TTVH Online

VFF, VPF cần lắng nghe ý kiến của các CLB

18/07/2021 12:51 GMT+7

Dù Hội đồng quản trị VPF tán đồng đề xuất lùi V-League 2021 đến tận tháng 2/2022 nhưng kế hoạch này cần được VFF và các CLB ủng hộ.

(Thethaovanhoa.vn) - Dù Hội đồng quản trị VPF tán đồng đề xuất lùi V-League 2021 đến tận tháng 2/2022 nhưng kế hoạch này cần được VFF và các CLB ủng hộ.

Các đội bóng nói gì nếu LS V League 2021 hoãn tới tháng 2/2022?

Các đội bóng nói gì nếu LS V League 2021 hoãn tới tháng 2/2022?

LS V-League 2021 có thể phải chờ đến tháng 2 năm 2022 mới có thể tiếp tục thi đấu. Phương án này liệu có khả thi và phản ứng từ những CLB như thế nào trước đề xuất này từ VPF?

Theo tìm hiểu của giới chuyên môn, đa số các CLB cũng chỉ được nghe tin tức lùi V-League 2021 trên các phương tiện truyền thông.

Việc văn bản lùi giải đấu đến tận tháng 2/2022 được đưa ra có thể cũng là động thái thăm dò ý kiến từ các CLB.

Ở trong cuộc, nhà điều hành giải VPF cũng đã nắm được sự tán đồng của 7 thành viên Hội đồng quản trị về kế hoạch đã nêu.

Nhưng việc lùi giải đấu cần sự thông qua của VFF. Chỉ khi nào đơn vị này đồng ý, đề xuất đó sẽ tới CLB.

Nhưng với những gì đã diễn ra, có thể nhận thấy việc lùi giải đấu đến tận tháng 2/2022 bị nhiều CLB phản ứng quyết liệt.

bóng đá, tin bóng đá, bóng đá Việt Nam, bóng đá hôm nay, đội tuyển Việt Nam, hoãn V-League, HAGL, Nam Định, Hải Phòng, bầu Đức, Kiatisuk
CLB Hải Phòng (đỏ) có thể thiệt hại đến 10 tỷ đồng nếu hoãn V-League 2021 đến tận tháng 2 năm sau. Ảnh: VPF

CLB HAGL đang nắm lợi thế đến chức vô địch phản ứng khá quyết liệt. Trưởng đoàn CLB này là ông Nguyễn Tấn Anh đã nêu ra sự khó khăn về tốn kém ngân sách hoạt động khi mùa giải kéo dài.

HAGL có lý để lo ngại khi họ đang có phong độ cao và hướng tới chiếc Cúp V-League sau 17 năm chờ đợi. Nếu giải hoãn sang năm 2022, đội bóng của bầu Đức đương nhiên rất thiệt thòi.

Những CLB xếp dưới HAGL như Nam Định, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng cũng đã bày tỏ sự lo ngại về mùa giải kéo dài.

Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn cho biết: “Các đội sẽ chịu tổn thất nặng về kinh tế, ít cũng phải 10 tỷ đồng. VPF đang ở thế khó nhưng nếu quyết định như thế rất bất cập”.

Ngay cả SLNA, đội bóng này đang xếp cuối bảng xếp hạng có thể cũng không muốn giải kéo dài như thế. SLNA phải tốn kém một khoản tiền lớn để trả lương cho toàn đội trong một thời gian không thi đấu.

Đội bóng xứ Nghệ cũng chưa chắc xuống hạng với sự đầu tư lớn của nhà tài trợ mới đây.

Người làm chuyên môn cho biết hiện tại các CLB chưa có thông tin chính thức bằng văn bản từ VFF, VPF. Họ cũng chưa họp bàn được cụ thể lúc này vì chưa có gì là khẳng định. Trước mắt, nếu mùa giải hoãn quá dài, CLB sẽ khốn đốn trong việc trả lương cho toàn đội.

Theo hợp đồng đã ký với các thành viên CLB, thông thường họ sẽ nhận lương đến hết mùa giải. Chỉ khi giải đấu bị huỷ, đó cũng là thời điểm kết thúc mùa giải, các cầu thủ hết hợp đồng sẽ nhận giấy thanh lý.

Nếu giải tạm hoãn, vẫn diễn ra thì các CLB phải trả lương cho họ như thường trong thời gian chờ đợi. Các CLB không dễ đàm phán với các cầu thủ khi nguồn thu nhập của họ bị ảnh hưởng trực tiếp vì giải không diễn ra.

 

V.H

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN