TTVH Online

AFCON trở lại Cameroon sau 50 năm: Cúp châu Phi, trong nỗi lo về an ninh

10/01/2022 07:04 GMT+7

Bất chấp đại dịch Covid-19 và những lo ngại về an ninh, giải vô địch châu Phi (AFCON) vẫn được người hâm mộ và các đội tuyển chờ đón với sự phấn khích cao độ.

(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp đại dịch Covid-19 và những lo ngại về an ninh, giải vô địch châu Phi (AFCON) vẫn được người hâm mộ và các đội tuyển chờ đón với sự phấn khích cao độ.

Sao Ngoại hạng Anh dự CAN 2022: Salah, Mane, Bailly,... và những ai nữa?

Sao Ngoại hạng Anh dự CAN 2022: Salah, Mane, Bailly,... và những ai nữa?

Cúp quốc gia châu Phi (CAN hay AFCON) sẽ khởi tranh vào tháng 1 năm sau. Rất nhiều ngôi sao đang thi đấu tại Premier League sẽ tham dự giải đấu này, trong đó có Mohamed Salah và Sadio Mane của Liverpool.

Ndongo Minsoko mới 10 tuổi khi cậu nằm trong số 1.000 học sinh được chọn tham gia cùng hàng nghìn khán giả khác tham dự lễ khai mạc AFCON tại sân Ahmadou Ahidjo ở thủ đô Yaounde của Cameroon vào năm 1972.

Nửa thế kỷ sau, Minsoko cuối cùng cũng được chứng kiến đất nước của mình đăng cai giải đấu bóng đá hàng đầu châu Phi lần thứ hai. Và hôm qua, đội tuyển Cameroon - được biết đến với biệt danh “Những chú sư tử bất khuất” - đã thi đấu với Burkina Faso trong trận khai mạc của AFCON tại sân Olembe ở Yaounde.

Kế hoạch ban đầu là Cameroon sẽ tổ chức AFCON vào năm 2019, nhưng họ đã được Ai Cập thay thế do sự chậm trễ trong việc chuẩn bị và những lo ngại về an ninh. Sau đấy, họ được quyền đăng cai giải năm 2021, nhưng rồi bị lùi lại một năm do đại dịch Covid-19.

Thực tế thì chỉ vài tuần trước, những nghi ngờ vẫn tồn tại về việc liệu Cameroon có thể đăng cai giải đấu 24 đội hay không trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát Covid-19 và những vấn đề an ninh trong cuộc xung đột kéo dài nhiều năm ở các vùng nói tiếng Anh của đất nước. Sự không chắc chắn càng gia tăng do những rạn nứt giữa các thành viên của Ủy ban điều hành Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF), cũng như sự phản đối của các CLB tại châu Âu không muốn cầu thủ châu Phi của họ tham dự AFCON vì đại dịch.

Chú thích ảnh
Hai người lính đang đi tuần ở bên ngoài sân vận động Olembe ở thủ đô Yaounde, Cameroon, nơi khai mạc giải AFCON năm nay

Cũng có những lo ngại về sự sẵn sàng của Cameroon về mặt tổ chức và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, ngày 22/12/2021, sau cuộc họp giữa Chủ tịch CAF Patrice Motsepe và Chủ tịch Paul Biya của Cameroon, CAF cho biết giải đấu vẫn sẽ diễn ra và sẽ thành công.

Được biết, Cameroon đã xây dựng hoặc cải tạo hơn 30 sân và sân tập ở 5 trong số 10 khu vực trong quá trình chuẩn bị cho AFCON tại các thành phố Yaounde, Douala, Garoua, Bafoussam và Limbe. Những lo ngại về an ninh chủ yếu tập trung vào Limbe, một thị trấn ven biển nằm ở vùng nói tiếng Anh của Cameroon, nơi quân ly khai Anglophone đã xung đột với lực lượng chính phủ trong 5 năm qua. Chính phủ đã tăng cường an ninh bằng cách triển khai thêm các binh sĩ ở Limbe, một thị trấn nghỉ dưỡng tương đối yên tĩnh ở khu vực phía Tây Nam Cameroon.

Nên nói thêm là cách đây gần một tuần, CAF cho biết họ đã đồng ý với ban tổ chức địa phương rằng các trận đấu của Cameroon sẽ được diễn ra trước 80% sức chứa của sân do đại dịch, trong khi sức chứa ở các trận đấu khác sẽ được giới hạn ở mức 60%. Khán giả sẽ cần xuất trình giấy chứng nhận về việc tiêm chủng, cũng như kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Theo CAF, họ sẽ lập phòng thí nghiệm riêng để xét nghiệm các cầu thủ trong quá trình thi đấu.

Đổi lại, những ngôi sao của châu Phi như bộ đôi của Liverpool, Mohamed Salah (Ai Cập) và Sadio Mane (Senegal), cũng như Riyad Mahrez của Man City (Algeria)… đều đại diện cho quốc gia của họ tại AFCON. Những cầu thủ đều có mặt ở Cameroon muộn, chính xác là ngày 3/1, thay vì ngày 27/12 theo quy định của FIFA, sau khi CAF chấp nhận yêu cầu của các giải vô địch quốc gia. Dù sao thì AFCON thường được tổ chức vào tháng 1 và tháng 2 khi các giải vô địch châu Âu đang diễn ra quyết liệt. Vì vậy mà năm 2017, CAF đã quyết định giai đoạn tổ chức từ tháng 6 đến tháng 7 như EURO hay Copa America, với việc mở rộng từ 16 lên 24 đội. Ai Cập đã tổ chức giải đấu được chỉnh sửa đầu tiên vào năm 2019, nhưng đến Cameroon thì họ lại quyết định tổ chức vào tháng 1 do mùa mưa trong suốt tháng 6.

Dù sao thì AFCON năm nay cũng sẽ đánh dấu 65 năm lịch sử giải và qua các lần tổ chức, Ai Cập dẫn đầu với 7 lần vô địch, sau là Cameroon với 5 lần, Ghana 4 lần, Nigeria 3 lần, Bờ Biển Ngà, Algeria (đang là đương kim vô địch), CHDC Congo 2 lần, Tunisia, Sudan, Ethiopia, Morocco, Nam Phi và Congo mỗi nước 1 lần.

Mạnh Hào

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN