TTVH Online

Chữ và nghĩa: Kỷ lục - Vui hay buồn?

04/08/2021 07:14 GMT+7

Thông thường, khi nói đến "kỷ lục" là ta nói đến một sự kiện thể thao nào đó đem lại niềm vui, niềm tự hào, niềm vinh quang chiến thắng.

(Thethaovanhoa.vn) - Thông thường, khi nói đến "kỷ lục" là ta nói đến một sự kiện thể thao nào đó đem lại niềm vui, niềm tự hào, niềm vinh quang chiến thắng.

Chữ và nghĩa: 'Gôn' hay 'gốp'? Có cần 'trả lại tên cho em'?

Chữ và nghĩa: 'Gôn' hay 'gốp'? Có cần 'trả lại tên cho em'?

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như người Việt vẫn dùng từ "gôn" như cách gọi đã có từ bao năm nay. Tuy nhiên, không hiểu sao gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam khi đưa tin về môn thể thao này đều nhất loạt đọc là "gốp".

“Kỷ lục” (record) là một từ Hán Việt, rất quen thuộc trong giao tiếp tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa từ này như sau:

Kỉ lục 紀錄 d. 1. Thành tích được chính thức thừa nhận là cao nhất, trong thi đấu thể thao. (VD: lập kỷ lục mới; phá kỷ lục thế giới về nhảy xa). 2. Mức thành tích cao nhất, từ trước tới nay chưa ai đạt được, làm được (VD: “Bà con xã viên nửa tuần nay lăn vào vụ thu hoạch khẩn trương như chiến đấu. Họ luôn luôn lập thành tích mới, kỷ lục mới” (Đào Vũ).

Chú thích ảnh
Rojas trong cú nhảy lập kỷ lục thế giới trên sân Olympic, Sapporo tối 1/8. Ảnh: AFP

Sau này, kỷ lục không còn là từ "độc quyền" trong thể thao mà còn được sử dụng trong các cuộc thi tài. Chẳng hạn: Nữ sinh Đỗ Hồng Liên đạt kỷ lục về số điểm trong "Đường lên đỉnh Olympia"; Học sinh này đã đạt kỷ lục thi tốt nghiệp phổ thông với 6 điểm tuyệt đối v.v…

Tuy nhiên, gần đây, từ "kỷ lục" được dùng trong những sự kiện chẳng vui chút nào. Những sự kiện buồn.

Đọc trên báo chí, ta có thể nhặt ra không ít ví dụ: Covid-19, các ca tử vong trong ngày cao kỷ lục ở Ấn Độ; Nga lún sâu vào khủng hoảng Covid-19: Số ca tử vong cao kỷ lục; Trước ngày Olympic khai mạc, Tokyo ghi nhận số ca mắc covid-19 kỉ lục v.v…

"Kỷ lục", bất luận trong trường hợp nào, thể thao hay trong một cuộc thi, cuộc tranh tài vươn tới đỉnh cao, đều là một từ gắn liền với "thành tích" (kết quả tốt đẹp do nỗ lực mà đạt được). Ai đó muốn đạt được kỷ lục phải phấn đấu hết mình. Thực tế, kỷ lục chính là sự kết tinh của sức khỏe, trí tuệ và tài năng trong quá trình rèn luyện. Vì vậy, ai tham gia tranh tài cũng muốn nhưng không phải ai cũng vươn tới kỷ lục.

Trong thể thao, có những kỷ lục bền vững tới mức hết năm này qua năm khác, hết giải này qua giải khác, không ai có khả năng "xô đổ". Năm 2008, Usain Bolt (VĐV người Jamaica) đã lập kỷ lục thế giới mới về môn chạy 100m (9,72s) và kỷ lục này 13 năm qua (cho đến trước Olympic Tokyo 2020) vẫn chưa ai phá được. Năm 1991, cũng tại Tokyo (Giải điền kinh thế giới), Mike Powell (VĐV người Mỹ) lập kỷ lục về môn nhảy xa (8,95m) và hiện tại, sau đúng 30 năm, các nhà bình luận thể thao vẫn cho rằng, khó có ai có cơ hội "vượt mặt" Powell.

Cách sử dụng từ "kỷ lục" (với nghĩa tiêu cực) của giới truyền thông đang làm các nhà từ điển tiếng Việt đau đầu. Liệu đây có phải là một nét nghĩa mới đang nảy sinh và rất cần bổ sung vào kho từ vựng tiếng Việt? Điều này còn phải chờ thực tiễn ngôn ngữ trả lời. Bởi không có một nhà từ điển nào lại tùy tiện thêm bớt nét nghĩa của từ chỉ dựa trên căn cứ sử dụng của vài trường hợp "phá rào" của các nhà báo trong một lúc nào đó, bột phát "thăng hoa" về cảm xúc. Cũng bởi một lẽ, không phải mọi sự thăng hoa hồn nhiên như thế đều được ghi nhận như một sự sáng tạo ngôn từ.

Cứ tưởng "kỉ lục" là mừng

Ai dè có được xem chừng nguy tai

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN