TTVH Online

75 năm ngày mất Gertrude Stein: Nhà văn nữ độc đáo nhất thế kỷ

29/07/2021 08:09 GMT+7

Ngày 27/7 của 45 năm trước (1946), Gertrude Stein qua đời ở tuổi 72. Cho đến giờ, bà vẫn được coi là một trong những nhà văn đồng tính độc đáo nhất thế kỷ XX, với lối sống đặc biệt và cả những đóng góp cho sưu tập nghệ thuật.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/7 của 45 năm trước (1946), Gertrude Stein qua đời ở tuổi 72. Cho đến giờ, bà vẫn được coi là một trong những nhà văn đồng tính độc đáo nhất thế kỷ XX, với lối sống đặc biệt và cả những đóng góp cho sưu tập nghệ thuật.

Đấu giá loạt thư “gạ gẫm” trai trẻ của Oscar Wilde

Đấu giá loạt thư “gạ gẫm” trai trẻ của Oscar Wilde

Một bộ sưu tập các bức thư mà Oscar Wilde thất tình đã viết trong thời đỉnh cao danh tiếng và gửi người đàn ông trẻ tên là Alsager Richard Vian lần đầu tiên đã được công bố.

Stein qua đời sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày tại Bệnh viện Hoa Kỳ ở Neuilly-sur-Seine, gần Paris. Bà được chôn cất tại nghĩa trang Pere Lachaise, cùng với những người nổi tiếng khác như Oscar Wilde, Frederic Chopin, Edith Piaf, Amedeo Modigliani và Jim Morrison.

Người bảo trợ nghệ thuật tiên phong

Là con út trong gia đình có 5 người con, Stein sinh ngày 3/2/1874 tại Allegheny, Pennsylvania (Mỹ). Cha mẹ bà là những người Đức nhập cư gốc Do Thái và khá giàu có. Gia đình Stein đã chuyển đến châu Âu một thời gian ngắn khi bà còn ẵm ngửa. Stein đã có những năm đầu đời sống ở Áo và Pháp. Gia đình bà trở lại Mỹ vào năm 1879, ban đầu định cư ở Baltimore và sau đó là Oakland, bang California - nơi Stein đã trải qua tuổi thanh xuân của mình.

Chú thích ảnh
Nữ văn sĩ Stein trong căn hộ của mình ở Paris

Năm 1893, Stein ghi danh vào trường Đại học Radcliffe – ngôi trường nghệ thuật tự do dành cho nữ ở Cambridge, bang Massachusetts. Trường này tương đương với trường Harvard dành cho nam giới lúc bấy giờ. Stein theo học tâm lý học ở đó 4 năm và tốt nghiệp năm 1897. Một trong những giảng viên của bà là William James - nhà tư tưởng nổi tiếng là “cha đẻ của tâm lý học Mỹ” và là anh trai của tiểu thuyết gia Henry James. William đã dẫn dắt Stein khảo sát hiện tượng của dòng ý thức và được coi là góp phần tạo ra cột mốc trong phong cách viết theo chủ nghĩa hiện đại của bà.

Sau đó, Stein đăng ký học tại Trường Đại học Y Johns Hopkins ở Baltimore. Mặc dù ban đầu Stein học rất tốt nhưng sau đó bà đã mất hứng thú và cuối cùng không được tốt nghiệp. Tiếp đó, Stein chuyển đến Paris, nơi anh trai Leo của bà đang sống và sưu tầm nghệ thuật.

Vốn yêu thích nghệ thuật, anh chị em Stein đã sưu tập tranh của các nghệ sĩ nổi tiếng như Cezanne, Renoir, Manet và Gauguin. Họ cũng mua các tác phẩm của những họa sĩ “vô danh” khi đó, bao gồm các bức tranh theo trường phái lập thể thời kỳ đầu của Picasso, Georges Braque và Juan Gris, cũng như các bức tranh theo trường phái biểu hiện của Henri Matisse.

Chú thích ảnh
Bức vẽ chân dung Stein của Pablo Picasso, một thử nghiệm ban đầu theo trường phái lập thể của danh họa Tây Ban Nha

Một bài báo năm 1968 trên tờ The New York Times mô tả căn hộ của anh em Stein trên đường Fleurus ở tả ngạn sông Seine là “bảo tàng nghệ thuật hiện đại đầu tiên”. Stein tổ chức các salon vào tối thứ Bảy hàng tuần. Căn hộ của bà không chỉ thu hút các nghệ sĩ tiên phong châu Âu có tác phẩm treo trong nhà bà từ sàn đến trần nhà, mà còn là nơi gặp gỡ của các nhà văn Mỹ, bao gồm Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald và Ezra Pound.

“Mọi người đều mang theo ai đó và họ đến bất cứ lúc nào nhưng điều đó bắt đầu gây phiền toái. Chính vì thế mà salon các buổi tối thứ Bảy bắt đầu” - Stein viết trong The Autobiography of Alice B. Toklas (Tự truyện của Alice B. Toklas).

Picasso đã vẽ một bức chân dung Stein ngay sau khi họ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1905 để tri ân sự bảo trợ của bà. Được biết, Stein đã ngồi tới 90 lần cho bậc thầy người Tây Ban Nha này trước khi ông hài lòng với cách thể hiện được cá tính - chứ không phải ngoại hình - của nhà văn nữ trên vải. Được hoàn thành vào năm 1906, tác phẩm này hiện là một phần của bộ sưu tập tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Chú thích ảnh
Căn hộ của Stein ở Paris, nơi bà sưu tập tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng

Trở thành siêu sao văn học nhờ hồi ký

Tháng 10/1934, Stein trở về Mỹ sau 30 năm vắng bóng. “Gertrude Stein đã đến” là dòng chữ trên biển hiệu sáng rực lên ở Quảng trường Thời đại của New York nhằm chào mừng Stein và người bạn đời đồng giới của bà - Alice B. Toklas - khi nhà văn nữ trở lại Mỹ xúc tiến tour thuyết trình dài 6 tháng và quảng bá cho cuốn hồi ký ăn khách The Autobiography of Alice B. Toklas.

Trước đó, Stein đã cho ra đời một số cuốn sách, bao gồm Q.E.D. (1903) – một trong những câu chuyện công khai giới tính sớm nhất, trong đó kể về mối tình lãng mạn liên quan đến Stein và những người bạn của bà là Mabel Haynes, Grace Lounsbury và Mary Bookstaver, diễn ra từ năm 1897 đến năm 1901 khi bà đang học tại Johns Hopkins ở Baltimore. Tiếp đó là các cuốn Fernhurst - câu chuyện hư cấu về một mối tình tay ba; Three Lives (1905-1906) và The Making of Americans (1902-1911). Tuy nhiên, phải đến khi tung ra cuốn The Autobiography of Alice B. Toklas thì tên tuổi của bà mới nổi danh trong văn đàn.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn hồi ký ăn khách “The Autobiography of Alice B. Toklas” của Stein

Cuốn hồi ký “dí dỏm, hóm hỉnh và bất cần” viết về cuộc sống của Stein ở Paris dưới góc nhìn của người bạn đời Toklas và biến họ thành cặp đôi đồng tính nữ nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ. Được xuất bản tại New York vào năm 1933, cuốn hồi ký này đã bán hết 9 ngày trước khi xuất bản và được tái bản 4 lần trong 2 năm sau đó.

Tuy nhiên, những quan sát gay gắt của Stein về một số khách salon nổi tiếng của bà ở Paris lại không nhận được sự đồng lòng của họ. Họa sĩ Matisse ngạc nhiên về cách Stein mô tả vợ mình. Hemingway gọi nó là “một cuốn sách đáng thương chết tiệt” sau khi bị nữ văn sĩ miêu tả là “mỏng manh và đố kỵ” trong cuốn sách. Ông đáp lại sự “ưu ái” của Stein trong cuốn hồi ký A Moveable Feast (1964) của mình với việc mô tả văn xuôi của Stein có “sự lặp lại mà một nhà văn tận tâm hơn và ít lười biếng hơn sẽ bỏ vào giỏ rác”.

Chú thích ảnh
Stein và bạn đời đồng giới trong căn hộ ở Paris

Tour thuyết trình của Stein đã nhận được nhiều đánh giá khác nhau. Vào thời điểm đó, một số người khẳng định rằng “khán giả của Stein nói chung không hiểu bài giảng của bà”. Thậm chí một số người đánh giá Stein mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, chứng rối loạn nhịp tim, khiến bà “nói lắp”. Tuy nhiên, cảm giác chung của khán giả vẫn là Stein có một sự hiện diện lôi cuốn, một cá tính hấp dẫn có thể níu chân người nghe bằng “tính âm nhạc trong ngôn ngữ của bà”.

Tại Washington, Stein đã được mời uống trà với phu nhân của Tổng thống - Eleanor Roosevelt. Tại Beverly Hills, California, bà đã đến thăm vua hề Charlie Chaplin, người được cho là đã thảo luận về tương lai của điện ảnh với bà. Stein rời Mỹ vào tháng 5/1935 sau khi ký hợp đồng với Nhà xuất bản Random House để xuất bản cho tất cả các tác phẩm trong tương lai của bà. Tờ Chicago Daily Tribune đã viết sau khi Stein trở lại Paris: “Không có nhà văn nào trong nhiều năm lại được thảo luận rộng rãi, được ủng hộ nhiệt tình đến vậy”.

Lối viết lặp lại trở thành “thương hiệu”

Stein từng tuyên bố: “Không có cái gọi là sự lặp lại - chỉ có sự khăng khăng”. Tuy nhiên, những câu nói nổi tiếng nhất của bà thường có những từ lặp đi lặp lại, chẳng hạn như “there is no there there”. Dòng này xuất hiện trong cuốn hồi ký Everybody's Autobiography (1937) của bà. Một ví dụ nổi tiếng khác về phong cách viết thương hiệu của Stein là “Rose is a rose is a rose is a rose” - trích từ bài thơ Sacred Emily được bà viết vào năm 1913 và xuất bản năm 1922.

Chaplin đã ám chỉ đến cách viết này trong bộ phim Limelight (1952) của mình.

Việt Lâm (tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN