TTVH Online

Góc nhìn 365: Văn Miếu và câu chuyện 'phá bỏ rào ngăn'

28/09/2021 06:55 GMT+7

Rào ngăn này - như cách nói của các chuyên gia trong cuộc tọa đàm “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” - nằm ở sức hút của Văn Miếu với du khách, đặc biệt là người trẻ.

(Thethaovanhoa.vn) - Rào ngăn ở đây không phải là lớp rào sắt ngăn cách giữa Vườn Giám và trục đường Tôn Đức Thắng - dù nhiều người cũng đã đề xuất ý tưởng dỡ bỏ - để cộng đồng dễ dàng tiếp cận với một phần diện tích của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Quy hoạch Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mở ra những giá trị bị bỏ quên

Quy hoạch Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mở ra những giá trị bị bỏ quên

Từ không gian, hiện vật cho tới những lớp giá trị phi vật thể, có rất nhiều tiềm năng đang phần nào bị lãng quên ở cụm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Và nhiều người trông đợi, bản quy hoạch bảo tồn và phát triển Di tích Quốc gia đặc biệt này sẽ mở ra những giá trị ấy.

Và, cũng không phải là lớp tường gạch vồ đang bao quanh khu Nội tự - khi trên thực tế, không gian Văn Miếu từ nhiều năm nay đã được mở rộng sức ảnh hưởng sang phần hồ Văn và phố Văn Miếu liền kề.

Rào ngăn này - như cách nói của các chuyên gia trong cuộc tọa đàm “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” - nằm ở sức hút của Văn Miếu với du khách, đặc biệt là người trẻ.

Nhìn lại, từ khá lâu, trong tâm lý của khá nhiều người, Văn Miếu là địa chỉ nên tới một lần cho biết, thay vì thường xuyên ghé thăm. Đó cũng là điều dễ hiểu, khi đặc điểm của một di tích xưa cũ với những câu chuyện về Nho giáo, bia đá hay các vị vua thời Lý vẫn có một khoảng cách nhất định so với sở thích và sự hào hứng của người trẻ bây giờ.

Chú thích ảnh
Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nguồn: TTXVN

Thế nhưng, theo những chia sẻ tại cuộc tọa đàm được tổ chức vào cuối tuần trước, đã tới lúc rào cản ấy cần được xóa bỏ. Và, trong bối cảnh Văn Miếu vẫn đang chờ ngày mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 như hầu hết các di tích tại Hà Nội, quãng nghỉ vừa qua chính là thời điểm để không gian này nghiên cứu sản phẩm du lịch, mô hình hoạt động, hướng tiếp cận du khách... theo cách tự “làm mới” mình.

Điển hình, chỉ vài tuần trước, dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” đã được Trung tâm triển khai trên hệ thống Facebook và Instagram. Ngoài chức năng cơ bản giới thiệu Văn Miếu hoặc lịch sử Việt Nam trung đại, dự án này hướng tới việc thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần với người trẻ, cũng như các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Trước mắt, vào tháng 10, chương trình “Đạo học trong không gian văn hóa Quốc Tử Giám” sẽ được tổ chức định kỳ theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các chuyên gia.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nguồn: TTXVN

Hoặc, xa hơn, phía Trung tâm cũng đang lên kế hoạch ứng dụng công nghệ trong trưng bày giới thiệu di sản. Chẳng hạn, qua hệ thống thuyết minh đặc biệt, khách tham quan - và thậm chí là những du khách sử dụng dịch vụ trực tuyến - có thể hiểu về nội dung các bài văn bia tại đây, cũng như biết về cuộc đời của hơn 1.000 vị tiến sĩ từng xuất thân ở Văn Miếu với những hình ảnh và infographic. Thậm chí, trong tương lai, những cuộc thi sáng tác truyện tranh hay tiểu thuyết về Văn Miếu cũng sẽ được phát động...

***

Nhiều năm qua, chúng ta đã nói nhiều tới việc khôi phục không gian và cảnh quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhưng quả thực, song song với câu chuyện đấy, vấn đề thu hút du khách tới đây khi được thảo luận vẫn có phần sa vào các khái niệm vĩ mô về giáo dục, tuyên truyền mà ít chú ý tới một thực tế: Người trẻ bây giờ luôn cần thêm những câu chuyện mới, thay vì những gì xưa cũ.

Và, cũng không phải ngẫu nhiên, đã có những ý kiến khẳng định: Việc chuyển tải những giá trị rất trừu tượng như tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo… đến công chúng cần được tiến hành bằng một con đường gần gũi và hấp dẫn và thậm chí đời thường hơn trước. Con đường ấy, tất nhiên phải được thực hiện bằng sự kiên nhẫn và có cả vai trò của những người trẻ, điều mà dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” đang làm.

Không thụ động, tìm cách đưa những giá trị truyền thống đến với người xem bằng các giải pháp của ngày hôm nay - đó là điểm tích cực và cần thiết ở một Di tích đặc biệt như Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Và thẳng thắn, đó cũng là một hướng đi tất yếu, khi mà đại dịch Covid-19 đang dần làm thay đổi mọi thói quen của xã hội, còn mô hình “bao cấp” tại các điểm di tích lại đang ngày càng trở nên xưa cũ.

Trí Uẩn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN