TTVH Online

Dòng chảy 'sách đặc biệt': Phải đặc biệt từ nội dung đến hình thức

04/08/2021 16:19 GMT+7

Sự xuất hiện của những bản sách đặc biệt trên thị trường Việt đang liên tục tạo ra những cột mốc về giá bán.

(Thethaovanhoa.vn) - Sự xuất hiện của những bản sách đặc biệt trên thị trường Việt đang liên tục tạo ra những cột mốc về giá bán. Tuy giá sách Việt chưa cao so với quốc tế, nhưng những bản quý hiếm, bản đặc biệt đang thực sự trở thành hàng xa xỉ, khi mà đã có vài trăm đầu sách được giao dịch với mức giá từ 10 triệu đồng/ quyển trở lên và tương lai sẽ còn tăng giá cao.

Dòng chảy 'sách đặc biệt' (kỳ 1): Từ 'cột mốc' Đông A

Dòng chảy 'sách đặc biệt' (kỳ 1): Từ 'cột mốc' Đông A

Có hình thức bắt mắt, được gia công tỉ mỉ và trau chuốt với số lượng hạn chế kèm theo mức giá bán không hề rẻ - đó là đặc điểm dễ nhận thấy ở những bản “sách đặc biệt” đang xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường.

Phiên đấu giá bản chữ A Bố già của Đông A với mức giá bán 260 triệu đồng như đã nêu trong kỳ 1 là ví dụ điển hình. Tương tự, vào năm ngoái, bộ sách Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX phiên bản làm từ giấy trúc chỉ của Thái Hà Books (bao gồm 3 bản lần lượt mang tên Cửa Hiển Nhơn, Hiển Lâm CácNgọ Môn) cũng được đấu giá thành công với số tiền tổng cộng hơn 100 triệu đồng cho 3 cuốn.

Chú thích ảnh
Bản sách đặc biệt “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” của Thái Hà Books làm bằng giấy trúc chỉ

Để có thêm các góc nhìn về vấn đề này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) lấy ý kiến của một số chuyên gia và độc giả có am hiểu sâu sắc về thị trường sách, đặc biệt là sách quý hiếm và sách đặc biệt.

Nhà văn Yên Ba: “Có ích cho văn hóa đọc nói chung”

“Bỏ quá nhiều tiền để mua bản sách đặc biệt có đáng không? Tôi xin lấy ví dụ trước khi trả lời. Trước đây, bình vôi vốn là vật dụng phổ biến của người ăn trầu, nhưng nay thì đã thành vật đặc biệt của giới sưu tập, trưng bày, thậm chí để thờ cúng - gọi là ông bình vôi. Cho nên, đáng hay không đáng là tùy quan điểm, hoàn cảnh và cách tiếp cận mà thôi.

Theo tôi, những cuốn sách quan trọng trong đời người thì ta đã đọc trước 30 tuổi rồi, sau đó chỉ là sách công cụ tra cứu/ làm việc, sách được tặng, sách mua để trang trí nhà cửa, sách sưu tập. Sách trở thành vật trang trí nhà cửa, quán xá là bình thường mà, gìn giữ được lâu thì còn trở thành vật để sưu tập. Giai tầng trung lưu thường có nhiều chi tiêu bên ngoài nhu yếu phẩm thực phẩm như chơi đồng hồ, mắt kiếng, xì gà, rượu…, nay chơi thêm bản sách đặc biệt, cũng là tốt mà.

Tôi cho rằng sách bản đặc biệt có ích cho văn hóa đọc nói chung, vì chính giá bán rất cao sẽ góp phần thay đổi cái nhìn về chuyện đọc sách, chơi sách trong xã hội. Chúng ta khó mà phủ nhận thực tế rằng nếu quyển sách nào giá cao và nổi tiếng thì sẽ được trân quý hơn. Nhưng với sách, dù bản thường hoặc bản đặc biệt thì tính sử dụng của nó cũng khá lâu dài, không như xì gà hoặc rượu dùng một lần sẽ hết. Chưa nói, hiện có rất nhiều người chơi sách ở độ tuổi 8X, 9X, họ bỏ nhiều tiền để trân trọng một quyển sách, tôi tin khả năng họ trở thành người tao nhã sẽ cao hơn là người ác độc”.

Chú thích ảnh
Từ trái qua: Độc giả Phan Nhơn, nhà văn Yên Ba và nhà sưu tập Giang Nghiêm Anh

Nhà sưu tập Giang Nghiêm Anh: “Trông bề ngoài thì khá đẹp, nhưng…”

“Tôi thấy việc chơi bản đặc biệt đang thành trào lưu, bắt đầu rầm rộ, nhưng còn hơi nặng về hình thức, sự trưng bày, khoe nhau là chính. Các nhà sách tạo ra bản đặc biệt và chính họ làm giá cho cuốn sách đó để moi tiền từ người đọc, người chơi sách. Nói chung cái gì không thực chất thì sẽ khó mà lâu dài được, sách bản đặc biệt cũng vậy, cũng có quyển thực chất, nhưng nhiều quyển thì chưa.

Tôi nghe nói có quyển chỉ in 100 bản, nhưng số thực tế thì lại lớn hơn, vậy không còn là đặc biệt nữa. Cái đó là sự gian dối của chính đơn vị làm sách, hoặc của bên nhận thầu làm cuốn sách đó, đã cố tình nhân bản lên để kiếm lợi.

Chú thích ảnh
Bản chữ A cuốn “Bố già” của Đông A trong quá trình gia công, với mức giá sau khi bán lên tới 260 triệu đồng

Những bản đặc biệt trông bề ngoài thì khá đẹp, nhưng về tiện dụng thì có vấn đề: Sách nặng, lại chiếm diện tích tủ sách kinh khủng, với khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam thì có khi vài năm nữa sách sẽ mốc và xuống cấp nhanh chóng. Có khi chỉ 3 - 5 năm nữa thôi lại sẽ có trào lưu… phản đối các bản sách đắt tiền như thế này. Lúc ấy, những người đã mua có thể sẽ chịu thiệt hại nặng về kinh tế, vì đã là chơi sách thì kiểu gì cũng phải có mua bán, trao đổi.

Dù quan sát và nắm thông tin khá tương đối, nhưng tôi thì đứng ngoài việc mua bản đặc biệt mới in, vì thấy chưa cần thiết. Nhưng nếu để biếu ai đó thì có thể xem xét mua. Tôi mong thị trường bản đặc biệt và sách quý hiếm của Việt Nam sẽ đi vào thực chất hơn, để vững bền hơn”.

Độc giả Phan Nhơn: “Phải đặc biệt từ nội dung đến hình thức”

“Xét ở góc độ xã hội, các bản đặc biệt cũng có yếu tố tích cực, làm sôi động thêm thị trường sách vở, giúp giới trẻ yêu quý sách hơn. Tuy nhiên, đừng lạm dụng quá, đừng chỉ vì hình thức mà chọn lọc các sách chưa thật tiêu biểu để làm bản đặc biệt. Phải đặc biệt từ nội dung đến hình thức. Đặc biệt từ việc chọn tác giả, chọn bản dịch, chăm chút nội dung, biên tập, sửa từng lỗi chính tả, sửa bản in chỉn chu, trình bày mỹ thuật… Cũng cần có lời giới thiệu cho hay, chính xác, thỏa mãn độc giả…

Với bản đặc biệt, đương nhiên hình thức là rất quan trọng, vì người đọc/ chơi sách chấp nhận bỏ nhiều tiền để mua, thì phải xứng đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng cũng nên cập nhật những vấn đề đã trở thành xu thế thời đại, ví dụ như hạn chế sử dụng chế phẩm từ động vật. Mà nay thì nhiều bản đặc biệt cổ súy và tán tụng da thuộc, vậy có phù hợp chăng? Nói chung, dù đắt tiền, nhưng ngay khi mới xuất hiện thì cũng đừng quá tận thu mà trở thành quá lý tài.

Cá nhân tôi thích dòng sách đặc biệt của Huệ Quang, trang nhã, giá hợp lý, nội dung đáng đọc, đáng lưu, có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.

(Còn tiếp)

Văn Bảy (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN