TTVH Online

'Thể tháo Đông Dương' toàn cảnh

12/07/2021 08:54 GMT+7

Khác với ngôn ngữ phổ thông dạo ấy, ở Nam Kỳ, gọi “thể tháo” chứ không gọi “thể thao”, tên báo ngày nay đọc thấy kỳ, nhưng dạo ấy, là sự thường. Trước khi "Thể tháo Đông Dương" ra đời, ở Nam Kỳ có "Nam Kỳ thể tháo" của Trần Văn Chim, bút hiệu Vân Phi.

(Thethaovanhoa.vn) - Khác với ngôn ngữ phổ thông dạo ấy, ở Nam Kỳ, gọi “thể tháo” chứ không gọi “thể thao”, tên báo ngày nay đọc thấy kỳ, nhưng dạo ấy, là sự thường. Trước khi Thể tháo Đông Dương ra đời, ở Nam Kỳ có Nam Kỳ thể tháo của Trần Văn Chim, bút hiệu Vân Phi.

Dấu ấn đọng lại của 'Bắc Kỳ thể thao'

Dấu ấn đọng lại của 'Bắc Kỳ thể thao'

Trên "Bắc Kỳ thể thao", hoạt động thể thao đủ môn đủ món được đưa tin, theo sát sự kiện. Trong đó, tin tức về món quần vợt với 2 tay đại kỳ tài Chim, Giao được ưu tiên tin bài.

Tiếp đó là tờ tuần báo Vận động của Hội đồng quản hạt Trần Văn Khá, nhưng rồi 2 tờ này sống chẳng được lâu, rốt cuộc đều im hơi lặng tiếng.

Thể tháo Đông Dương là tờ tuần báo, được xuất bản vào ngày thứ Sáu (sau chuyển sang thứ Bảy, rồi thứ Năm) tại Sài Gòn với địa chỉ tòa soạn ở 223 đường Galliéni (Trần Hưng Đạo).

Chú thích ảnh
 "Thể tháo Đông Dương" số đầu tiên, 31/10/1941

Tờ báo cổ động thể thao xứ Đông Dương

Trước khi chuyển sang phiên bản mới, địa chỉ tòa soạn báo ở 155 De la Some (Hàm Nghi), rồi chuyển về 33-39 đường Sabourain (Lưu Văn Lang). Số thứ nhất của báo ra ngày 31/10/1941. Ở số báo này, lý do ra đời của báo được tỏ bày ngay trang nhất qua bài Tiếng chào đời, cho thấy việc ra báo chịu ảnh hưởng lớn từ Quốc trưởng Pétain của Pháp: “Mỡ [mở] mắt chào đời hôm nay, Thể tháo Đông Dương chúng tôi mong rằng trong một tương lai gần gũi đây, nhờ công vun quén của quan Toàn quyền Decoux, nhờ tài điều khiển của Trung tá Ducoroy, thanh niên Annam sẽ trở nên tráng kiện đúng với ý nghĩa hai chử [chữ] thanh niên là nền tảng của quốc gia”.

Chú thích ảnh
Bìa “Thể tháo Đông Dương” số 1, bộ mới

Lại để cho nhiều độc giả tiếp cận, đọc và mua báo, Thể tháo Đông Dương đã tự nguyện “xin hiến 3 số báo, số 1, 2 và 3, để ra mắt” độc giả.

Báo ra liên tục từ số 1 (năm 1941) đến số 86 (19/8/1943) do Nguyễn Phú Hữu làm Chủ nhiệm, riêng từ số 76 (27/5/1943) thay bằng Nguyễn Văn Nha. Cũng ở số 76, trong bài Tờ Thể tháo mỗi ngày một tiến, báo thông báo sửa đổi, cải tiến nội dung với việc sửa lại các mục, mỗi mục do một người có chuyên môn về môn thể thao cụ thể phụ trách.

Chú thích ảnh
Một tranh biếm họa trên "Thể tháo Đông Dương" bộ mới

Sau số 86, số kế tiếp ra ngày 9/9/1943 đánh lại số 1 và có “Lời phi lộ” bày tỏ việc không chỉ cải tạo thanh niên về thể chất, mà còn “phải “cải tạo tâm hồn” thanh niên. Phải gây cho thanh niên một tinh thần mới”. Đó là cái lẽ Thể tháo Đông Dương bộ mới ra đời. Số này, báo còn làm thơ Đường luật tỏ bày: “Duyên văn xin tặng bạn gần xa:/ Thể tháo Đông Dương chút gọi là./ Hợp sức thanh niên khi phụng sự,/ Hiến bầu nhiệt huyết lúc can qua./ Mực đen còn tỏ nền văn hóa,/ Giấy trắng đâu mờ chử [chữ] quốc gia!/ Gắng sức mỡ [mở] mang tờ báo mới,/ Tương lai đất Việt ở tay ta”.

Riêng ông Giám đốc Trần Văn Hanh, vốn là chủ nhà in, đã lĩnh tờ báo này và có bài Tại sao tôi làm báo? ngay số 1 bộ mới, nói lý do ra tờ báo để cổ động thể thao nước nhà. Báo Thể tháo Đông Dương bộ mới chỉ đi đến số 18, (6/1/1944). Theo Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành), sau số 18, báo đổi tên thành Thanh niên Đông Pháp. Nếu Thể tháo Đông Dương cũ (số 1-86) thiên hẳn về tin bài thể thao, thì Thể tháo Đông Dương mới (số 1-18) đa dạng hơn, hấp dẫn hơn với tin bài về thể thao, văn chương cũng như có nhiều tay viết tên tuổi tham gia.

Chú thích ảnh
"Thể tháo Đông Dương" số 18, bộ mới là số cuối cùng

Nếu để ý, sẽ thấy trên rất nhiều số báo dành riêng một tin mang tính cổ động đề cập đến Pétain, Quốc trưởng của Pháp lúc ấy với câu quen thuộc: “Thống chế đã nói…”; rồi trích một câu nói nào đó của Pétain; hoặc là “Thống chế đã nói: “Chúng ta đương chịu một cuộc thử lòng đau đơn. Chúng ta đả [đã] vượt qua nhiều cuộc như vậy. Chúng ta biết bao giờ mà con dân còn yêu Tổ quốc, thì Tổ quốc vẫn còn nguyên. Mà lòng yêu đó thì không lúc nào nhiệt liệt hơn lúc bây giờ”. hoặc là: “Quan thống chế nói: Ỡ [ở] mọi phương diện, chúng ta cốt luyện nhân tài, để giao trọng trách cầm quyền và trong việc làm, chỉ vì tài năng sự nghiệp”…

Chẳng riêng gì Thể tháo Đông Dương, mà nhiều báo khác ở Nam Kỳ dạo đó, như Đại Việt tập chí, Đàn bà mới… cũng gặp cái kiểu hô khẩu hiệu theo nghĩa vụ tương tự như vậy, cho thấy ảnh hưởng của chính quyền thuộc địa tới hoạt động của các báo.

Tổng quan về “Thể tháo Đông Dương”

Tiếng là tờ báo thể thao của Đông Dương, nhưng tin tức về thể thao, chiếm phần đa là thể thao Việt Nam ở 3 kỳ, trong đó Bắc Kỳ và Nam Kỳ hoạt động thể thao sôi nổi, chiếm thời lượng tin tức nhiều hơn cả. Riêng trong các môn thể thao, nổi trội là tin bài về bóng tròn (bóng đá), đua ngựa và quyền Anh.

Chú thích ảnh
Một trang báo “Thể tháo Đông Dương” giới thiệu quyền Anh

Mục “Tiếng dội thể tháo”, sau là “Tin văn thể tháo”, rồi “Tin vài hàng” chuyên đưa những tin ngắn về thể thao. Hoạt động thể thao đầu những năm 1940 được cổ động rầm rộ và sôi nổi. Điều ấy bắt đầu từ Nghị định của Toàn quyền Decoux dưới ảnh hưởng của Quốc trưởng Pétain để phát triển thể thao Đông Dương, tập trung vào thanh thiếu niên.

Có những môn thể thao đến nay vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đầu những năm 1940, đã có ở nước ta. Môn hockey là một ví dụ, cuối năm 1941, môn này đã có mặt ở Sài Gòn và dần dần các đội hockey được lập ra để thi đấu với nhau. Những món như bơi lội, phóng lao, ném tạ, ném đĩa… trước đây không được quan tâm thì dần dà, đã trở nên thịnh hành và được Thể tháo Đông Dương đưa tin.

Chú thích ảnh
Mục "Tin văn thể tháo" trên "Thể tháo Đông Dương" số 45, 17/9/1942

Thể tháo Đông Dương bộ cũ, in các title bài thiếu dấu khá nhiều, nên độc giả đọc toàn phải xem mặt chữ mà luận. Tỉ như “Giai vô dich bong tron mua nây” [Giải vô địch bóng tròn mùa nầy] (số 4, ngày 22/11/1941), “300 nu luc si va luc si cua 16 tinh Backy di du cuoc dai hoi dien kinh” [300 nữ lực sĩ và lực sĩ của 16 tỉnh Bắc kỳ đi dự cuộc đại hội điền kinh] (số 26, ngày 1/5/1942)… Chẳng những thế trong vấn đề chính tả, cũng nằm trong vấn nạn chung của báo chí Nam Kỳ dạo ấy, là viết sai lỗi chính tả quá nhiều do ảnh hưởng của phương ngữ.

Là báo thể thao, chủ yếu tường thuật những hoạt động thể thao đơn thuần, lại là báo dưới sự bảo trợ của chính quyền, nhưng Thể tháo Đông Dương vẫn nằm dưới lưới của Ty Kiểm duyệt và có lúc, bài vở cũng bị cắt bỏ như thường. Đơn cử ở mục “Những tiếng dội thể thao” trên Thể tháo Đông Dương số 6, ngày 5/12/1941 là phần tin về thể thao, nhưng có 2 tin bị kiểm duyệt đục bỏ chữ, như tin dưới đây “Sáng thứ tư rồi Tòa án Biên hòa đã đem thủ phạm ra xử. Thủ phạm, tên Huỳnh Lê dit Biêu, tòa kêu án 18 tháng tù”, tin dừng ở đây và bị bỏ một khoảng trắng ghi rõ “Ty kiểm duyệt bỏ”. Với kỹ thuật in khi ấy, khi tin, bài bị đục bỏ thì không trám bài được, chỉ còn nước để trắng mà thôi.

Không chỉ đơn thuần là thể thao

Thể tháo Đông Dương bộ cũ có phần giải trí văn chương với mục truyện ngắn Mãnh lực ái tình, Sư bị mất của, tiểu thuyết Thiên lý câu… Tuy nhiên phần này chỉ phổ biến khi báo mới xuất hiện và hay bị đứt quãng rồi tuyệt hẳn chứ không được duy trì thường xuyên.

Làm món giải khuây cho độc giả, báo thỉnh thoảng có thơ trào phúng, hoặc truyện cười cho bạn đọc xem. Ví dụ Thể tháo Đông Dương số 10, ngày 2/1/1942 mượn Lý Toét, Xã Xệ của Phong hóa mà có bài Lý Toét đi coi đánh bóc với những câu hóm hỉnh: “Xả [Xã] Xệ mừng quýnh, hả hê:/ Tối nay coi họ “bóc-xê” chơi nào!/ Thật là gặp hội biết bao/ Ba kỳ hầu hết anh hào đăng tên!/ Lý Toét dững [dựng] tóc gáy lên/ Buông rơi dù dép xuống bên lề đường:/ Thôi, cha! Hãy đoái lòng thương/ Tưởng gì, đánh “bốc” thôi “buồm” cho xuôi./ Năm kia tôi đã bị rồi:/ Đi chơi về tối vợ “tui” cột đầu”…

Chú thích ảnh
 "Thể tháo Đông Dương" số xuân 1942

Đến Thể tháo Đông Dương bộ mới tự nhận là báo “thể tháo, thanh niên, văn chương”, cùng phần tin bài thể thao, phần văn chương với thơ, truyện được tăng cường nhiều, lại thêm cả tranh biếm họa sống động. Bộ mới ngay số 1, ngày 9/9/1943 đã công bố giải thi sáng tác trường thiên và đoản thiên tiểu thuyết, các số sau đăng nhiều bài dự thi.

Tham gia viết cho bộ mới, ngay tên tuổi của các tác giả đã là bảo chứng chất lượng với Phan Khôi, Thiếu Sơn, Tế Xuyên… Bộ mới còn dành nhiều bài bàn về thanh niên như: Một cuộc trưng cầu ý kiến về vấn đề thanh niên (số 1-6), Mách nhỏ những người có trách nhiệm: Những nết xấu của thanh niên Việt Nam hiện tại (số 3, ngày 3/9/1943), đối tượng được chú ý của xã hội, là tương lai nước nhà…

Nhiều bài viết phân tích, tuyên truyền, cổ động thể thao cũng được thực hiện để đưa ra những cái nhìn mới, tiến bộ hòng thay đổi thái độ của độc giả với thể thao: Một tinh thần sáng suốt trong một thân thể tráng kiện (số 9, 26/12/1941); Những nghề lao lực có cần phải thể tháo không (số 83, 15/7/1943)…

Báo ra trễ vì… “thợ máy đau”

Thể tháo Đông Dương được in ngay tại Nhà in Nguyễn Phú Hữu, Chủ nhiệm báo, địa chỉ cũng là báo quán của báo, nhưng không phải lúc nào báo cũng ra đúng hạn định. Có lúc, báo ra chậm với lý do hi hữu như: “Vì thợ máy đau nên kỳ nầy báo ra trể [trễ] xin độc giả lượng thứ”, chân trang của trang nhất Thể tháo Đông Dương số 23, 10/4/1942 đã có lời như thế. Chuyển sang bộ mới, báo in tại Nhà in Tín Đức thư xã có tiếng dạo ấy, cách trình bày, bố cục báo cũng như kiểu chữ đã hấp dẫn hơn hẳn bộ cũ.

(Còn tiếp)

Trần Đình Ba

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN