TTVH Online

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 21): Vụ án Thầy Thông Chánh và chiếc máy chém

10/01/2022 19:54 GMT+7

Những năm cuối của thế kỷ 19, khi thực dân Pháp đã biến nước ta thành thuộc địa, triều đình đã bó tay theo giặc, cuộc kháng chiến của dân ta đã tạm lắng.

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm cuối của thế kỷ 19, khi thực dân Pháp đã biến nước ta thành thuộc địa, triều đình đã bó tay theo giặc, cuộc kháng chiến của dân ta đã tạm lắng. Giữa lúc đó, nhờ đã có báo chí, dư luận sôi nổi về một vụ án xảy ra ở Trà Vinh mà dân gian quen gọi là “Vụ án Thầy Thông Chánh”.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 20): 'Kho vàng Sầm Sơn'

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 20): 'Kho vàng Sầm Sơn'

Là tên gọi một thiên tiểu thuyết của văn sĩ - thi sĩ Đái Đức Tuấn với biệt danh là TchyA, nhưng viết trên nền một sự kiện có thật. Cái địa danh “Sầm Sơn” là nơi có bãi biển đẹp, có 2 hòn Trống - Mái và câu chuyện diễm tình về Chàng Vọi dễ thu hút bạn đọc.

Sự thể là, Thầy Thông Chánh (tên thật Nguyễn Văn Chánh), sinh tại Trà Vinh, theo đạo Thiên chúa. Thầy được học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Latin từ nhỏ (lại có tài liệu cho rằng thầy đã từng qua học bên Pháp) nên khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, thầy được mời ra làm thông ngôn. Trong cuộc sống, thầy là một công chức mẫn cán. Vợ thầy lại rất đẹp khiến viên biện lý người Pháp là Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, ngày 14/5/1893, Thầy Thông Chánh đã dùng súng bắn chết viên biện lý Pháp nên bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án tử hình ngày 19/6/1893 và bị xử tử vào ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.

Chú thích ảnh
Thầy Thông Chánh bình thản ngồi trong phiên tòa ở Trà Vinh

Nhưng vụ án hình sự này trong tâm tưởng dân chúng không chỉ là một vụ án ghen tuông mà là một vụ "quốc sự" của một người bị đô hộ bắn chết quan Tây thống trị. Nội dung ấy được lưu truyền khắp dân gian qua truyện thơ khuyết danh Thơ Thầy Thông Chánh. Truyện có nhiều dị bản dài ngắn khác nhau, có bản dài tới 262 câu. Và để cho đượm màu "quốc sự", ngày xảy ra vụ được sửa từ tháng 5 qua tháng 7 để trùng với ngày lễ Chính Trung năm ấy (tức Quốc khánh của nước Pháp, 14/7/1893) và coi cái cớ ghen tuông chỉ là thứ yếu trong một cuộc tấn công vào ngày lễ trọng của quân chiếm đóng…

Điều đáng nói là lần này tòa án Pháp lấy đầu thầy bằng máy chém chứ không bằng súng hay gươm như trước. Tường thuật trên báo và trong dân chúng cho thấy Thầy Thông Chánh đón nhận cái chết rất bình thản, chia tay người thân, vỗ về vợ con, nhắn nhủ mẹ già rồi trước khi đưa đầu vào cỗ máy còn rất xa lạ ở xứ này, ông cười và nói lớn bằng tiếng mẹ đẻ: "Các đồng bào của tôi! Hãy ở lại và mạnh khỏe, tôi đi đây!" (sách báo Tây dịch: Mes compatriotes, restez et portez-vous bien! Mois je m'en vais!).

Chú thích ảnh
Máy chém đặt sẵn chờ Thầy Thông Chánh thọ hình

Báo chí tường thuật gọi đó là “một cuộc xử chém tối hiện đại” (une exécution plus moderne) lại thêm thắt chi tiết: Người điều hành máy chém là một cựu y sĩ Nhà thương Chợ Quán ở Sài Gòn rất say mê với công việc này đã bỏ nghề cứu người với mức lương 4.000F để làm nghề giết người (đao phủ) với mức lương chỉ 3.000F và chém mỗi cái đầu được thù lao thêm 30 đồng Đông Dương (piastre).

Câu chuyện "Thầy Thông Chánh" còn được nối dài với những tin đồn rằng con Thầy là Cô Ba Thiện giống mẹ, đẹp đến mức Tây phải làm tem, còn nghiệp chủ Trương Văn Bền phải lấy tên "Cô Ba" làm thương hiệu xà phòng của hãng (!?).

Tuy nhiên, Thầy Thông Chánh không phải là người đầu tiên được hưởng "ân huệ" chém bằng máy thay vì bằng tay. Máy chém do người Italy nghĩ ra và dùng đầu tiên. Nước Pháp, sau cuộc Cách mạng 1789, vì có quá nhiều án tử được tuyên, nên bác sĩ Joseph Guillotine đề nghị Quốc hội Pháp thông qua việc sử dụng công cụ này đề thi hành, giúp tử tù bớt đau đớn và đao phủ bớt ghê tay. Kể từ đó, chiếc máy chém được mang tên "guillotine" và án tử đầu tiên được thi hành bằng máy chém ở Pháp vào ngày 25/4/1792.

Chú thích ảnh
Nhiều người tin rằng con tem Đông Dương này in hình con gái Thầy Thông Chánh

Ngót 1 thế kỷ sau, nó được đưa tới nước ta, sau khi Thống đốc Nam Kỳ, ngày 29/10/1891 đã ký văn bản bãi bỏ việc xử án tử hình bằng chém tay và phải được thực hiện bằng máy như ở chính quốc, cũng để khẳng định Nam Kỳ nay là đất thuộc địa nên tử tù cũng được hưởng "ân huệ" như tử tù ở mẫu quốc(!). Ngày 17/5/1892, từ Sài Gòn, chiếc máy chém mới nhập được đưa về tỉnh Trà Vinh để thi hành án đối với một tử tù trẻ tuổi tên là “Nhac” (Nhạc?), 23 tuổi can án sát hại một bà giáo người Pháp để lấy một tài sản giá trị tương đương 180 dollars (không rõ tiền nước nào).

Báo chí mô tả: "Tử tù được 2 viên sen đầm dẫn tới một địa điểm công cộng, tại đó từ đêm hôm trước, cái khung bằng gỗ của cỗ máy chém đã được dựng đặt. Sau khi lắp lưỡi dao, người ta đã dùng 20 thân cây chuối để chém thử xem máy có bén không. Tử tù đã từ chối làm đơn kháng án và tuyên bố: “Tôi đã giết người thì tôi đáng chết!"… Tử tù tiến lại gần và ngước mắt nhìn lưỡi dao sắp định đoạt cuộc sống của mình.

Đám người bản xứ rất đông đã kéo đến từ đêm hôm trước để ngắm nghía cỗ máy lạ lẫm… Khi viên đao phủ tên là M.Saigon bấm cái nút… công lý đã được định đoạt, còn đám đông thốt lên một tiếng rất lớn khi chứng kiến một sáng chế được mang tới từ văn minh phương Tây…" (tường thuật của tờ L’Indépandance Tonkinoise, 17/5/1892).

Thời này, Tây chứng kiến nhiều vụ chém người Việt Nam đều chung nhận xét là dân xứ này rất "coi thường cái chết" .

Lại có tài liệu cho biết, cỗ máy chém này có một cái tên gây ấn tượng là “La Veuve” (Bà góa), không biết có liên quan gì đến bà vợ đẹp của Thầy Thông Chánh, cũng bị cỗ máy này cướp đi mạng sống của người chồng!?.

Ở những giai đoạn sau của lịch sử thuộc địa, khi các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam lên cao, chính quyền thuộc địa không rõ đã nhập về mấy chiếc "guillotine", nhưng hiện nay trong các bảo tàng còn giữ được vài chiếc để trưng bày như chứng tích của tội ác thực dân và của một thời đã qua…

Chú thích ảnh
Xà phòng nhãn Việt Nam của Trương Văn Bền in hình Cô Ba cũng được liên tưởng đến con gái Thầy Thông Chánh
Chú thích ảnh
Máy chém đặt trước Khám Lớn Sài Gòn trong một buổi hành hình
Chú thích ảnh
Một vụ hành hình bằng máy chém tại Hải Phòng
Chú thích ảnh
Thực dân dựng máy chém tại Quảng trường Négrier (Cửa Nam, Hàng Bông), máy chém đã sẵn sàng...
Chú thích ảnh
Tử tù đang bị đưa lên máy chém
Chú thích ảnh
Cảnh thực dân chém tù tại đầu phố Hàng Bông (Place Négrier). Chuẩn bị hạ lưỡi dao (Tư liệu XN)

(Còn tiếp)

QXN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN