TTVH Online

Dịch Covid-19 thế giới ngày 7/8: Châu Á vẫn là điểm nóng dịch bệnh

07/08/2021 22:15 GMT+7

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 7/8, thế giới đã ghi nhận 202.616.123 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 256.333 ca trong 24 giờ qua.

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 7/8, thế giới đã ghi nhận 202.616.123 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 256.333 ca trong 24 giờ qua. Số người khỏi bệnh là 182.106.496 người, trong khi 95.751 đang trong tình trạng nguy kịch. 4.294.265 ca tử vong.

Jimin BTS chia sẻ với fan động lực để vượt khó khăn do dịch Covid-19

Jimin BTS chia sẻ với fan động lực để vượt khó khăn do dịch Covid-19

Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với BuzzFeed News, BTS đã tiết lộ rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhóm như thế nào.

Mỹ chiếm 1/5 số ca nhiễm (36.447.385 ca) và 1/7 số ca tử vong (632.641 ca), là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (31.895.385 ca), nhưng Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (561.807 ca). Trong tốp 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới còn có Nga, Pháp, Anh (đều đã hơn 6 triệu ca nhiễm), Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina (hơn 5 triệu ca), Colombia và Tây Ban Nha (hơn 4,5 triệu ca nhiễm).

Châu Á là khu vực có số ca nhiễm cao nhất, hiện đã lên tới 63.794.749 ca, châu Âu đứng thứ hai với 52.264.374 ca nhiễm. Tiếp theo là Bắc Mỹ với 43.508.754 ca và Nam Mỹ có 35.879.822 ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn, song con số này đang tăng nhanh, hiện đã vượt ngưỡng 7 triệu ca nhiễm trên toàn châu lục.

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 7/8, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 11.021 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ gần 4 tháng qua. Ngoài ra, có thêm 162 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Tổng cộng trên cả nước, Philippines đã có 1.649.341 ca nhiễm và 28.835 ca tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario cho biết dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 354 ca mắc mới, trong đó có 330 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 24 ca cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận mới trong một ngày tại Lào tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh dòng người lao động trở về từ Thái Lan ngày càng gia tăng và có nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nhà chức trách Lào đang khẩn trương mở rộng các cơ sở giám sát y tế đối với người nhập cảnh. 

Trong khi đó, Campuchia ghi nhận 522 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 81.335 người. Ngoài ra, Campuchia cũng có thêm 11 trường hợp tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 1.537 trường hợp. Về phần mình, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 vượt 200 ca/ngày, trong khi vùng tâm dịch thủ đô đang tăng cường các biện pháp đối phó với sự gia tăng của các ca mắc mới. Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này có thêm 212 ca tử vong mới, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này từ trước tới nay lên 6.066 ca. Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 21.838 ca mắc mới, đưa tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 736.522 ca, trong đó có 517.012 ca đã bình phục.

Tại Trung Quốc, ngày 7/8, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) đã tăng cường các biện pháp phòng dịch tại thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Theo quy định mới, những người đang ở các khu vực nguy cơ cao sẽ tạm thời không được về thủ đô hoặc phải có xét nghiệm âm tính với virus. Các biện pháp phòng dịch tại trên các tuyến đường sắt, đường cao tốc và sân bay cũng được tăng cường.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Sapporo, Nhật Bản ngày 3/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Lambda. Bệnh nhân Nhật Bản là nữ, khoảng 30 tuổi, trở về từ Peru ngày 20/7 và nhập cảnh tại sân bay Haneda. Các xét nghiệm của nữ hành khách này ngay tại sân bay đã cho kết quả dương tính với virus. Bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào. Kết quả phân tích của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản sau đó đã xác nhận nữ bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda. Biến thể này được phát hiện đầu tiên tại Peru vào tháng 8/2020 và đang lan rộng ở Nam Mỹ. So với chủng thông thường, biến thể này có thể lây nhiễm mạnh hơn và có khả năng cao kháng vaccine phòng bệnh.

Cùng ngày, Australia cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ đầu năm đến nay. Bang đông dân nhất New South Wales cùng với các bang Victoria và Queensland đã ghi nhận tổng cộng 361 ca nhiễm biến thể Delta. Khoảng 15 triệu người ở ba bang nói trên, tương đương 60% dân số nước này, đang phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. 

Tại châu Âu, nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất là Nga, với 164.094 ca, tiếp đến là Anh (130.178 ca). Italy và Pháp lần lượt là 128.197 ca và 112.158 ca. Số ca tử vong tại các nước còn lại đều chưa đến 100.00 ca. Hiện tại Anh đang phải điều trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất, gồm 1.283.960 người. Con số này ở Tây Ban Nha là 721.582 người. Trong khi đó, số bệnh nhân đang nằm viện ở Nga là 520.952 người, ở Pháp là 403.755 người. Tuy nhiên, số ca nguy kịch ở Nga nhiều nhất (2.300 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha và Pháp (đều hơn 1.400 ca). Ở Anh, số ca nguy kịch hiện là 871 ca, trong khi ở Đức là 393 ca. Dù Nga là nước có số ca tử vong cao nhất, song số ca phục hồi ở nước này cũng cao nhất châu Âu (hơn 5,7 triệu ca). Con số này của Anh và Italy là hơn 4,1 triệu ca.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Moskva, Nga ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Thụy Sĩ, Geneva sẽ là bang đầu tiên của nước này yêu cầu người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội phải có chứng chỉ COVID-19 hợp lệ hoặc thực hiện kiểm tra thường xuyên. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 23/8. Quy định được áp dụng cho nhân viên của các cơ sở y tế nội trú công và tư nhân, viện dưỡng lão cho người già, người tàn tật, các tổ chức trợ giúp tại nhà và các trung tâm chăm sóc ban ngày dành cho người cao tuổi. Giấy chứng nhận sức khỏe chứng minh một người đã tiêm vaccine, phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 hoặc không mắc COVID-19. Nếu không có giấy này, nhân viên sẽ phải được kiểm tra thường xuyên. Thụy Sĩ đang chứng kiến số ca bệnh tăng mạnh, phần lớn là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm chủng, chủ yếu ở nhóm 10-29 tuổi. Samia Hurst, Phó chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Khoa học Quốc gia COVID -19 cảnh báo về một làn sóng dịch bệnh khác ở Thụy Sĩ, thậm chí còn lớn hơn mùa thu năm ngoái.

Tại châu Mỹ, Argentina đã ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm, trong khi Colombia là 4,8 triệu ca. Peru và Mexico đều có hơn 2,1 triệu ca. Nếu không kể Mỹ và Brazil, thì tại châu lục này, Mexico có số ca tử vong cao nhất (243.733 ca), tiếp đến là Peru với 196.818 ca. Số ca tử vong tại Argentina và Colombia đều ở mức hơn 100.000 ca. Mỹ đang có 13.081 ca bệnh nặng, trong khi Brazil là 8.318 ca. Colombia chỉ kém một chút với 8.155 ca. Còn Mexico có 4.798 ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.

Tại châu Phi, Nam Phi có nhiều ca nhiễm nhất, với 2.511.178 ca, chiếm gần 1/3 số ca nhiễm của toàn châu lục. Maroc và Tunisia hiện đều có hơn 600.000 ca nhiễm trong khi con số này của các nước Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya và Kenya là hơn 200.000 ca. Số ca đang trong tình trạng nguy kịch ở Nam Phi là 4.506 ca, trong khi ở Maroc là 1.010 ca.

Giới khoa học đang cảnh báo thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19, khi làn sóng dịch thứ ba đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan và có khả năng kháng vaccine.  Các nhà virus học cho biết virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn. Một nghiên cứu của Viện Khoa học và công nghệ Áo cho thấy ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vaccine có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Nghiên cứu cho biết việc hình thành một biến thể kháng vaccine vào thời điểm đó có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng đó.

Trong khi đó, một nghiên cứu của các chuyên gia tại Australia cho thấy biến thể Delta dường như có thể khiến những người trẻ, khỏe mạnh có nguy cơ bị biến chứng tim mạch và làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này. Các chuyên gia kết luận một trong những tác dụng phụ mà nó gây ra cho người bệnh là chứng viêm cơ tim. Ngoài ra, biến thể Delta cũng có thể gây ra hiện tượng cục máu đông, thường bắt đầu ở chân và sau đó di chuyển lên tim hoặc phổi. Đáng chú ý là người mắc COVID-19 không cần phải bị bệnh nặng hoặc các bệnh lý tiềm tàng về tim mới bị ảnh hưởng và một số bệnh nhân đã tử vong do những tác dụng phụ này. Giám đốc Y tế bang New South Wales, Australia, bà Kerry Chant đã từng khẳng định biến thể Delta là một lời cảnh tỉnh cho những người trẻ tuổi và những người khỏe mạnh vẫn tin rằng chỉ những người lớn tuổi và có bệnh nền mới có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng và phải nhập viện.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN