TTVH Online

Chào tuần mới: Ngôi trường an toàn

27/09/2021 06:49 GMT+7

Năm học mới đã bước sang tuần thứ 4. Mặc dù nhiều địa phương đã nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, trở thành “vùng xanh”, nhưng vẫn còn rất nhiều học sinh phải tiếp tục học trực tuyến.

(Thethaovanhoa.vn) - Năm học mới đã bước sang tuần thứ 4. Mặc dù nhiều địa phương đã nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, trở thành “vùng xanh”, nhưng vẫn còn rất nhiều học sinh phải tiếp tục học trực tuyến.

Chào tuần mới: Giữa dịch, nghĩ tới ngày tựu trường

Chào tuần mới: Giữa dịch, nghĩ tới ngày tựu trường

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022; theo đó, cho phép học sinh lớp 1 tựu trường từ 23/8, học sinh các lớp học khác từ 1/9, khai giảng vào 5/9, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022…

Để chuẩn bị cho các em học sinh quay trở lại trường, rất cần phải đề ra những tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 ở môi trường học đường. Vì vậy, vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa xây dựng bộ 15 tiêu chí như thế để có thể triển khai khi điều kiện thực tiễn cho phép.

Bắt đầu từ năm ngoái, khi Bộ GD&ĐT áp dụng rộng rãi việc dạy và học online, chúng ta đã được nghe - xem - đọc quá nhiều những câu chuyện đủ cả vui lẫn buồn, thậm chí “cười ra nước mắt”. Cho dù đó là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0, nhưng rõ ràng, việc thầy và trò cùng nhau tương tác thông qua cái màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh thì vẫn không thể bằng được việc đến trường. Nhất là đối với bậc tiểu học, không chỉ có giáo viên vất vả mà ngay cả phụ huynh cùng các em học sinh cũng mệt mỏi, căng thẳng.

Chú thích ảnh
Học sinh học trực tuyến. Nguồn: TTXVN

Cho phép học sinh quay trở lại trường học trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay vẫn còn là nỗi lo của ngành giáo dục và nhiều phụ huynh học sinh, và nỗi lo ấy là chính đáng. Bởi vì cho đến lúc này, mặc dù Hà Nội đã tiến hành tiêm vaccine cho 96,1% giáo viên, nhưng các em học sinh thì vẫn chưa được tiêm, cho nên cần phải có những tiêu chí cụ thể, chi tiết về phòng chống dịch trong học đường, để đảm bảo an toàn cho các em và tạo sự an tâm trong cộng đồng.

Dự thảo bộ 15 tiêu chí của Sở GD&ĐT Hà Nội được chia làm 3 giai đoạn: Trước khi đến trường, khi đến trường và sau khi tan học. Những tiêu chí đề ra rất cụ thể, chẳng hạn: “100% học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường” (Tiêu chí 4); “Đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường theo quy định của Chính phủ” (Tiêu chí 10)...

Rõ ràng, để mở cửa trở lại, các trường học phải chuẩn bị cực kỳ bài bản và chuyên nghiệp. Ở đây, tôi chỉ bàn thêm về tiêu chí 1, 12. Với nhiều trường học, vấn đề rất quan trọng là phải đảm bảo trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học (Tiêu chí 1), trong đó có nhu cầu rất cơ bản và thiết yếu là nguồn nước sạch và xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho các em rửa tay. Tiêu chí 12 còn lưu ý rõ là phải bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng phòng dịch khác cho buổi học tiếp theo. Việc làm này, theo tôi, không chỉ cần thiết khi có dịch bệnh mà ngay cả trong điều kiện “bình thường mới” cũng rất cần phải duy trì. Bởi nó rèn luyện cho các em thói quen rửa tay trước khi ăn, trước giờ học, sau khi đi vệ sinh…

Bên cạnh 15 tiêu chí này, cá nhân tôi cho rằng, các trường học cũng nên tham khảo thêm các phương án “sống chung với dịch bệnh” từ các quốc gia khác. Ví dụ như ở Anh, học sinh được phân luồng đến trường một hướng, ra về hướng khác nhằm tránh tiếp xúc với nhau. Giờ đến lớp, giờ ăn, giờ thể dục cũng như giờ tan lớp đều riêng biệt, hạn chế tối đa các lớp tiếp xúc với nhau. Cùng với đó, các trường học cũng phải xây dựng các phương án khi phát hiện có các ca nhiễm Covid-19 trong lớp, làm cách nào để hạn chế nhanh nhất sự lây lan, tránh tạo ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho các em học sinh.

Ngoài ra, để giúp cho các em học sinh tự nâng cao ý thức cá nhân trong phòng chống dịch bệnh, các thầy cô cũng nên đưa những nội dung này vào các tiết học về kỹ năng sống, lồng ghép vào các phong trào thi đua của lớp. Qua đó, các em sẽ biết cách tự kiểm tra, nhắc nhở, phê bình những bạn vi phạm trong các buổi sinh hoạt chung. Xây dựng được ý thức tự giác và đề cao được tinh thần “tự quản” của các em học sinh thì chắc chắn các “quy trình” chống dịch nơi học đường sẽ rất sớm đi vào nề nếp.

Cần những ngôi trường an toàn như thế!

Quốc Thắng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN