TTVH Online

Xử lý nghiêm các trường hợp nhờ 'đi chợ hộ' nhưng không nhận hàng

08/09/2021 21:57 GMT+7

Chiều 8/9, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Công an Thành phố cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi có dấu hiệu gây rối khi hủy đơn hàng đi chợ hộ, gây khó khăn cho lực lượng phòng, chống dịch.

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 8/9, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Công an Thành phố cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi có dấu hiệu gây rối khi hủy đơn hàng đi chợ hộ, gây khó khăn cho lực lượng phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi hủy đơn hàng 'đi chợ hộ'

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi hủy đơn hàng 'đi chợ hộ'

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6187/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng "đi chợ hộ". 

* Rà soát hơn 200 trường hợp đặt mua nhưng không nhận hàng

Thông tin kết quả xác minh ban đầu trước những thông tin báo chí phản ánh về hành vi hủy đơn hàng đi chợ hộ, gây khó khăn cho lực lượng phòng, chống dịch, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công an Thành phố đã rà soát các công ty vận chuyển thì không phát hiện có tình trạng “bom hàng”. Tuy vậy, khi tiến hành kiểm tra, xác minh tại các quận, huyện, lực lượng công an đã phát hiện có tình trạng đơn hàng không giao nhận được tại thành phố Thủ Đức, Quận 4, Quận 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú.

Trước tình trạng này, Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an địa phương làm việc với hơn 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng và những người quản lý ứng dụng giao hàng, người “đi chợ hộ”, qua đó xác định một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

đi chợ hộ, Thành phố Hồ Chí Minh xử lý nghiêm đi chợ hộ không nhận hàng, đi chợ hộ, nhờ đi chợ hộ nhưng không nhận hàng, xử lý nghiêm nhờ đi chợ hộ nhưng không nhận hàng
Hỗ trợ người dân bằng "đi chợ hộ"

Trong đó, điển hình là các trường hợp người dân không rành công nghệ, thao tác không quen nên đặt trùng đơn, sau đó hủy lệnh nhưng không biết cách hủy trên hệ thống nên đơn hàng vẫn được thực hiện; dữ liệu khi đặt hàng chưa chính xác nên bộ phận giao hàng không tìm được địa chỉ để giao hàng; người dân đã hủy đơn nhưng hệ thống chưa cập nhật dẫn đến vẫn giao hàng và bị từ chối; đơn đặt hàng quá lâu chưa nhận được hàng nên người dân đã chọn kênh cung cấp khác để mua; hoặc người dân đi cách ly y tế nên không nhận được hàng…

Đại diện Công an Thành phố cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương điều tra làm rõ các trường hợp liên quan; đặc biệt tập trung xác minh một số trường hợp nghi vấn quấy rối để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, từ ngày 23/8, Thành phố áp dụng giải pháp lực lượng chức năng "đi chợ hộ" thay người dân để phòng ngừa dịch lây lan. Theo thông tin của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu đăng ký đi chợ hộ đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Trong ngày 7/9, tổng số nhu cầu đăng ký đi chợ hộ trên toàn địa bàn là 82.536 hộ, giảm 124 hộ (giảm 0,2%) so với ngày trước đó. Trong đó, 10/22 địa bàn có nhu cầu đăng ký giảm, do người dân còn nhiều giải pháp đi chợ thay thế; đồng thời kỳ vọng vào chính sách mở cửa có lộ trình của chính quyền thành phố, trong đó có việc cho phép đi chợ có kiểm soát. 

Liên quan đến việc kiểm soát đối tượng lưu thông trên đường bằng mã QR, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, hiện đã có 78 điểm đã hoàn thiện việc lắp đặt camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 sau một ngày triển khai quy mô toàn Thành phố.

Việc lắp đặt các mắt camera đọc mã thay thế cho việc sử dụng điện thoại cá nhân của cán bộ, chiến sĩ được thực hiện một cách nhanh chóng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển qua các chốt và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các lực lượng tham gia công tác tại các chốt kiểm soát. 

Tuy nhiên, qua theo dõi, phản ánh, việc triển khai lắp đặt này cũng gây một số bất cập như ùn ứ giao thông tại các chốt; đầu đọc mã QR xử lý chậm... Để hạn chế tình trạng này, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an Thành phố sẽ tăng cường thêm thiết bị đọc mã QR với khoảng 2-3 đầu đọc tại các chốt kiểm soát có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông; đồng thời hướng dẫn lực lượng công an phân luồng giao thông đối với ô tô, xe máy; nâng cấp thiết bị sóng 4G để bộ xử lý nhanh hơn, tránh tình trạng ùn tắc tại các chốt...

* 0,1% người mắc COVID-19 tử vong là trẻ em

Tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 14.800 trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em có độ tuổi từ 16 tuổi trở xuống. Trong đó, có 13 trường hợp tử vong, chiếm 0,1% trong tổng số các ca tử vong, chủ yếu là các bé có bệnh lý nền kèm theo.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, hiện ngành Y tế Thành phố đang điều trị cho hơn 2.800 trẻ em mắc COVID-19 và đã có 12.000 trường hợp được điều trị khỏi bệnh, chiếm 87% trong tổng số F0 . Ở đối tượng trẻ em mắc COVID-19, tình trạng chuyển nặng xảy ra ít hơn ở người lớn, do sức đề kháng tốt hơn. Tuy nhiên, việc điều trị cũng có những khó khăn nhất định như trẻ em phải có người lớn chăm sóc đi theo, trong đó có cả những người lớn mắc COVID-19 và có bệnh lý nền. Việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng khó khăn hơn, vì nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ trong suốt thời gian làm việc.

Theo các bác sĩ, trẻ em mắc COVID-19 đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng, tuy nhiên đối với các trẻ có yếu tố nguy cơ cao như thừa cân béo phì hoặc bệnh lý nền nặng thì thường diễn tiến nhanh với suy hô hấp do tổn thương phổi nặng. Việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, hụt hơi, thở nhanh, tụt SpO2… đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ hô hấp kịp thời. Bên cạnh đó, điều trị nhanh chóng bằng kháng viêm, kháng đông, kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế sẽ góp phần nhanh chóng giảm tổn thương các cơ quan, giảm chuyển độ nặng và tử vong ở trẻ.

Tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, thời gian qua, Thành phố đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và B và đã chuyển về cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Hiện đã có hơn 83.000 F0 được nhận các túi thuốc này.

Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế phân bổ 50.000 túi thuốc C (có thuốc kháng virus SARS-CoV-2), đã chuyển cho các địa phương 16.000 túi và hiện có khoảng 7.900 F0 nhận được túi thuốc C. Để chủ động dự phòng trong trường hợp dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu cho UBND Thành phố để mua thêm 200.000 túi thuốc A và B, trong đó chia làm hai đợt, đợt 1 mua 100.000 túi, còn lại tùy theo tình hình dịch bệnh sẽ mua tiếp.

Liên quan đến chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có các bệnh lý nền, đại diện Sở Y tế Thành phố cho biết, do COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A nên chi phí sẽ được Nhà nước chi trả, bao gồm khám chữa bệnh, tiền thuốc, tiền giường… Khi bệnh nhân mắc COVID-19 kèm bệnh lý nền, việc chi trả điều trị bệnh lý nền là của bảo hiểm y tế (trong trường hợp bệnh nhân có tham gia bảo hiểm y tế, điều trị đúng tuyến).

Về tình hình cung cấp oxy cho bệnh nhân COVID-19, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện đã đảm bảo oxy cho khoảng 11.500 giường bệnh trên tổng số 15.000 giường theo yêu cầu của Sở Y tế. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Y tế bảo đảm 3.500 giường bệnh có trang bị oxy. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng lắp đặt 114 thùng oxy lỏng, cung cấp 9.500 chai oxy cho các cơ sở điều trị.

Tính đến sáng 8/9, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 266.365 trường hợp mắc COVID-19. Đã có 137.208 trường hợp được điều trị khỏi xuất viện và 11.206 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Hiện 40.762 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 2.878 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.697 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.

H.Chung/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN