TTVH Online

Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 200 triệu

04/08/2021 10:36 GMT+7

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 200 triệu trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, gây những đợt bùng phát mới tại nhiều nước và khu vực.

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 200 triệu trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, gây những đợt bùng phát mới tại nhiều nước và khu vực.

Cập nhật dịch Covid-19: Sáng 4/8, ghi nhận 4.271 ca mắc mới

Cập nhật dịch Covid-19: Sáng 4/8, ghi nhận 4.271 ca mắc mới

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 19 giờ ngày 3/8 đến 6 giờ ngày 4/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.271 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 4.267 ca ghi nhận trong nước.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận thêm 610.047 ca mắc và 9.747 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới lên 200.226.256 ca mắc và 4.258.261 ca tử vong. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là gần 180,5 triệu ca.       

Số ca mắc mới tại Mỹ đang gia tăng trở lại, với 104.342 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 513 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ đại dịch COVID-19 lên 36.045.079, tương đương 1/10 dân số, trong đó có 630.492 ca tử vong.

Dịch Covid hôm nay, Số ca nhiễm Covid hôm nay, Covid TP HCM, Covid thế giới, tình hình dịch Covid hôm nay, số ca nhiễm covid 19 hôm nay, Covid mới nhất, covid 19 hôm nay
 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Y tế, số ca mắc mới và nhập viện tại Mỹ chủ yếu là những người chưa tiêm vaccine. Biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh tại Mỹ tạo sức ép lớn hơn đối với các bệnh viện, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho biết trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã tăng hơn 40% so với tuần trước.       

Đứng thứ hai về số ca nhiễm và tử vong theo ngày là Ấn Độ, với 42.566 ca và 561 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 31.767.965, trong đó có 425.789 ca tử vong.       

Xét theo khu vực, hiện châu Á có số ca mắc cao nhất thế giới, với 62.790.779 ca mắc và 909.685 ca tử vong. Tổng số ca mắc trong 24 giờ qua là 269.774 ca nhiễm virus và 4.500 ca tử vong. Indonesia vẫn có số ca mắc ít hơn Ấn Độ ở châu Á, nhưng cao nhất Đông Nam Á, với 33.900 ca nhiễm mới và 1.598 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 3.496.700 và 98.889 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày tại Malaysia vẫn không giảm, với 17.105 ca mắc mới và 195 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.163.291 ca nhiễm virus và 9.598 ca tử vong.       

Dịch Covid hôm nay, Số ca nhiễm Covid hôm nay, Covid TP HCM, Covid thế giới, tình hình dịch Covid hôm nay, số ca nhiễm covid 19 hôm nay, Covid mới nhất, covid 19 hôm nay
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Âu là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó Pháp đang có số ca mắc trong ngày cao nhất với 26.829 ca và 57 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ghi nhận tại nước này lên 6.178.632 ca mắc và 111.993 ca tử vong. Nga đứng thứ hai với 22.010 ca mắc mới và 788 ca tử vong trong ngày.        

Đứng thứ ba về số ca nhiễm là Bắc Mỹ với tổng số ca ghi nhận là 42.952.876, trong đó có 942.948 ca tử vong. Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận 35.672.232 ca nhiễm virus và 1.094.266 ca tử vong, trong đó Brazil vẫn là quốc gia có số ca mắc trong ngày cao nhất 32.572 ca mắc mới và 1.238 ca tử vong.       

Trong bối cảnh số ca mắc mới có nguy cơ tăng trở lại, Anh dự kiến tiêm vaccine cho nhóm đối tượng 16-17 tuổi. Theo đó, khoảng 1,4 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi này trên toàn Vương quốc Anh dự kiến sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi chính phủ nhận được tư vấn từ các nhà khoa học.       

Những người ở độ tuổi 16 và 17 được khuyến khích tiêm vaccine của Pfizer hoặc Moderna, theo hướng dẫn về tiêm chủng dành cho người trẻ tuổi ở Anh.       

Trong khi đó, Đức cũng khuyến cáo biện pháp phòng dịch cho những tháng tới. Theo đó, Bộ Y tế liên bang Đức lên kế hoạch duy trì các quy định về đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tới mùa Xuân năm 2022 nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như giữ không để hệ thống y tế Đức quá tải, nhất là vào mùa Thu và mùa Đông này.       

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phân bổ hơn 29 tỷ USD giúp Mỹ Latinh và Caribe ứng phó đại dịch. Trong thông cáo cùng ngày, WB cho biết đã phân bổ nguồn lực tài chính kỷ lục 29,1 tỷ USD cho khu vực để ngăn chặn những tác động về y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra, cũng như giúp khu vực ứng phó với những thách thức về thiên tai và dòng người di cư.        

WB cho biết đây là sự hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử của thể chế tài chính đa phương này cho một cuộc khủng hoảng y tế, vốn tác động nghiêm trọng đến đời sống và kế sinh nhai của hàng triệu người tại các quốc gia thuộc Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Phương Hoa/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN