TTVH Online

Xây dựng Hà Nội xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình

19/07/2021 15:10 GMT+7

Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hà Nội.

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; những định hướng lớn phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thành lập ngay các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng hỗ trợ người dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thành lập ngay các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng hỗ trợ người dân

Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với 27 địa phương phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Về phía thành phố Nội có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Báo cáo với Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội đã ghi nhận 681 ca mắc COVID-19, tại 24 quận, huyện của thành phố. Trong đó, từ ngày 5/7 đến nay đã ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện 6 chùm ca bệnh có số ca mắc nhiều.

Dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức cao và khó lường, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn. Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh, trong đó kể từ 0 giờ ngày 19/7, thành phố áp dụng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức cao và linh hoạt theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, 6 tháng đầu năm 2021 trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố vẫn đạt 5,91%, cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm 2020 là 2,92%. Đặc biệt, thành phố vẫn duy trì để không đứt gẫy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Căn cứ tình hình hiện tại và phân tích những thuận lợi, khó khăn trong thời gian tới, thành phố Hà Nội xây dựng 2 kịch bản phát triển kinh tế năm 2021, với mức tăng trưởng là 7,5% và 6,5-7%.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành 9 nội dung về: định hướng phát triển Thủ đô; việc tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu, phân chia ngân sách Trung ương và thành phố Hà Nội, định mức phân bổ chi ngân sách Nhà nước cho thành phố; hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án trọng điểm; đầu tư xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5-vùng Thủ đô, các tuyến đường sắt đô thị; về công tác quy hoạch; việc lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ Loa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của nhân dân, thành phố đang rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban  Bí thư; các giải pháp trong Chỉ thị số 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm kìm chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh; đồng thời thành phố đã xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế và sẽ nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao nhất.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bước đầu, thành phố đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Dương Giang

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành (Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông, Xây dựng) và thành phố Hà Nội đã phát biểu đánh giá sâu sắc tình hình và giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ “pháo đài” của cả nước; giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong tình hình mới; những vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; về những kiến nghị, đề xuất của thành phố...

Đặc biệt, các giải pháp phát triển văn hóa, con người Thủ đô hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước, "Thành phố vì hòa bình".

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, trong 6 tháng vừa qua thành phố Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình, công việc quan trọng: triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tập trung phòng, chống dịch COVID-19...

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thành phố đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu, trong đó dịch COVID-19 đang được kiểm soát; kinh tế tăng trưởng khá; an ninh, quốc phòng được giữ vững; an sinh xã hội được thực hiện tốt, nhất là triển khai có hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ...

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố cần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không để dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn; phát triển văn hóa cần cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến, "Thành phố vì hòa bình”, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của cả nước; chất lượng môi trường, tình trạng ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng chiến lược chậm được khắc phục. Đặc biệt, thành phố chưa có đột phá về phát triển kinh tế, nhất là phát triển theo chiều sâu; chuyển đổi số cần đầu tư, phát triển hiệu quả hơn nữa...

Theo Thủ tướng, những thành quả kể trên của thành phố là nhờ có khối đại đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn dân. Thành phố đã phát huy tối đa truyền thống văn hóa, lịch sử của Thủ đô; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế đơn thuần.

Huy động tối đa nguồn lực vật chất, tinh thần của toàn xã hội. Thực hiện tốt xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đặc biệt hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong phòng, chống dịch COVID-19 không được lơ là, mất cảnh giác, song cũng không mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh, không kiên trì...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình trong thời gian tới có thuận lợi, thời cơ, khó khăn thách thức đan xen, song khó khăn, thách thức nhiều hơn, nên phải có quyết tâm cao hơn, tập trung thực hiện hợp lý, hiệu quả hơn.

Theo đó, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài; dịch bệnh lại nguy hiểm, diễn biến nhanh, tấn công vào các khu đô thị, tập trung đông dân cư, đầu mối giao lưu và các khu công nghiệp. Do đó thành phố cần có cách thức tiếp cận mới, bám sát thực tiễn để tổ chức thực hiện hiệu quả; chuẩn bị kịch bản cao hơn để chủ động phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang

Về phương hướng, nhiệm vụ chung, Thủ tướng chỉ đạo thành phố Hà Nội phải tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, xây dựng các giải pháp sát với thực tế, có tính khả thi, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân; nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên... thông qua hệ thống các Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Trung ương. Phát huy tối đa tinh thần tự lực tự cường; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao các chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển thành phố, nhất là hợp tác công-tư. Coi trọng công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường truyền thông, truyền cảm hứng cho người dân để người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia.

Có giải pháp phát triển văn hóa, con người Thủ đô hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Phát huy tối đa khí thế, những thành tựu mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua và truyền thống lịch sử, văn hóa con người Thủ để tạo ra động lực mới.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với thành phố Hà Nội rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông phát triển. Thực hiện giải pháp huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là mô hình hợp tác công-tư kể cả trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược.

Riêng về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm, hoàn thành dự án sớm nhất có thể.

Về quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng chỉ đạo phải đầu tư cho quy hoạch, phát triển đô thị vệ tinh, gắn với phát triển với kinh tế-văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát huy tiềm năng, thế mạnh và vị trí, vai trò của thành phố.

Thủ tướng cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị chính đáng của thành phố, cũng như những ý kiến góp ý xác đáng của các bộ, ngành tại cuộc làm việc, đồng thời giao các bộ, ngành phối hợp với thành phố Hà Nội giải quyết trên nguyên tắc vấn đề nào thuộc phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành thì bộ, ngành giải quyết, vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Song, hiện nay ưu tiên số một là phòng, chống dịch, lấy bảo vệ sức khỏe của người dân là trước hết, trên hết; tại những nơi an toàn vẫn duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện phương chấm “4 tại chỗ” và “vaccine+5K+công nghệ” trong phòng, chống dịch. Tích cực chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công.

Huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở mà tổ chức cơ sở Đảng là hạt nhân để phòng, chống dịch hiệu quả. Trên tinh thần lấy người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể phòng, chống dịch. Trong sản xuất, tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” hoặc thực hiện “2 điểm đến 1 cung đường” nhằm vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức phòng, chống dịch một cách quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn; có trọng tâm, trọng điểm hơn; thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đặc biệt thực hiện giãn cách xã hội; rà soát, rút kinh nghiệm ngay những hạn chế; thực hiện khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng, kỹ càng; tiêm vaccine an toàn, hiệu quả; xây dựng kịch bản cao hơn để chủ động phòng, chống dịch; bảo vệ bằng được các khu công nghiệp; tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, giảm tối đa ca tử vong; đảm bảo lưu thông hàng hóa; cung ứng hàng hóa, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người dân; giữ vững an ninh, trật tự; chăm lo vật chất, tinh thần của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tại cơ sở; tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo cảm hứng cho người dân yên tâm, chia sẻ, cộng tác trong phòng, chống dịch...

Phạm Tiếp

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN