TTVH Online

BBC bồi thường 1 triệu bảng Anh cho người đã vạch trần vụ bê bối phỏng vấn Công nương Diana

08/10/2021 22:34 GMT+7

Hãng tin BBC sẽ trả khoản bồi thường lên tới 1 triệu bảng Anh (hơn 1,36 triệu USD) cho ông Wiesseler - vốn bị cho nghỉ việc sau khi vạch trần vụ bê bối.

(Thethaovanhoa.vn) - Hãng tin BBC của Anh ngày 8/10 thông báo đạt thỏa thuận với nhà thiết kế đồ họa Matt Wiessler - người đã vạch trần vụ bê bối của phóng viên Marin Bashir, người đã nhờ ông làm sao kê ngân hàng giả để có thể tiến hành cuộc phỏng vấn gây chấn động với Công nương Diana 20/11/1995.

Xúc động trước hình bóng của cố Công nương Diana trong đám cưới con trai

Xúc động trước hình bóng của cố Công nương Diana trong đám cưới con trai

Cố Công nương Diana đã qua đời cách đây hai mươi năm nhưng hình bóng của bà vẫn còn mãi trong lòng những người yêu hòa bình và bác ái. Trong ngày trọng đại của con trai thứ Harry, tất nhiên, bà luôn có mặt.

Theo đó, hãng tin này sẽ trả khoản bồi thường lên tới 1 triệu bảng Anh (hơn 1,36 triệu USD) cho ông Wiesseler - vốn bị cho nghỉ việc sau khi vạch trần vụ bê bối trên. 

Để có thể tiến hành cuộc phỏng vấn với Công nương Diana, Bashir đã lên kế hoạch thuyết phục Bá tước Earl Spencer, em trai của Công nương Diana, bịa đặt rằng mình có quyền truy cập các nguồn tin cấp cao để có thông tin về một âm mưu chống lại Công nương Diana.

Cuối tháng 8/1995, Martin Bashir đã yêu cầu ông Matt Wiessler - vốn không biết kế hoạch này, làm giả sao kê ngân hàng về các khoản thanh toán từ các cơ quan tình báo vào tài khoản của các thư ký riêng của Công nương Diana và Thái tử Charles. Sau đó, Bashir đã đưa các giấy tờ giả này cho Bá tước Spencer để có thể tiếp cận và tiến hành cuộc phỏng vấn với Công nương Diana. 

Chú thích ảnh
Công nương Diana lúc đương thời

Ngày 20/11/1995, cuộc phỏng vấn Toàn cảnh (Panorama) của Martin Bashir với Công nương xứ Wales Diana, được phát sóng ở Anh, thu hút gần 23 triệu người xem. Trong cuộc phỏng vấn dài 60 phút, Công nương Diana đã nói về cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bà với Thái tử Charles, trong đó có việc Thái tử vẫn giữ mối quan hệ tình cảm với bà Camilla Parker-Bowles.

Theo BBC, ngay sau đó, Nữ hoàng Anh viết thư cho Thái tử Charles và Công nương Diana yêu cầu họ ly hôn. Năm 1996, Thái tử Charles và Công nương Diana ly hôn. BBC cũng cho biết cuộc phỏng vấn đã khiến Hoàng tử William và Harry - hai con trai của Công nương Diana - bị tổn thương. Khi đó, ông Wiessler đã bày tỏ quan ngại với giới chức BBC, song ban lãnh đạo BBC đã ra quyết định sa thải ông sau khi hết hạn hợp đồng.  

Trong tuyên bố ra ngày 8/10, BBC bày tỏ sự vui mừng khi đạt được thỏa thuận với ông Wiessler, đồng thời nhắc lại lời xin lỗi đầy đủ và vô điều kiện tới ông Wiessler vì các hành vi của BBC trong quá khứ. Tuyên bố nêu rõ ông Wiessler đã "hành động hoàn toàn chính trực, trong đó đã nêu lên những quan ngại vào thời điểm đó" và BBC phải xin lỗi vì đã không lắng nghe. 

Mặc dù BBC không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận, song đầu năm nay có thông tin cho rằng ông Wiessler có thể được bồi thường tới 1 triệu bảng Anh (khoảng 1,36 triệu USD).

Do dư luận đặt ra nhiều nghi vấn sau cuộc phỏng vấn, ông Tony Hall - Giám đốc Tin tức, sau này là Tổng Giám đốc của BBC giai đoạn 2013-2020 - phải mở một cuộc điều tra. Tuy nhiên, cuộc điều tra này không đầy đủ vì không phỏng vấn được Bá tước Earl Spencer. BBC nhiều lần bác bỏ yêu cầu công khai tài liệu điều tra. Cáo buộc lại nổi lên vào mùa Thu năm 2020 - tức 25 năm sau cuộc phỏng vấn. Bá tước Charles Spencer - em trai của Công nương Diana - liền có phản hồi về vấn đề này, đồng thời cho biết còn giữ các ghi chú lúc đó về các cuộc gặp với Bashir.

Ông cho rằng Bashir đã sử dụng các bản sao kê ngân hàng giả mạo để thuyết phục Công nương Diana trả lời phỏng vấn. Trước các cáo buộc lần này, năm 2020, BBC tiến hành một cuộc điều tra để lấy lại niềm tin của công chúng, đồng thời giao cho cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao John Dyson đứng đầu. Báo cáo điều tra đã liệt kê một loạt sai sót về đạo đức, chuyên môn và biên tập tại BBC trong những năm 90 của thế kỷ trước, trong khi BBC thừa nhận đáng lẽ phải nỗ lực nhiều hơn để đi đến tận cùng những gì đã xảy ra vào thời điểm đó. Tháng 5/2021, BBC đã đăng tải loạt bài công bố về sai sót trong nghiệp vụ này cũng như công khai xin lỗi. 

Nhờ vụ phỏng vấn gây chấn động này, mà Bashir từ chỗ là một phóng viên ít tên tuổi vào thời điểm đó, đã trở nên nổi tiếng trên các đài truyền hình của Mỹ và được phỏng vấn nhiều ngôi sao, trong đó có "ông hoàng nhạn pop" Michael Jackson. Martin Bashir trở lại Vương quốc Anh vào năm 2016. Kể từ tháng 9/2016, Bashir làm biên tập viên phụ trách lĩnh vực tôn giáo tại BBC. Ngày 14/5 vừa qua, Bashir, 58 tuổi, xin từ nhiệm với lý do sức khỏe.

Ngọc Hà/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN