TTVH Online

Hà Nội đặt mục tiêu xóa sổ chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm

23/09/2021 14:05 GMT+7

Sáng 23/9, tại Kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã Quyết nghị thông qua chủ trương ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội".

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 23/9, tại Kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã Quyết nghị thông qua chủ trương ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội" do UBND thành phố Hà Nội trình tại Tờ trình số 192/TTr - UBND ngày 8/9/2021.

Hà Nội: Chủ đầu tư chậm đề xuất ý tưởng cải tạo chung cư cũ sẽ bị dừng thực hiện

Hà Nội: Chủ đầu tư chậm đề xuất ý tưởng cải tạo chung cư cũ sẽ bị dừng thực hiện

Trong nhiều năm qua, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đã được các cấp, ngành của Hà Nội tích cực chỉ đạo, song số lượng được xây dựng lại chỉ đạt khoảng 1%. Nhiều dự án đã quyết định đầu tư nhưng triển khai rất chậm trễ.

Với việc thông qua này, hy vọng trong tương lai, chung cư cũ, nguy hiểm của Hà Nội sẽ "xóa sổ", giúp bộ mặt đô thị và đời sống của người dân được cải thiện.

Nhiệm vụ cấp bách

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 hiện đang tiếp tục rà soát, dự kiến bổ sung thêm khoảng từ 200- 300 nhà. Đáng chú ý, qua kiểm định 401 chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm, có 148 chung cư cấp độ B; 245 chung cư cấp độ C. Đáng nói, có 8 nhà chung cư cấp độ D nhưng đến nay chỉ có 2 nhà được hoàn thành cải tạo, xây dựng lại là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ.

Thực tế khảo sát cho thấy, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Việc sửa chữa cơi nới dẫn đến biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Hạ tầng của nhiều khu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua, việc sử dụng chung công trình phụ trợ không đủ điều kiện tại nhà chung cư cũ là nguyên nhân dẫn tới việc lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Khu tập thể Học viện Quân y 103, quận Hà Đông được xây dựng từ những năm 1960. Ảnh: Phan Tuấn Anh

Mặc dù xác định công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ lớn, cấp thiết, khó khăn, phức tạp nhưng UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, sau nhiều năm triển khai kết quả thực hiện còn rất hạn chế do những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đến nay, Hà Nội mới có 19 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ và 14 dự án đang triển khai.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ này UBND thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội", tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, góp ý, kiến nghị nhiều nội dung, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai  thực hiện. Đến nay, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực để triển khai cải tạo, xây dựng lại hệ thống chung cư cũ.

Đề cập đến quan điểm, mục tiêu của việc xây dựng đề án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân; trong đó vai trò của Nhà nước là chủ đạo.

Vì vậy, cần thiết phải có phương pháp, giải pháp hiệu quả, cả hệ thống chính trị vào cuộc và tăng cường sự thống nhất ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội cùng phối hợp quyết liệt triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần vào công cuộc cải tạo, tái thiết đô thị nhằm làm thay đổi cơ bản chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống người dân cũng như giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới phát triển đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững.

Xây dựng kịch bản cải tạo, xây mới lại chung cư cũ

Để cải tạo, xây mới khối lượng chung cư cũ "khủng" như vừa nêu, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng một kịch bản khá chi tiết về thời gian thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, thành phố sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng để kiểm định chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và cận D). Đồng thời, ban hành Kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ đối với 76 khu chung cư cũ chia làm 4 đợt; bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch với tiến độ hoàn thành chậm nhất quý IV/2023.

Chú thích ảnh
Dãy tường nhà Khu tập thể B1, ngõ Văn Chương, quận Đống Đa đang trong tình trạng mục nát. Ảnh: Phan Tuấn Anh

Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2021. Theo đó, có 3 nhóm cần thực hiện đồng bộ, toàn diện, gồm: nhóm các dự án đang triển khai; nhóm dự kiến khởi công xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025; nhóm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố sẽ ưu tiên lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân,... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp; đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai…

Theo đó, việc kiểm định và lập quy hoạch chi tiết đợt 1 dự kiến xong trong quý II hoặc III/2022 thì tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong quý IV/2022, dự kiến khởi công trong quý I và quý II/2023, thời hạn hoàn thành khoảng từ 2- 3 năm. Với các chung cư cũ còn lại (đợt 2, 3 và 4) triển khai thực hiện theo kế hoạch trong những năm tiếp theo. Các dự án nằm trong danh mục 14 dự án đang triển khai, đủ điều kiện tiếp tục thì đẩy nhanh tiến độ để khởi công trong thời gian sớm nhất (trong năm 2021 và 2022).

UBND thành phố cũng đề cập đến 3 hình thức lựa chọn chủ đầu tư khi triển khai thực hiện đề án gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn, Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tiến độ tổ chức lựa nhà đầu tư sẽ được thực hiện song song khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và nhà đầu tư lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thông qua Hội nghị nhà chung cư hoặc lựa chọn nhà đầu tư với trường hợp thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách theo quy định Nghị định số 69/2021/NĐ-CP…

Với việc xác định rõ 5 quan điểm, mục tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công tổ chức thực hiện cụ thể; trong đó, nhiều giải pháp mới đột phá phù hợp thực tiễn, tính khả thi cao, thể hiện rõ vai trò nhà nước trong công tác này, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cơ bản đồng tình, thống nhất với nội dung của đề án trình bày tại kỳ họp lần này..

Tuy nhiên, do số lượng nhà chung cư cần cải tạo lớn, công việc liên quan đến nhiều cấp ngành nên UBND thành phố cần phân loại nhiệm vụ và tăng cường phân cấp, ủy quyền mạnh cho các quận, huyện tổ chức thực hiện đảm bảo khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu quy định rõ các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư; nguyên tắc xác định hệ số K để đảm bảo quyền lợi của người dân; cơ chế hỗ trợ đối với các dự án không bảo đảm hiệu quả tài chính.

UBND thành phố tiếp tục rà soát, đề xuất HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Trước mắt, giai đoạn 2021-2025 ưu tiên tập trung cải tạo, xây dựng lại các khu nhà nguy hiểm cấp D, các khu chung cư cũ có tính khả thi cao, gắn với việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Chương trình số 3 của Thành ủy. Quá trình tổ chức thực hiện cần đánh giá hiệu quả các mô hình đã được xác định, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án được phê duyệt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, bên cạnh việc tập trung vào các giải pháp, kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi của đề án, UBND thành phố cần quan tâm nghiên cứu giải quyết tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, các chính sách về giải phóng mặt bằng.

"Các cấp, các ngành cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm tình hình tư tưởng, dư luận của các tầng lớp nhân dân, định hướng, trao đổi, vận động và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của người dân để tạo sự đồng thuận trong triển khai các dự án", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Minh Nghĩa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN