TTVH Online

Mở lò đào tạo lúc sân khấu tạm đóng cửa: Trong khó khăn vẫn nuôi hy vọng

30/11/2021 10:30 GMT+7

Đến hôm nay, hệ thống rạp chiếu phim đã được phép mở cửa, nhưng sân khấu phía Nam vẫn tiếp tục chờ đợi. Không hẹn mà gặp, cả 2 sân khấu Hoàng Thái Thanh và sân khấu 5B Võ Văn Tần đều khai giảng lớp học đào tạo diễn xuất trong cùng tháng 11/2021.

(Thethaovanhoa.vn) - Đến nay, hệ thống rạp chiếu phim đã được phép mở cửa, nhưng sân khấu phía Nam vẫn tiếp tục chờ đợi. Không hẹn mà gặp, cả 2 sân khấu Hoàng Thái Thanh và sân khấu 5B Võ Văn Tần đều khai giảng lớp học đào tạo diễn xuất trong cùng tháng 11/2021.

Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?

Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?

Thực tế, kịch nói Việt Nam ra đời rất muộn so với các nền kịch lớn của thế giới. Điển hình, nếu xét từ ngọn nguồn của kịch nói nhân loại, chúng ta “thua kém” kịch nói cổ đại Hy Lạp tới 25 thế kỷ.

Đối với nghệ sĩ mê kịch nghệ, việc xa ánh đèn sân khấu, xa khán giả quá lâu là một nỗi buồn mênh mông. Vậy nên, việc hằng tuần được giảng dạy cho học viên, được sống trong tính cách nhân vật là cách các nghệ sĩ được sống với nghề, được duy trì hoạt động của sân khấu.

Được biết lò đào tạo Hoàng Thái Thanh tuyển được 37 học viên, còn lò đào tạo 5B Võ Văn Tần tuyển được 17 bạn tham gia khóa học. Với số lượng học viên này, cả 2 sân khấu đều tuân thủ được việc thực hiện 5K trong quá trình học và diễn tập. Mỗi học viên đều phải có giấy xác nhận tiêm 2 mũi vắc-xin, mỗi tuần kiểm tra Covid-19 một lần. Dẫu có đôi chút hồi hộp, nhưng mọi người chấp nhận hòa nhập vào trạng thái bình thường mới.

Khơi dậy đam mê

Lò đào tạo diễn xuất cho các bạn trẻ tại sân khấu 5B Võ Văn Tần có tên gọi Diễn xuất đỉnh cao cùng Madame Uyên. Các học viên sẽ trải qua 4 học kỳ, mỗi học kỳ 3 tháng. Tại đây, các bạn sẽ được học các môn gồm kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, giải phóng hình thể, hóa trang, luyện thanh, kỹ năng nói trước công chúng... Học viên nào thể hiện được năng khiếu vượt trội sẽ được tạo điều kiện tham gia các dự án nghệ thuật chuyên nghiệp và diễn kịch tại sân khấu 5B.

Chú thích ảnh
NSƯT Mỹ Uyên và các học viên trong buổi ra mắt lớp học diễn xuất

Về lực lượng giảng viên cơ hữu, ngoài NSƯT Mỹ Uyên, còn có NSƯT Hạnh Thúy, đạo diễn Chánh Trực, cùng các giảng viên thỉnh giảng như NSƯT Hữu Quốc, MC Thanh Bạch, Trung Dũng, Lê Vinh... Nói về lò đào tạo của mình, bà bầu Mỹ Uyên cho biết: “Từ khi đảm nhiệm vai trò giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B, tôi đã nghĩ đến việc đào tạo thế hệ nối tiếp bằng phương pháp truyền nghề thực tiễn. Vì nhiều lý do khác nhau mà đến bây giờ ý tưởng này mới có thể triển khai”.

Mỹ Uyên nói thêm: “Đúng ngay lúc dịch bệnh, nên nhiều bạn đã đăng ký, nhưng phải về quê tránh dịch, không thể lên nhập học. Bản thân chúng tôi cũng cẩn thận trong việc tuân thủ 5K, nên cũng không mong muốn tập trung quá đông người. Chúng tôi sẽ rút hết kinh nghiệm nghề nghiệp để truyền đạt cho các em, với mong muốn các em có thể trở thành nghệ sĩ. Những bạn nào nhận thấy mình không có năng khiếu, có thể được tư vấn để có sự lựa chọn phù hợp hơn. Tuy nhiên, phần quan trọng trong chương trình đào tạo của chúng tôi là dạy các em đạo đức của người làm nghề, gìn giữ đam mê trước khó khăn, tôn trọng tổ nghiệp và lễ độ với người xung quanh”.

Chú thích ảnh
Học viên lò đào tạo Hoàng Thái Thanh đang học diễn xuất

Chủ xị của lò đào tạo Hoàng Thái Thanh là NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như. Ngoài là nghệ sĩ tài năng, đây là 2 người thầy nghiêm khắc tại các trường nghệ thuật. Tại đây, các học viên sẽ được huấn luyện một tình yêu sân khấu thuần khiết giống như cách đây mấy chục năm. Đó là mài giũa và khổ luyện. Những diễn viên, học viên nào có tư tưởng bước vào nghệ thuật kiểu ăn xổi ở thì, tìm cách dễ nhất để nhanh chóng nổi tiếng mà không kinh qua quá trình luyện nghề, trang bị nội lực cho mình, sẽ bị từ chối.

Hy vọng vào cách làm nghiêm túc

Theo nghệ sĩ Ái Như, tất cả học viên sẽ được thụ giáo từ những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm diễn xuất và giảng dạy như NSND Việt Anh, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Hội, NSƯT Tuyết Thu và các thầy cô khác. Các bạn sẽ được dạy các kỹ năng quan trọng bằng phương pháp truyền nghề trực tiếp, lượt bớt phần lý thuyết.

Chú thích ảnh

Sân khấu hoàn toàn không hứa hẹn sẽ chọn tất cả các em để hướng vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng những bạn nào thực sự có tài năng, sẽ được tạo điều kiện phát triển. Điều quan trọng nhất, ở đây các học viên sẽ học được các quan niệm đúng về giá trị nghệ thuật, về các khái niệm sân khấu, chứ không phải là cuộc chơi, là thử sức như nhiều người thường nói.

Cách đào tạo này không phải là mới mẻ, vì các sân khấu truyền thống đều làm như vậy. Trước 1975 và thời kỳ hoàng kim của cải lương tại miền Nam, các đại bang cải lương đều dùng phương pháp truyền nghề trực tiếp này để đào tạo diễn viên trẻ. Người mới theo đoàn sẽ làm hậu đài, quân sĩ, bán vé. Trong thời gian đó, họ sẽ được nghệ sĩ đàn anh dạy dỗ trực tiếp trong giờ tập và quan sát ở giờ diễn. Theo thời gian, người nào có năng khiếu, học thuần thục bài bản ca diễn, sẽ được nâng vai lớn hơn. Đã có rất nhiều ngôi sao lớn tỏa sáng từ phương pháp này.

Khoảng 10 năm trở lại đây, các sân khấu đã bắt đầu chú ý trở lại việc tự mở lò đào tạo để tìm nhân tố mới và tạo thêm hoạt động nghề nghiệp. Các sân khấu như Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, IDECAF, Minh Nhí, Quốc Thảo… đều mở lò. Mỗi một sân khấu có cách đào tạo riêng.

Từ phương pháp này, đã có vài bạn thực sự trưởng thành, nhưng nếu đánh giá chung vẫn còn hơi ít ỏi. Có thể thời gian 10 năm là chưa đủ dài để thấy được sự trưởng thành của một diễn viên trẻ. Vậy nên, sự xuất hiện của hai lò đào tạo mới, với ý chí nghiêm túc trong việc việc đào tạo, chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, có thể góp phần tìm ra thêm những nhân tố tích cực mới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Nguyễn Huy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN