TTVH Online

Nhà nghiên cứu nhiếp ảnh Terry Bennett: Chắp nối ảnh với tác giả gốc luôn là thách thức

05/07/2021 19:11 GMT+7

Cuốn sách "Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam" vừa xuất bản đã được độc giả khá quan tâm. Sách giới thiệu hơn 500 hình ảnh hiếm và liệt kê hơn 240 nhiếp ảnh gia, hiệu ảnh ở Việt Nam trong giai đoạn Pháp thuộc.

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam vừa xuất bản đã được độc giả khá quan tâm. Sách giới thiệu hơn 500 hình ảnh hiếm và liệt kê hơn 240 nhiếp ảnh gia, hiệu ảnh ở Việt Nam trong giai đoạn Pháp thuộc.

Nhiếp ảnh gia Joseph Gobin: Kể chuyện 'trà đá vỉa hè' Hà Nội

Nhiếp ảnh gia Joseph Gobin: Kể chuyện 'trà đá vỉa hè' Hà Nội

Tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm ảnh "Một thành phố khác: Công cộng, Riêng tư, Thầm kín". Đó là triển lãm đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên giữa nhiếp ảnh gia người Pháp Joseph Gobin (Pháp) và nghệ sĩ Nguyễn Phương (Việt Nam) để đem đến cho công chúng một Hà Nội rất thời đại.

Bằng thao tác nghiên cứu của một chuyên gia và khả năng truy tầm hình ảnh của một nhà sưu tập, Terry Bennett đã hoàn tất một lược đồ toàn cảnh về buổi đầu nhiếp ảnh ở Việt Nam.

Phần lớn hình ảnh trong sách đều thuộc bộ sưu tập cá nhân của Terry Bennett. Ông đã có hơn 30 năm nghiên cứu về nhiếp ảnh thời kỳ đầu của Đông Á, ra các sách nghiên cứu về nhiếp ảnh thời kỳ đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Công việc đó là tiền đề cho sự ra đời của cuốn Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam sau này.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu nhiếp ảnh Terry Bennett. Ảnh: NVCC

Terry Bennett chỉ ra câu chuyện nhiếp ảnh ở Việt Nam đã bắt đầu với bước chân của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ 19. Vài chục năm sau, khi kỹ thuật tiến bộ hơn, nhiếp ảnh trở nên phổ biến với số đông, đó cũng là lúc thị trường nhiếp ảnh xuất hiện những nhiếp ảnh gia người Việt đầu tiên, bên cạnh người Pháp.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện riêng với nhà nghiên cứu nhiếp ảnh Terry Bennett (người Anh, sống ở London) nhân dịp cuốn sách nói trên vừa phát hành ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Cuốn "Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam" sẽ trở thành sách công cụ quan trọng cho những ai muốn nghiên cứu nhiếp ảnh Việt Nam

* Như đã nói rõ trong phần đầu cuốn sách, ông không muốn đóng vai sử gia. Dường như mối quan tâm chính của ông là truy tầm tên tác giả của những bức ảnh vô danh thời kỳ đầu. Ông có thể nói rõ hơn về lựa chọn này không?

- Việc nghiên cứu của tôi về nhiếp ảnh thời kỳ đầu ở châu Á dựa trên tiền đề rằng sử gia nghệ thuật, sử gia xã hội, cũng như những học giả khác sẽ hưởng lợi nếu biết được tác giả của những bức ảnh còn tồn tại. Điều này sẽ giúp ích cho việc xác định tuổi của bức ảnh và làm sáng tỏ hơn bối cảnh lịch sử chung quanh mỗi bức ảnh.

Sau đó, tôi sẽ phải nhường việc diễn giải những bức ảnh đó cho những người có chuyên môn hơn. Tôi thấy công việc chắp nối những bức ảnh với tác giả gốc của chúng luôn là thách thức, hứng thú, cũng như thỏa mãn. Với tôi, thế là đủ!

Chú thích ảnh
Gia đình Việt Nam, khoảng 1890, ảnh do Aurélien Pestel chụp, in trên giấy bạch đản. Bộ sưu tập của Terry Bennett

* Ông viết rằng, những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ở Đông Dương đều chụp ảnh với mục đích chính là lợi nhuận. Liệu ông có thể cho biết thêm họ kiếm tiền bằng việc bán ảnh như thế nào? Thị trường lúc đó ra sao? Khách hàng là ai?

- Tôi nghĩ, thị trường ảnh ở Việt Nam thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn đầu, máy ảnh và thiết bị rất đắt đỏ, người ta cần kiến thức chuyên môn nhất định mới sử dụng được. Vì vậy, việc chụp ảnh là khá xa xỉ. Nhìn chung, những nhiếp ảnh gia thời đầu và khách hàng đều là người Pháp - sống tại Việt Nam và ở Pháp. Họ thích ảnh chân dung và phong cảnh.

Đến khoảng đầu thập niên 1880, bảng-khô (dry-plate) được phát minh, giúp cho nhiếp ảnh trở nên rẻ và dễ dàng hơn. Người Việt bắt đầu thích chụp ảnh chân dung, đa số có tính phí. Càng ngày càng nhiều hiệu ảnh của người Việt mở ra để phục vụ nhu cầu này.

Chú thích ảnh
Nam Phương Hoàng hậu, tiệm ảnh Hương Ký chụp tại Huế năm 1934, in trên giấy tráng bạc. Ảnh lấy từ tập ảnh cá nhân của Nam Phương Hoàng hậu. Bộ sưu tập của Terry Bennett

* Nhìn chung, độc giả trong nước khá ấn tượng với cuốn sách của ông. Nhưng cũng không ít người tỏ ra băn khoăn khi ông không đề cập nhiều hơn về những nhiếp ảnh gia người Việt trong giai đoạn thuộc địa, cụ thể là những vị đã xuất hiện trong sách như Võ Chuẩn, Tăng Vinh, Nghiêm Xuân Thức... Trong một chương sách, ông cho biết khoảng đầu thế kỷ 20 những hiệu ảnh của người bản địa đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Nhưng có vẻ như sách chưa có đủ thông tin để minh họa cho nhận định này. Ông có thể bàn thêm về khía cạnh này được không?

- Ồ, cuốn sách là về nhiếp ảnh thời kỳ đầu ở Việt Nam và tôi thực sự đã tập trung nhiều hơn vào thế kỷ 19. Về nhiếp ảnh gia người Việt, chúng ta thấy họ xuất hiện càng lúc càng nhiều từ đầu thế kỷ 20. Điều này phản ánh qua số lượng quảng cáo tăng dần trên báo tiếng Pháp ở địa phương và niên giám thương mại. Nhiếp ảnh gia Việt Nam đã bắt đầu bắt kịp đồng nghiệp người Pháp về chất lượng và đồng thời có giá thành rẻ hơn. Tình hình cũng không khác mấy ở những quốc gia Đông Á khác khi hiệu ảnh ngoại quốc bắt đầu thấy khó khăn hơn khi cạnh tranh với đối thủ địa phương.

Khi nghiên cứu tôi càng thấy rõ rằng có những hiệu ảnh người Việt đã rất nổi tiếng. Võ Chuẩn, Tăng Vinh, Nghiêm Xuân Thức… chắc chắn là những ví dụ điển hình. Tôi nghĩ sự nghiệp và cuộc đời của những nhiếp ảnh gia này sẽ là lĩnh vực đầy cuốn hút và hứng khởi giành cho những học giả người Việt nghiên cứu.

* Vậy, nếu có thể viết thêm về 1 hoặc 2 nhiếp ảnh gia và dành riêng cả chương sách cho mỗi người, như ông đã làm với Gsell và Hocquard, ông sẽ chọn ai?

- Tôi nghĩ Gsell và Hocquard, là 2 nhiếp ảnh gia giỏi nhất đã tác nghiệp ở Việt Nam trong thế kỷ 19. Khi bàn đến thế kỷ 20, tôi muốn tập trung thêm vào những nhiếp ảnh gia người Việt như Võ Chuẩn, Tăng Vinh, Nghiêm Xuân Thức… Ngoài ra, Võ An Ninh cũng xứng đáng được đề cập nhiều hơn.

Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ và nơi sinh sống ở London đã khiến tôi tin rằng công việc này tốt hơn nên để cho những học giả Việt Nam, những người có thể tiếp cận dễ dàng hơn với những nguồn thông tin trong nước. Cuốn sách của tôi chỉ nhằm mục đích cung cấp một khung nền, hy vọng hơn, một lược đồ nhiếp ảnh để có thể giúp ích cho những học giả tương lai. Nếu cuốn sách đạt được mục đích đó, tôi rất vui.

Chú thích ảnh
Chân dung Trương Vĩnh Ký do Émile Gsell chụp, khoảng 1870, ảnh dạng danh thiếp, in trên giấy bạch đản. Bộ sưu tập của Terry Bennett

* Nhiều độc giả hứng thú trước chi tiết học giả Trương Vĩnh Ký đã từng hành nghề nhiếp ảnh. Có vẻ như chuyện này ít được biết đến ở Việt Nam. Ông có thể cung cấp thêm thông tin về phát hiện này, ngoài những gì đã viết trong sách? 3 tấm ảnh mà Trương Vĩnh Ký đã chụp và đang được Hội Địa lý học ở Paris (Société de Géographie, Paris) lưu giữ liệu có dễ tiếp cận hay không?

- Đáng tiếc là tôi không có gì để bổ sung. Niên giám Nam kỳ thuộc Pháp năm 1883 đã liệt kê Pétrus Ký là nhiếp ảnh gia. Theo tôi hiểu, ông ta gặp khó khăn về kinh tế vào lúc đó. Có thể đây là cách ông ta kiếm thêm thu nhập. 3 tấm ảnh ông chụp đang lưu giữ ở Hội Địa lý học ở Paris có lẽ là dễ tiếp cận thôi, nhưng tôi không đủ thời gian để tìm xem. Thông tin về 3 tấm ảnh này đã được bà Marie-Hélène Degroise tiết lộ trên trang blog cá nhân.

* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Lê Khải Việt (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN