TTVH Online

GEMMES Việt Nam: Tìm chiến lược thích ứng để đối mặt với biến đổi khí hậu

18/11/2021 07:00 GMT+7

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

(Thethaovanhoa.vn) - Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Hồ sơ tư liệu: Xung quanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Hồ sơ tư liệu: Xung quanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Biến đổi khí hậu tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng về thời tiết và cuộc sống của người dân trên toàn cầu. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không dễ dàng, đòi hỏi các quốc gia phải “chung sức, chung lòng”.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26 đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Việt Nam, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, AFD (French Development Agency) đang triển khai một dự án nghiên cứu: GEMMES Việt Nam, nhằm đánh giá những tác động kinh tế xã hội của biến đổi khí hậu đối với quốc gia và những chiến lược thích ứng để đối mặt với những tác động đó.

GEMMES Việt Nam đánh giá: Theo kịch bản nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền, đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa an ninh lương thực và kinh tế của đất nước. Tình trạng nhiệt đô tăng, làm gia tăng liên tục hạn hán, tần suất bão và các hiện tượng xói lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp như sụt lún, cũng là một vấn đề lo ngại lớn. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đặt thích ứng với biến đổi khí hậu vào trọng tâm chiến lược quốc gia, nhất là trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trong kế hoạch thích ứng quốc gia, kế hoạch đầu tư mang tính chiến lược năm năm và mười năm, và trong khuôn khổ báo cáo về đóng góp quốc gia (NDC).

Chú thích ảnh
Xâm thực biển tại Quảng Trị ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN phát

Vì thế, Việt Nam và AFD đã quyết định thực hiện một nghiên cứu tổng thể với tầm nhìn tới 2050, lồng ghép những tác động kinh tế xã hội khác nhau của biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng có thể được triển khai tại Việt Nam. Ứng phó với các kịch bản nóng lên của trái đất từ 1,5°C, 2°C và 3°C tương ứng với các kịch bản khác nhau về biến đổi khí hậu toàn cầu (hoặc chuyển đổi các bon thấp) sẽ được phân tích. Chiến lược thích ứng được phân tích sẽ cho phép xác định giá trị những lợi ích từ nỗ lực giảm thiểu của quốc gia. Dự án này đáp ứng đề nghị của Ủy ban quốc gia về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Nghiên cứu này nhằm: Hỗ trợ Việt Nam xây dựng một lộ trình phát triển có khả năng chống chịu và phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt về lâu dài (tầm nhìn tới 2050); Tăng cường năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu và thành lập một mạng lưới các nhà nghiên cứu Pháp Việt (luận án, sau tiến sĩ, hội thảo và đào tạo); Tăng cường đối thoại chính sách công với Chính phủ Việt Nam ở cấp bộ ngành và địa phương (chiến lược thích ứng, kế hoạch Mekong); Tuyên truyền rộng rãi với người dân về tác động của biến đổi khí hậu...

Chú thích ảnh
Ông Remy Rioux, Tổng giám đốc AFD, Chủ tịch Câu lạc bộ các tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển và Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà (giữa) bên lề COP 26

Đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu tới đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế ở Việt Nam, TS. Etienne Espagne - Chuyên gia kinh tế của AFD Paris, Trưởng dự án Gemmes Việt Nam – cho biết: “Báo cáo trình bày những biện pháp về lộ trình khí hậu đối với Việt Nam, dự báo với tầm nhìn đến năm 2050 và 2100, và phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, năng lượng, y tế, năng suất lao động, năng lực đổi mới của các doanh nghiệp… Những đánh giá theo ngành này cũng cho phép cung cấp dữ liệu cho mô hình vĩ mô mà GEMMES phát triển tại AFD, và nhờ đó, đo lường được những tác động kinh tế vĩ mô cho quốc gia.

Đối với Việt Nam, trong báo cáo này, chúng tôi dự báo rằng, khi nhiệt độ tăng lên 1.5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, quốc gia có thể sẽ thiệt hại 4.5% GDP. Khi nhiệt độ tăng 2°C, thiệt hại về GDP sẽ là 7%. Đây là những giá trị trung vị dựa trên trung bình các kịch bản khí hậu khác nhau, mà bản thân những kịch bản khí hậu này cũng là có tính biến đổi lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy rằng các tác động về mặt kinh tế vĩ mô có xu hướng làm gia tăng (gần 30%) các tác động trực tiếp lên các lĩnh vực khác nhau”.

Chú thích ảnh
TS. Etienne Espagne

Đưa ra khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách, quản lý cũng như các địa phương ở Việt Nam, TS. Etienne Espagne đề xuất: Chúng tôi gợi ý, đề xuất những hướng hạn chế tác động. Để làm điều đó, chúng tôi đã nghiên cứu các chính sách thích ứng đã được triển khai tại Việt Nam cho tới hiện nay, sự tuần hoàn của các dòng tài chính quốc tế và khu vực triển khai cho mảng thích ứng, cũng như cách thức mà người dân địa phương huy động nguồn vốn để đối mặt với những hiện tượng khí hậu cực đoan. Chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam trong việc soạn thảo thông tư về thích ứng để áp dụng trong khuôn khổ Luật Bảo vệ Môi trường sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022.

Chú thích ảnh
Mưa lớn gây ngập lụt nặng tại nhiều vùng trũng thấp ở Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN phát

Trong khi đó, ông Alexis Drogoul – Trưởng đại diện IRD - Cơ quan nghiên cứu Phát triển (Pháp) tại Việt Nam - thì cho rằng: Biến đổi khí hậu tác động rất nhiều tới đời sống ở Việt Nam. Đầu tiên là tác động về kinh tế, với sự sụt giảm dự kiến​​ trong tăng trưởng và chắc chắn là ảnh hưởng mức sống, đặc biệt là đối với những người nghèo.

Về mặt xã hội, biến đổi khí  hậu tác động tới nhu cầu tổ chức lại một số hoạt động (đặc biệt là nông nghiệp, do nhiễm mặn) hoặc việc tổ chức lại của một số trung tâm đô thị lớn (chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh, nơi cư dân sẽ phải học cách sống chung với nước); tác động về mặt rủi ro, với sự gia tăng của các hiện tượng cực đoan (bão lụt, hạn hán, lũ lụt...), hoặc tác động về sức khoẻ (gia tăng các bệnh truyền nhiễm, khí hậu thuận lợi hơn cho vi rút và vi khuẩn...).

Chú thích ảnh
Ông Tăng Thế Cường (bìa phải), Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TNMT tại COP 26

Nhận định về những kết quả ban đầu mà Chương trình GEMMES đã đạt được trong thời gian qua và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ông Alexis Drogoul nhận định: “GEMMES đã chỉ ra rằng các tác động (dự kiến) của biến đổi khí hậu không được khiến chúng ta quên đi các tác động (hiện có) của các hoạt động tức thì của con người đối với môi trường. Sự sụt lún tự nhiên của một khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bị tác động tiêu cực bởi hoạt động của con người (bơm nước ngầm, hút cát) và chưa phải là hậu quả của những thay đổi toàn cầu. Tôi chắc chắn rằng việc hiểu được mối tương tác giữa hai yếu tố này và các phương tiện hành động đối với mỗi yếu tố sẽ cho phép chúng ta xác định rõ hơn các chính sách thích ứng trong tương lai”.

Báo cáo về khí hậu do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc công bố ngày 25/10/2021 cho thấy, mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm 2020 và nhiều khả năng xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong năm 2021.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo, với việc khí phát thải tiếp tục tăng cùng với việc nhiệt độ tăng cao, con người có thể hứng chịu thêm nhiều thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn, băng tan hay mực nước biển tăng. Tất cả điều này sẽ gây ra những tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng. 

(Theo TTXVN)

Thảo Nhi. Ảnh: NVCC

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN