TTVH Online

Chào tuần mới: 5 chữ K cho năm học mới

23/08/2021 07:07 GMT+7

Thế là học sinh trên cả nước đang rục rịch bước vào năm học mới. Cho đến lúc này, hầu hết các tỉnh đã công bố thời gian tựu trường, khai giảng, cho dù lịch này có thể được điều chỉnh theo thực tế tình hình dịch bệnh.

(Thethaovanhoa.vn) - Thế là học sinh trên cả nước đang rục rịch bước vào năm học mới. Cho đến lúc này, hầu hết các tỉnh đã công bố thời gian tựu trường, khai giảng, cho dù lịch này có thể được điều chỉnh theo thực tế tình hình dịch bệnh.

Chào tuần mới: Giữa dịch, nghĩ tới ngày tựu trường

Chào tuần mới: Giữa dịch, nghĩ tới ngày tựu trường

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022; theo đó, cho phép học sinh lớp 1 tựu trường từ 23/8, học sinh các lớp học khác từ 1/9, khai giảng vào 5/9, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022…

Năm học mới, bên cạnh việc phải tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), tôi thấy rằng còn rất nhiều những bài học khác được rút ra từ đại dịch cũng cần thiết cho các em. Tôi gọi đó là 5 chữ K cho năm học mới…

Chữ K đầu tiên tôi muốn nhắc đến đó chính là “Khỏe”. Qua gần 2 năm cả thế giới vật lộn chống chọi với dịch bệnh Covid-19, rõ ràng ai cũng nhận thấy sức khỏe phải là ưu tiên số 1. Không có sức khỏe tốt thì đừng nói phòng, chống dịch tốt. Muốn vậy, ngành giáo dục cần phải tăng cường dạy thể dục, thể thao cho các em.

“Kiến thức” là chữ K thứ 2 mà các em học sinh cần phải hướng tới và đạt được. Cần hiểu là ngoài những kiến thức cơ bản được học chính khóa thì cần phải học thêm những điều hay, lẽ phải ngoài đời. Tôi nhớ có một câu danh ngôn: “Lúc có việc không học hỏi, lúc thi thố mới hối hận”. Kinh nghiệm từ bản thân và cuộc sống đã dạy tôi là đừng bao giờ nghĩ học cái này hay cái kia sẽ không bao giờ dùng đến. Vấn đề là mình chịu khó học được đến đâu? Có dám áp dụng vào cuộc sống hay không? Trong đại dịch Covid-19, những kiến thức phòng chống dịch, cách sinh hoạt trong những ngày giãn cách xã hội sao cho không nhàm chán, tẻ nhạt cũng là những trải nghiệm thiết thực cho tất cả.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Có kiến thức cơ bản tốt rồi, nhưng nhà trường và gia đình cần phải dạy thêm các em chữ K thứ 3 đó là sự “Khoan dung”. Khoan dung, độ lượng là những đức tính tốt đẹp chỉ có được ở những con người có đạo lý, có lòng thương người. Cần cho các em học thêm nhiều bài học hơn nữa về tình thương yêu con người, hiểu biết và chia sẻ với những mảnh đời. Ngay trong đại dịch Covid-19, chúng ta cũng đã được xem - nghe - đọc rất nhiều câu chuyện cảm động về tình người. Đó là những bài học mà môn giáo dục công dân ở trường chưa thể cập nhật.

Có 3 chữ K rồi, nhưng để có thể hòa nhập, sống có ích trong cộng đồng thì các em phải học chữ K thứ 4, đó là “Kết nối”. Trong đại dịch vừa qua, cả thế giới đã nhận ra một điều là muốn chiến thắng virus "vương miện" thì tất cả phải cùng nhau chia sẻ vaccine, kinh nghiệm chống dịch... Ở Thế vận hội Tokyo 2020, người ta còn đưa thêm tinh thần “cùng nhau” vào khẩu hiệu truyền thống với ý nghĩa là những nỗ lực hợp tác thì sẽ mang lại kết quả nhanh và tốt hơn so với làm việc đơn lẻ. Muốn vậy, các em phải rèn luyện cách làm việc nhóm, biết cách sống vì tập thể, chỉ cần một ai đó thiếu ý thức, chủ quan coi thường bệnh dịch là cả cộng đồng phải gánh hậu quả ngay.

Biết “Kết nối” với thế giới 4.0 trong giai đoạn học trực tuyến cũng đưa mình vào xa lộ kiến thức, thông tin vô cùng, vô tận.

Để làm tốt được 4 chữ K trên, các em nhất định phải học và rèn luyện các “Kỹ năng sống” (chữ K thứ 5). Trong đại dịch đang diễn ra, tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng dù vị thành niên hay đã trưởng thành, con người cũng phải có những kỹ năng sinh tồn tối thiểu. Ít nhất là để lỡ không may không có ai bên cạnh, không có ai đi cùng đường, ở cùng nhà thì các em vẫn có thể tự làm được một bữa ăn, giặt được bộ quần áo... hay biết cách xoay xở với những khó khăn trước mặt. Cùng với đó là kỹ năng tự học - đây là thứ thực sự rất quan trọng khi mà giờ đây việc học online đã không còn xa lạ, mạng xã hội có thể kết nối rất nhiều thông tin bổ ích.

Xét đến cùng thì thành quả của giáo dục là sau này, các em đủ kiến thức, bản lĩnh bước vào đời và tự lo được cho bản thân, sống không phụ thuộc. Thế nên cần “Khỏe - Kiến thức - Khoan dung - Kết nối - Kỹ năng sống”.

Quốc Thắng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN