TTVH Online

Taliban thành lập chính phủ ở Afghanistan: Điều hành đất nước khác đánh nhau

08/09/2021 19:33 GMT+7

Lực lượng Taliban hiện đang nắm quyền kiểm soát đất nước Afghanistan đã công bố cơ cấu của chính phủ mới ở Afghanistan. Tuy nhiên, việc lực lượng này tiếp quản quyền lực cũng sẽ đi kèm với những thách thức to lớn.

(Thethaovanhoa.vn) - Lực lượng Taliban hiện đang nắm quyền kiểm soát đất nước Afghanistan đã công bố cơ cấu của chính phủ mới ở Afghanistan. Tuy nhiên, việc lực lượng này tiếp quản quyền lực cũng sẽ đi kèm với những thách thức to lớn.

Taliban bổ nhiệm quyền 'Bộ trưởng Quốc phòng'

Taliban bổ nhiệm quyền 'Bộ trưởng Quốc phòng'

Hãng tin Al Jazeera đặt trụ sở tại Qatar ngày 24/8 dẫn một nguồn tin từ phong trào Taliban cho biết lực lượng Hồi giáo này tại Afghanistan đã bổ nhiệm giáo sĩ Hồi giáo Abdul Qayyum Zakir làm quyền "Bộ trưởng Quốc phòng".

Taliban tuyên bố thành lập chính phủ mới   

24 ngày sau khi chiếm được thủ đô Kabul và một ngày sau khi lực lượng này thu phục toàn bộ tỉnh Panjshir - thành lũy cuối cùng của lực lượng phản kháng tại Afghanistan, chiều tối 7/9, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid đã công bố thành phần nội các trong chính phủ Afghanistan.   

Chú thích ảnh
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid công bố các thành viên trong Chính phủ mới ở Afghanistan, tại Kabul ngày 7/9/2021. Ảnh: TTXVN

Phát biểu với báo giới, ông Mujahid cho biết ông Hassan Akhund được bổ nhiệm là thủ tướng trong chính phủ mới, ông Mujahid Abdul Ghani Baradar là phó thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ là ông Sarajuddin Haqqani, Bộ trưởng Quốc phòng là ông Mullah Yaqoob, trong khi Ngoại trưởng là ông Amir Khan Muttaqi và Thứ trưởng Ngoại giao là ông Abas Stanikzai.   

Trong danh sách chính phủ mới của Afghanistan, Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani là con trai của người sáng lập mạng lưới Haqqani, vốn bị Washington liệt vào danh sách các phần tử khủng bố và là một trong những nhân vật bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã gắt gao nhất. Như vậy, trái với các tuyên bố ban đầu về việc xây dựng một chính phủ rộng rãi, đa thành phần, nội các mới của Afghanistan không xuất hiện bất cứ nhân tố ngoài Taliban nào. Đây là một chỉ dấu cho thấy lực lượng Hồi giáo vũ trang này không chấp nhận các áp lực trong nước và quốc tế đòi phải thành lập một chế độ đa thành phần và bao trùm.   

Chính phủ mới do Taliban điều hành tại Afghanistan cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ để thiết lập trật tự và quản trị đất nước bao gồm khả năng sụp đổ nền kinh tế khi các quốc gia và tổ chức nước ngoài cắt viện trợ, cũng như sự giám sát và áp lực từ cộng đồng quốc tế.

Chú thích ảnh
Các lãnh đạo của Taliban (ảnh) đã hoàn tất thảo luận về việc thành lập Chính phủ mới. Ảnh: TTXVN

Xây dựng lòng tin và quản trị đất nước   

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Taliban là xây dựng lòng tin từ người dân Afghanistan. Trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1996-2001, Taliban điều hành đất nước với sự hà khắc của luật Hồi giáo, cấm phụ nữ tiếp cận với giáo dục, mạnh tay với các lực lượng đối thủ chính trị và những nhóm người, tôn giáo thiểu số.

Dù sau khi kiểm soát Kabul, "phiên bản" Taliban 2021 đã thay đổi với những hình ảnh và tuyên bố có vẻ thân thiện hơn những năm 1996-2001 khi cam kết sẽ thiết lập thể chế mềm mỏng hơn, đảm bảo quyền của phụ nữ, song những thách thức và lo lắng về tương lai bất định với người dân Afghanistan vẫn còn phía trước. Tâm lý e dè của người dân, đặc biệt là phụ nữ được cho là vẫn còn hiện hữu và nhiều người cho rằng còn phải chờ xem những hành động cụ thể từ phía chính phủ mới do Taliban điều hành. 

Chú thích ảnh
Người dân mất nhà cửa do chiến tranh dựng lều tạm tại một công viên ở thủ đô Kabul. Ảnh: TTXVN

Tiếp đó là việc chính quyền mới được hưởng lợi từ việc đất nước Afghanistan không bị tàn phá nhiều trong cuộc xung đột giữa Taliban và chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani, tuy nhiên việc quản trị đất nước đòi hỏi Taliban nhiều kỹ năng hơn là việc vận dụng các chiến thuật chính trị và quân sự từ trong các thung lũng và vùng núi. Từ góc độ thể chế, chính quyền mới có thể gặp nhiều khó khăn khi Taliban không có kinh nghiệm quản trị đất nước. Họ chủ yếu thiên về các hoạt động tôn giáo và chiến đấu chống quân chính phủ trước đây hơn là điều hành kinh tế.   

Mối đe dọa tấn công khủng bố cũng là điều khiến Taliban phải dè chừng, đặc biệt là từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhánh của IS tại Afghanistan là ISIS-K gần đây thực hiện cuộc đánh bom tự sát bên ngoài sân bay ở Kabul làm hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có hàng chục thành viên Taliban.

Trong tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom ở Kabul, ISIS-K gọi Taliban là những “kẻ bội giáo” và chỉ trích Taliban vì hợp tác với Mỹ để sơ tán người nước ngoài, thông dịch viên và gián điệp làm việc cho quân đội Mỹ nhiều năm qua. Taliban giờ đây phải bảo vệ người dân Afghanistan khỏi những cuộc tấn công mà các tay súng của lực lượng IS đã thực hiện trong những năm qua. Bên cạnh đó, Taliban cũng phải giữ cam kết với quốc tế về việc không để các tổ chức như IS, al-Qaeda dùng lãnh thổ Afghanistan để tấn công các nước.

Chú thích ảnh
Lực lượng đặc nhiệm Taliban tiếp quản sân bay quốc tế Kabul sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân và sơ tán công dân tại đây, ngày 31/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Khủng hoảng kinh tế, nhân đạo, nhân lực và sắc tộc   

Thách thức kế tiếp mà chính phủ mới do Taliban thành lập cần giải quyết ngay là cuộc khủng hoảng kinh tế, nhân đạo. Afghanistan hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới, phụ thuộc nặng nề vào viện trợ quốc tế vốn chiếm 75% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết nguồn viện trợ đã bị đóng băng từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “đóng băng” các khoản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DAB) được gửi trong các tài khoản ngân hàng tại Mỹ vào ngày 15/8.

Trong khi đó, IMF cũng nêu rõ Afghanistan sẽ không thể tiếp cận các nguồn tiền của quỹ tài chính này. Trong bối cảnh Taliban cần nguồn ngân sách để trả lương cho nhân viên chính quyền, duy trì dịch vụ thiết yếu như điện, nước, liên lạc… đây sẽ là bước cản trở với chính phủ mới.   

Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế, Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa nhân đạo có thể xảy ra tại Afghanistan khi quỹ dự trữ lương thực ở Afghanistan có thể cạn kiệt trong tháng 9 này. Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng đói khi khoảng 1/3 dân số trong tổng số 38 triệu người Afghanistan sẽ không biết liệu họ có được ăn một bữa mỗi ngày hay không. Ông Ramiz Alakbarov, Trưởng đại diện nhân đạo của LHQ tại Afghanistan cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực có thể sắp xảy là một thách thức khác mà lực lượng cầm quyền Taliban phải đối mặt trong bối cảnh nhóm này đang tìm cách khôi phục ổn định sau hàng thập kỷ chiến tranh.   

Bài toán nhân lực có chuyên môn cũng là điều Taliban cần giải quyết. Cùng với cuộc rút quân của phương Tây và sự ra đi của chính quyền cũ, một lực lượng đông đảo nhân tài gồm công chức, quản lý ngân hàng, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư cũng rời khỏi Afghanistan để không phải chịu sự quản lý của Taliban. Một khó khăn nữa là vấn đề xung đột sắc tộc vốn kéo dài hàng thế kỷ ở đất nước đa sắc tộc và đa bộ lạc với nhóm sắc tộc Pashtun đông nhất nhưng chỉ chiếm 42% dân số.  

Sự thừa nhận đối với Taliban và viện trợ quốc tế   

Thách thức đối với Taliban cũng đến từ cộng đồng quốc tế trong việc công nhận chính quyền mới và nối lại viện trợ cho Afghanistan. Sau khi Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan, Taliban tuyên bố lực lượng này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh khả năng Mỹ tham gia công cuộc tái thiết quốc gia Tây Nam Á này.

Taliban cũng tuyên bố muốn thiết lập quan hệ với tất cả các nước trong khu vực cũng như trên thế giới và duy trì đối thoại với tất cả các nước láng giềng. Tuy nhiên, phát biểu sau động thái của Taliban, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, Mỹ sẽ chưa vội công nhận chính phủ do Taliban mới thành lập ở Afghanistan.   

Điện Kremlin cũng khẳng định, Nga chưa đưa ra bất cứ quyết định nào về việc công nhận chính quyền Taliban và sẽ theo dõi "rất chặt chẽ" tình hình ở Afghanistan cũng như "sự tương xứng giữa những phát ngôn và hứa hẹn gần đây với những hành động của phong trào Hồi giáo".

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã phản ứng một cách thận trọng đối với việc Taliban công bố chính phủ mới. Pakistan, Iran, Trung Quốc và Qatar cũng đều đưa ra những tuyên bố thận trọng, chờ xem hành động của Taliban.   

Đối với vấn đề viện trợ quốc tế vốn là điều kiện quan trọng với nền kinh tế Afghanistan, Taliban đứng trước nguy cơ bị cô lập nếu không có những thay đổi so với giai đoạn cầm quyền trước. Kể từ khi kiểm soát Afghanistan để trở lại nắm quyền, Taliban đã cố gắng thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn với thế giới với lời hứa sẽ bảo vệ nhân quyền và không trả đũa những người từng phục vụ Mỹ và chính phủ cũ.

Tuy nhiên, Mỹ, EU và các nước khác đang hoài nghi về những lời hứa này và cho rằng, việc chính thức công nhận chính phủ mới và nối lại viện trợ là tùy thuộc vào hành động của chính phủ mới. Tình hình kinh tế của Afghanistan ra sao trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào hướng quan hệ giữa Taliban và các nước.

Việc tăng tương tác với các nước láng giềng như Pakistan và Iran, thậm chí với Mỹ và châu Âu, có thể giúp mở đường cho thương mại trên bộ xuyên biên giới và nối lại viện trợ quốc tế song  tờ FT nhận định “Afghanistan một lần nữa phải đối mặt với tương lai phía trước vẫn chưa rõ ràng”.

Thanh Lâm/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN