TTVH Online

Ca khúc 'I Can’t Make You Love Me': Em không thể khiến anh yêu em...

29/08/2021 18:54 GMT+7

Trước khi hát "I Can’t Make You Love Me" trên MTV Unplugged, George Michael có một lời giới thiệu gắn gọn: “Tôi sẽ hát 1 trong những ca khúc yêu thích nhất mọi thời đại của tôi. Nó được ghi âm bởi Bonnie Raitt diệu kỳ. Và được viết bởi… ồ, thật ra, tôi không biết ai viết”.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi hát I Can’t Make You Love Me trên MTV Unplugged, George Michael có một lời giới thiệu gắn gọn: “Tôi sẽ hát 1 trong những ca khúc yêu thích nhất mọi thời đại của tôi. Nó được ghi âm bởi Bonnie Raitt diệu kỳ. Và được viết bởi… ồ, thật ra, tôi không biết ai viết”.

Ca khúc 'Redemption Song' của Bob Marley: Giải phóng những gông cùm tinh thần

Ca khúc 'Redemption Song' của Bob Marley: Giải phóng những gông cùm tinh thần

Trong những ngày tự biết là cuối đời mình, dù mới ngoài 30, nhưng với cả một đời lăn lộn, dưới bùn rác và trên vinh quang, Bob Marley đã làm được điều mà Lev Tolstoy từng làm ở tuổi 80: Tìm kiếm sự giải phóng trong tinh thần.

Vợ Mike Reid - tác giả - đã nổi xung lên muốn đòi công bằng cho chồng nhưng Reid chỉ cười: “Không, không, không”.

1. “Biết rằng ca khúc sống trong thế giới thì mọi người không biết ai viết cũng ổn thôi” - Reid nhớ lại. Ông, cũng như tất cả những người liên quan, đã sớm biết rằng I Can’t Make You Love Me sẽ có sức sống bền lâu hơn tất cả họ.

Năm Bonnie Raitt bước sang tuổi 40, bà là một siêu sao nhạc pop. Trải qua nhiều thăng trầm về sự nghiệp và đời tư, giờ nhìn lại, Raitt có một cuộc đời viên mãn khi luôn biết cách vượt qua tất cả.

Khi bắt đầu biểu diễn và phát hành nhạc vào đầu thập niên 1970, Raitt được giới phê bình đặc biệt ca ngợi và có một lực lượng người hâm mộ tận tụy. Tuy nhiên, bà rất ít thành công thương mại nói chung. Thật kỳ lạ khi nghĩ Raitt - huyền thoại của thế hệ Baby Boomer - những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh trên thế giới sau Thế chiến II, từ năm 1946 tới 1964 - lại có thời như vậy. Nhưng đúng là thế, đã có lúc, bà không có ca khúc nào trên đài phát hành pop. Không có ca khúc nào mà trong một ngày lang thang vô định, ta dễ dàng nghe thấy nó vang lên qua khung cửa sổ lạ.

Chú thích ảnh
Bonnie Raitt trên bìa đĩa đơn “I Can’t Make You Love Me”

Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 1989, khi Raitt phát hành album Nick Of Time - một nỗ lực vượt quá sức mình dưới những phòng thu tầng hầm trong khao khát lọt qua cánh cửa hẹp của thị trường khắc nghiệt. Album bán chạy hơn mong đợi, giành giải Album của năm tại Grammy 1990. Album Lucky Of The Draw (1991) lại thành công hơn thế. Một phần là nhờ đĩa đơn Something To Talk About - tác phẩm của Raitt mà ta thật sự có thể nghe ở mọi nơi khi đó.

Nhưng trong album còn có một ca khúc đặc biệt hơn. Nó không được mong chờ sẽ thành hit trên đài phát thanh nhưng cuối cùng, nó lại vượt xa sự hiện diện liên tục và lâu dài trên các đài, vượt xa chính album Luck Of The Draw, vượt cả Raitt; và rồi, vượt cả bối cảnh và thời đại. Có thể ném nó vào bất cứ nhạc cụ nào, dòng nhạc nào, người nghe ở độ tuổi và sở thích nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hơn cả sự phổ biến, nó là một tiêu chuẩn, tồn tại trong tiềm thức đại chúng, phân tán trong những ngã rẽ vô tận của âm nhạc ngay cả khi cái tên Raitt đã trôi vào quên lãng. Đó là lý do tại sao một giai điệu nhẹ nhàng, về một chuyện tình ngang trái như bao chuyện tình ngang trái, lại nằm trong Top 10 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại theo bình chọn của những tên tuổi âm nhạc hàng đầu như Paul McCartney, Brian Wilson, Jerry Leiber và Hal David.

Đó là I Can’t Make You Love Me: Em không thể khiến anh yêu em.

2. I Can’t Make You Love Me là tuyệt phẩm chung của Mike Reid và Allen Shamblin - 2 nhạc sĩ đều tới từ Nashville và viết nhạc cho các nghệ sĩ đồng quê. Trước khi gặp nhau, cả 2 đều đã có những hit dưới tên mình. Sau khi gặp nhau, ngưỡng mộ, họ đã cùng hòa tâm hồn và I Can’t Make You Love Me sinh ra từ đó.

Chú thích ảnh
Từ trái qua phải: Don Was (người sản xuất ca khúc), Allen Shamblin, Bonnie Raitt và Mike Reid

Reid vốn là người không tin vào chuyện những nàng thơ thì thầm ca từ, giai điệu vào tai nhạc sĩ. Đó chỉ là thế giới cổ tích. Thế nhưng, khởi nguồn của I Can’t Make You Love Me khiến Reid có phần lung lay. Bởi nó tới từ một nguồn không ngờ: Tin xả súng trên báo!

Theo bản tin này, một chàng cựu binh vô gia cư đã điên cuồng bắn vào… xe của vợ cũ. Lý do thì có thể mọi người đã lờ mờ đoán ra được. Vì nhiều lầm lỗi, anh chàng bị vợ bỏ dù vẫn yêu nàng tha thiết. Anh chỉ biết chìm trong rượu để quên vợ cũ nhưng quên không nổi, lại gây ra những chuyện dại dột. Khi ra tòa để hoàn tất thủ tục ly dị, 2 người ngồi đó nhìn nhau khóc mà chẳng biết làm sao. Không có gì để nói, anh chàng chỉ có thể cay đắng thốt lên: “Anh không thể khiến cô nàng chết tiệt đó yêu mình nếu cô ta vốn không”. Trong giây phút buông xuôi đó, anh ta không biết mình vừa thay đổi lịch sử âm nhạc!

Cả Reid và Shamblin đều bắt được tín hiệu từ câu nói này. Họ liền viết 2 câu: “Tôi chẳng thể khiến em yêu tôi nếu em vốn không/ Chẳng thể làm trái tim em cảm nếu nó vốn không”. Nhưng tất cả chỉ tạm dừng ở đó. Mãi tới đầu Xuân, một ngày nọ, Reid gọi Shamblin gấp tới nhà mình. Shamblin đi xuống phòng viết dưới tầng hầm nhưng được bạn mời lên lầu. “Tôi muốn chơi cho anh nghe cái này” - Reid hứa hẹn. Ở đó, Shamblin đã qua một cơn ớn lạnh khi giai điệu I Can’t Make You Love Me vang lên. Anh hoàn toàn bị đánh gục!

Thật ra, chính Reid cũng vừa nghĩ ra giai điệu này ngẫu hứng chơi nhạc trên cây dương cầm. Nhưng một khi đã nắm được đầu dây, họ cứ thế cùng nhau đi tới cuối đường. Và khi hoàn thành ca khúc, Shamblin lập tức biết rằng đó là ca khúc hay nhất đời ông và tin Reid cũng cảm thấy vậy. Một khoảnh khắc ma thuật bừng sáng.

Cũng phải mất nhiều tháng để cả 2 “hoàn hồn”, làm bản demo gửi cho Bonnie Raitt - ứng viên sáng nhất của họ. Reid trở nên thân thiết với Raitt khi chơi mở màn một số đêm nhạc của bà cuối thập niên 1970 và đóng góp một vài ca khúc trong Nick Of Time. Về phần Raitt, bà cũng lập tức mê muội khi nghe bản demo. Raitt liền cầm máy gọi cho Reid - khi đó đang làm nhạc dưới tầng hầm. Họ đã nói chuyện rất lâu, về cuộc sống, trước khi Raitt nói: “Anh có phiền không nếu tôi giữ bản thu này?”. Không, tất nhiên là không. Tới giờ, Reid vẫn còn giữ băng thu âm buổi nói chuyện lịch sử này!

Vì cả nhạc sĩ và ca sĩ đều biết đang nắm trong tay điều gì, họ đã tìm tới nhạc công giỏi nhất là Bruce Hornsby để làm một bản thu đơn giản nhất, gần như bản demo nhưng phủ lên một lớp “tâm linh” - như Shamblin sau này nhớ lại. Mọi người đã cùng khóc trong phiên thu âm bởi sững sờ trước vẻ đẹp của I Can’t Make You Love Me. Những người đàn ông bỗng ngượng ngùng khi thấy mình thút thít như trẻ nhỏ. Cả thế giới như biến mất, chỉ còn những sóng nhạc lan mãi. Lan mãi…

“I Can’t Make You Love Me” qua giọng ca diệu kỳ của Bonnie Raitt:

Đa số đàn ông nghe đều khóc…

Không chỉ lọt Top 10 Những ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại do những cây đa cây đề làng nhạc bình chọn, I Can’t Make You Love Me cũng được giới thiệu vào Đại sảnh danh vọng Grammy. Nhưng vượt trên mọi đánh giá mang tính học thuật, tình cảm của các nghệ sĩ và khán giả mới là minh chứng lớn nhất cho sự kỳ diệu của ca khúc.

Từ những tên tuổi lừng lẫy như Aretha Franklin (thần tượng của Raitt), George Michael, Prince và Boyz II Men; tới nhiều nghệ sĩ trẻ như Adele, Katy Perry, Bon Iver, SOAK, Carrie Underwood, Priyanka Chopra và Allen Stone đã hát lại I Can’t Make You Love Me theo những phong cách, tâm trạng khác nhau.

Nhiều năm sau khi ca khúc ra mắt, cả Raitt, Shamblin và Reid đều gặp những người, hay nhận những lá thư mà các bà vợ nói rằng họ chưa từng thấy chồng mình khóc cho tới khi chồng nghe I Can’t Make You Love Me.

Điều gì đã tạo nên sự bất hủ của I Can’t Make You Love Me như vậy? Các nhạc sĩ biết đây là ca khúc vĩ đại ngay khi nó hình thành nhưng cũng không hiểu. Khả dĩ nhất, có lẽ bởi nó chính là hiện thân của tự nhiên: Giản đơn, lãng đãng, trôi theo dòng mà vĩnh cửu khôn kham. Cũng giống như một thực tế rằng: Em không thể khiến anh yêu em nếu anh vốn không.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN