Việt Nam thì không, những con số không tưởng kiểu “điều khoản phá vỡ hợp đồng của Messi” được ghi trong điều khoản phá vỡ.

Vì vậy, rất ít vị lãnh đạo “dám” và muốn đưa một cầu thủ còn hợp đồng về đội bóng của mình. Cuối cùng, cả cầu thủ và đội bóng muốn có họ đành chờ tới khi được chuyển nhượng tự do để “về với vòng tay nhau”.

Chú thích ảnh
Quang Hải chưa rõ sẽ tiếp tục thi đấu ở V-League hay xuất ngoại chơi bóng

Trở về với câu chuyện của Nguyễn Quang Hải, cầu thủ sinh năm 1997 được ký hợp đồng mới vào đúng ngày sinh nhật của mình.

“Niềm vui nhân đôi” ấy hoá ra lại trở thành “vật cản ngáng đường” chính anh, nếu Quang Hải muốn chuyển nhượng đến một đội bóng khác hay ra nước ngoài thi đấu.

Lý do là bởi thời điểm hết hạn hợp đồng với CLB Hà Nội của Quang Hải là ngày 12/4, là thời gian mà kỳ chuyển nhượng mùa đông ở châu Âu đã đóng, chuyển nhượng đầu mùa ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…) cũng hết hạn từ lâu.

Nếu muốn đi tới đội bóng mới, Quang Hải đành chấp nhận ký hợp đồng và tập chay tới khoảng tháng 6 để được đăng ký bổ sung hoặc đăng ký mới.

Tuy nhiên, rất ít đội bóng chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để “chờ” tới 2, 3 tháng cho một cầu thủ. “Đường đi” quả thực rất “khó” cho Quang Hải. Còn “đường về” cũng không hề kém cạnh.

Các CLB trong nước cũng đã chốt sổ danh sách đăng ký từ 25/2. Nếu chuyển đến đội bóng khác, chân sút 24 tuổi cũng phải “bật chế độ chờ”.

Đi cũng dở, mà ở cũng không xong khiến Quang Hải “mắc kẹt” trong vấn đề xác định tương lai. Nhưng nếu quyết tâm ra đi để tìm bến đỗ mới, cầu thủ người Đông Anh bắt buộc phải bỏ tiền ra để tự mua lại hợp đồng chỉ còn vài tháng của chính mình.

Vấn đề tưởng chừng rất dễ giải quyết nhưng khúc mắc lại nằm ở chỗ số tiền để “chuộc thân” này là không thể đo đếm.

Sở dĩ nói vậy bởi trong hợp đồng đã ký trước đây không hề có số tiền giải phóng giảm dần theo từng quãng thời gian còn hiệu lực của hợp đồng.

Vậy nên số tiền này sẽ phải được “thương lượng”, và lúc này Quang Hải hay bất kỳ cầu thủ nào vướng phải vấn đề đều ở phía yếu thế hơn.

Hoặc chí ít, chân sút người Đông Anh phải xoay sở theo đường “không chính ngạch” nếu muốn được “thanh lý nhanh”. Không ít cầu thủ ở bóng đá Việt Nam buộc phải sử dụng đến “phương án cuối cùng” này để được ra đi nhanh chóng tới đội bóng mới.

Chưa rõ tương lai của Nguyễn Quang Hải ra sao, nhưng ở thời điểm hiện tại, anh vẫn đang khá quyết tâm ra đi để tìm bến đỗ mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, đích đến mà Quang Hải nhắm đến là châu Âu. Đây cũng là điểm đến mơ ước của không ít thế hệ cầu thủ Việt Nam nhưng chưa ai thành công.

Thanh Nhã

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN