TTVH Online

Nations League không hề tầm thường chút nào

13/10/2021 07:15 GMT+7

Dẫu vừa hoàn thành mùa tổ chức thứ hai, Nations League không hề là một giải đấu thuần túy gom các trận đấu giao hữu ở phạm vi châu Âu. Chất lượng giải đấu vẫn được đảm bảo cùng sự tỏa sáng của các ngôi sao.

(Thethaovanhoa.vn) - Dẫu vừa hoàn thành mùa tổ chức thứ hai, Nations League không hề là một giải đấu thuần túy gom các trận đấu giao hữu ở phạm vi châu Âu. Chất lượng giải đấu vẫn được đảm bảo cùng sự tỏa sáng của các ngôi sao.

UEFA Nations League: Nhà vua Pháp đã thức giấc!

UEFA Nations League: Nhà vua Pháp đã thức giấc!

Nations League có thể không phải một danh hiệu xứng tầm nếu đặt lên bàn cân với những chức vô địch World Cup hay EURO, nhưng việc đội tuyển Pháp lên ngôi ở giải đấu năm nay là dấu hiệu nhà vua World Cup đã thức giấc.

1. Khi còn giữ cương vị Tổng thư ký UEFA, ông Gianni Infantino cách đây 7 năm khẳng định một trong những động cơ thúc đẩy sự ra đời của Nations League là việc giảm thiểu những trận giao hữu vô nghĩa cũng như tạo luồng sinh khí mới cho những trận đấu cấp độ ĐTQG bên cạnh các trận đấu vòng loại World Cup hay EURO.

Nhìn vào hai giải đấu Nations League đã tổ chức, 2019 và 2021, dễ dàng nhận thấy những yếu tố tích cực giải đấu non trẻ này mang lại. Thay vì việc phải phàn nàn đá với những đối thủ không cùng trình độ, 55 ĐTQG châu Âu đã được phân chia thứ bậc theo 4 hạng đấu. Khó có thể tìm thấy những chiến thắng chênh lệch kiểu Đức đè bẹp Armenia 6 bàn không gỡ hay Bỉ hạ đo ván Belarus cách biệt lên tới 8 bàn tại Nations League. Đơn giản, các ông lớn đã được gom về một mối, trong khi những đội bóng có trình độ thấp hơn không còn phải tự ti khi họ được xếp cùng thuyền với các đối thủ đồng cân, đồng lạng với năng lực của mình.

 

Bản thân Nations League cũng mang đến động lực cho các đội tuyển tranh tài, khi thành tích giải đấu này từng được xét đến để chọn ra các đội thi đấu những trận tranh vé vớt vòng loại EURO 2020. Kịch bản giải đấu năm nay cũng có mối liên hệ nhất định với vòng loại World Cup 2022, dẫu cho mức độ ảnh hưởng giảm đi đôi chút. Chỉ hai đội có thành tích tốt nhất tại Nations League không đủ điều kiện giành vé sẽ được trao cơ hội tham dự vòng tranh vé vớt dự World Cup trên đất Qatar cùng 10 đội nhì bảng.

2. Trước đây, những trận giao hữu của các ĐTQG nói chung và ĐTQG châu Âu nói riêng thường xuyên bị đặt dấu hỏi, khi họ thường không tung vào sân những cầu thủ mạnh nhất, tạo ra không khí nhàm chán và thiếu tính hấp dẫn. Hai kỳ Nations League vừa qua đã mang đến những trận đấu đỉnh cao không hề thua kém các trận đấu tại EURO hay World Cup.

Chú thích ảnh
Sau hai kỳ tổ chức, Nations League đang tạo ra một giải đấu vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, vừa thu hút các ngôi sao

Như kỳ tổ chức năm nay, hai trận bán kết đều mang đến những duyên nợ. Cặp bán kết Tây Ban Nha-Italy tái hiện trận bán kết EURO 2020 cách đây hơn 3 tháng, trong khi trận bán kết Pháp-Bỉ gợi nhắc ký ức về trận bán kết kịch tính tại World Cup 2018 trên đất Nga. Trận chung kết giữa Pháp và Tây Ban Nha, hai trong số những đội bóng giàu thành tích bậc nhất châu lục, diễn ra không hề sặc mùi tính toán như các trận chung kết gần đây. Đó là một màn PR chất lượng cho Nations League, giải đấu ngày càng có những chuyển biến sau hai lần tổ chức. So với năm 2019, Nations League năm nay gia tăng về số trận (164 so với 142 của kỳ đầu tiên) lẫn số bàn thắng (376 so với 342 của hai năm trước). Những bất cập về công tác phân chia các đội lên xuống hạng đã được hoàn thiện ở lần tổ chức thứ hai. Hiếm thấy những trận đấu chênh lệch hay chất lượng chuyên môn kém tại vòng bảng Nations League 2021.

Ngôi sao ở Nations League là một chi tiết không thể bỏ qua. Năm 2019, Bồ Đào Nha lên ngôi trong kỳ tổ chức đầu tiên cùng phong độ chói sáng của Cristiano Ronaldo. 2 năm sau, ngôi sao mới nổi Kylian Mbappe trở thành nguồn cảm hứng đưa Pháp vươn tới danh hiệu đầu tiên sau chức vô địch World Cup cách đây 3 năm. Tính chất lên xuống hạng giữa các nhóm đấu khiến các đội tuyển buộc phải chọn ra đội hình mạnh nhất tham dự, thay vì tự tin mang đến giải đấu những cầu thủ trẻ tuổi hoặc ít được ra sân tại các CLB hàng đầu.

3. Không phải ngẫu nhiên mà một số liên đoàn bóng đá đã bắt đầu manh nha ý định tổ chức theo mô hình Nations League của UEFA. Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ (CONCACAF) đã sao chép mô hình này để tổ chức giải Nations League lần đầu tiên vào mùa 2018-19, mùa giải đội tuyển Mỹ đã lên ngôi. Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cũng đã từng cân nhắc về khả năng lập ra một giải Nations League, nhưng mọi chuyện cho đến lúc này vẫn chưa đi đến đâu.

Ít nhất, hai lần tổ chức thành công Nations League của UEFA là một bước mở lối quan trọng không chỉ cho các đội tuyển châu Âu mà cho cả nhiều quốc gia và liên đoàn bóng đá thế giới khác. Đã đến lúc những trận giao hữu vô bổ cần được thay thế bằng các giải đấu quy củ hơn, nhằm tạo động lực cho các cầu thủ mỗi ki trở về ĐTQG.

Đức Hùng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN