TTVH Online

Chữ và nghĩa: 'Nước mưa là cưa trời'

29/09/2021 07:11 GMT+7

“Nước mưa” là sản phẩm có từ một hiện tượng thiên nhiên, hẳn mọi người đã rõ. Đó là những hạt nước rơi từ các đám mây xuống đất. Khi hơi nước dưới mặt đất gặp nóng bốc lên cao, tới một khoảng không, ở đó có khí lạnh ngưng tụ thành giọt.

(Thethaovanhoa.vn) - “Nước mưa” là sản phẩm có từ một hiện tượng thiên nhiên, hẳn mọi người đã rõ. Đó là những hạt nước rơi từ các đám mây xuống đất. Khi hơi nước dưới mặt đất gặp nóng bốc lên cao, tới một khoảng không, ở đó có khí lạnh ngưng tụ thành giọt. Ngưng tụ tới một mức nào đó sẽ tạo ra mưa. Mưa phùn, mưa rào, mưa đá, mưa ngâu, mưa bóng mây… đều là mưa cả.

Chữ và nghĩa: 'Bầu ơi thương lấy bí cùng', 'cùng' là gì vậy?

Chữ và nghĩa: 'Bầu ơi thương lấy bí cùng', 'cùng' là gì vậy?

“Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đây là câu ca dao được nhắc đến nhiều trong những ngày cả nước ta đang chung tay chống dịch Covid-19.

“Nước mưa là cưa trời”. Câu tục ngữ được dân gian xây dựng bằng 2 vế theo thủ pháp so sánh. Nhưng sự so sánh này nghe thật lạ. Nước mưa được đem so với “cưa” - một “dụng cụ dùng để xẻ, cắt gỗ, kim loại và vật liệu cứng khác, có lưỡi bằng thép mỏng với nhiều răng sắc nhọn” (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Tất nhiên, dân gian dùng khái niệm “cưa trời” là có dụng ý, coi những hạt nước mưa kia có tác dụng như một chiếc cưa (nhưng là chiếc cưa đặc biệt) trong cuộc sống.

Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển Tục ngữ Việt”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải thích câu này là “Nước mưa là thứ cưa được trời, hay dùng để xẻ đứt mọi thứ cản trở đường đi của nó trên mặt đất”. Rõ ràng, cách giải thích này chưa thỏa đáng.

Chú thích ảnh

Câu tục ngữ bắt nguồn từ một quan niệm mang đậm tri thức dân gian, có thể nói là rất khoa học và thực tế.

Nước mưa, không giống những giọt nước bình thường khác, nó có một nồng độ a-xít khá lớn. Khi rơi xuống mặt đất, nước mưa có thể tác dụng làm han rỉ các vật liệu, như kim loại sắt thép, làm bào mòn các công trình như nhà cửa, cầu cống, đường sá… Những trận mưa trường kỳ năm này qua năm khác làm đá núi phải mòn, có thể tạo nên những kỳ quan hang động quý giá, nhưng có thể bào mòn cả dãy núi hay những công trình bằng những vật liệu bền vững do con người tạo dựng (kim cương, vàng bạc, đá, sắt thép, xi-măng…). Biết bao đền đài, thành quách, công trình kiến trúc kiệt tác của nhân loại, trải qua mưa nắng mà hư hỏng, xuống cấp hoặc vĩnh viễn bị xóa bỏ trên mặt đất.

Hơn nữa, những trận mưa còn tạo nên lụt lội, lũ lớn, cuốn phăng cả rừng cả bản, tàn phá hết thảy, tạo nên bao tai ương khốn khó cho con người. Chúng ta đã từng chứng kiến những trận mưa lũ ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh biên giới phía Bắc. Những trận mưa bất thường thực sự đã trở thành thảm họa với những thiệt hại vô cùng to lớn.

“Rơi rơi, dìu dịu, rơi rơi/ Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ" (Huy Cận). Hạt mưa nhỏ bé kia có là gì đâu nhỉ? Nhưng nó sẽ “là gì” đó. “Mưa dầm thấm lâu”, “nước chảy đá mòn”, sức mạnh của hạt mưa quả là to lớn, khó lường. Câu tục ngữ “Nước mưa là cưa trời” còn là một thông điệp rất sâu sắc, rằng chúng ta chớ vội coi thường cái bình thường, cái nhỏ. Trong cuộc sống không ít những hiện tượng, những hành động tưởng như vô cùng nhỏ bé, nhưng nó cứ lặp đi lặp lại không ngưng nghỉ theo một hướng nhất định thì coi chừng, sức mạnh của nó có thể “dời non lấp bể”.

Bình thường chỉ một giọt mưa

Mà nên sức mạnh không ngờ ai ơi!

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN