TTVH Online

'Khai nguyên rồng tiên': Cái nhìn mới mẻ về 'cha rồng, mẹ tiên'

23/06/2021 19:32 GMT+7

Cuốn biên khảo "Khai nguyên rồng tiên" (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Mạnh Tiến là chất liệu nền tảng để hiểu được huyền thoại rồng tiên là di sản chung Việt - Thái - Mường, có nguồn gốc vừa Đông Á vừa Đông Nam Á, chứ không phải là sản phẩm vay mượn từ văn minh Hán hóa.

(Thethaovanhoa.vn) - Thật hiếm hoi mới có cuốn sách dùng cái nhìn dân tộc học lịch sử để cấu trúc truyện kể rồng tiên ở các tộc người Việt - Mường - Thái theo hệ thống và phân tích.

2 di sản trên đường đệ trình UNESCO ghi danh: Độc đáo 'bách khoa thư' của người Mường

2 di sản trên đường đệ trình UNESCO ghi danh: Độc đáo 'bách khoa thư' của người Mường

Không phải ngẫu nhiên mà giới học giả trong nước và quốc tế đều gọi Mo Mường là "Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường. Bởi, tất cả những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong di sản văn hóa đặc biệt ấy.

Cuốn biên khảo Khai nguyên rồng tiên (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Mạnh Tiến là chất liệu nền tảng để hiểu được huyền thoại rồng tiên là di sản chung Việt - Thái - Mường, có nguồn gốc vừa Đông Á vừa Đông Nam Á, chứ không phải là sản phẩm vay mượn từ văn minh Hán hóa như một số người sau này thường nghĩ.

Về mặt văn bản, truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân được ghi vào chính sử Việt Nam lần đầu vào năm 1479, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, thời Hậu Lê. Trong bộ sử quan trọng này, “con rồng cháu tiên” được đưa vào kỷ Hồng Bàng, chỉ đến nguồn gốc dân tộc là cha rồng mẹ tiên, nhưng phả hệ thân tộc về “hình thức” lại liên kết với các nhân vật tổ tiên có nguồn gốc Hán.

Chú thích ảnh
Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến

Bước qua một quán tính

Quán tính quan sát Việt Nam thuộc mô hình Đông Á, ảnh hưởng văn minh Trung Hoa dễ đồng quy huyền thoại rồng tiên như là một sản phẩm văn hóa chỉ bắt nguồn từ Hán hóa. Bước qua quán tính này, Khai nguyên rồng tiên chỉ rõ thêm rằng kỷ Hồng Bàng được kiến tạo trong Đại Việt sử ký toàn thư còn là thời khắc đặc biệt, vì vương triều Lê bản chất là được khai sinh bởi tập đoàn quyền lực Mường - Thái liên kết với Việt/Kinh. Chính điều này đòi hỏi nhà Lê tìm ra một sự điều hòa. Sự điều hòa đến từ chính sự tưởng tượng về tổ tiên chung, vốn được kiến tạo từ nguồn gốc cha mẹ rồng tiên, được chuẩn định trong quốc sử dưới thời Lê Thánh Tông.

Người Việt, người Thái hoặc người Mường, mà cội nguồn văn hóa phức tạp của họ, có thể đến từ nhiều nguồn, nhưng đều chia sẻ điểm cốt yếu trong cấu trúc niềm tin tập thể là được khai sinh từ cặp cha mẹ rồng tiên. Chính tưởng tượng về tổ tiên chung này đã tạo ra ý thức hệ dân tộc vương triều, kết nối các khối người vốn có nguồn gốc xa lạ lại thành một bào tộc tưởng tượng, là anh em chung một gốc, xoa dịu mâu thuẫn ở triều đình, kéo các khối người xa lạ trong quốc gia và các vùng miền về chung một mái nhà.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Khai nguyên rồng tiên”

Việt Nam là một đất nước có nhiều điểm đặc biệt, suốt hàng ngàn năm lịch sử thời phong kiến, các biến cố về quyền lực thường đến từ vùng ngoại biên, vùng giáp ranh đồng bằng và miền núi, miền trung du, gắn với nhiều dân tộc người thiểu số. Nhìn lại nhà Đinh, nhà Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn, nhà Mạc, nhà Tây Sơn… đều vậy, khi xây dựng trung tâm quyền lực, dấu ấn về văn hóa, nguồn cội và tâm linh đều được chia sẻ hài hòa, hữu cơ giữa các tộc người.

Miền núi, tộc người thiểu số vốn rất quan trọng trong số phận Việt Nam. Suốt thời phong kiến, dù bị chi phối bởi Nho giáo, nhưng sự đóng góp cùng lúc của nhiều tộc người là không thể phủ nhận. Điều này đã được Khai nguyên rồng tiên nhấn mạnh thêm bằng nhiều cứ liệu khả tính và văn phong hấp dẫn như tiểu thuyết lịch sử, mà cơ sở chính luận là từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

Nghiên cứu dân tộc học độc lập

Nguyễn Mạnh Tiến sinh năm 1983 tại vùng Quan Lan Sào, núi Bàn A, tỉnh Thanh Hóa, hiện làm việc tại Viện Văn học, Hà Nội. Ở khía cạnh dân tộc học, Nguyễn Mạnh Tiến chọn hướng nghiên cứu độc lập, đã xuất bản các sách như Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’Mông (2014, tái bản nhiều lần), Sống đời của chợ (2017). Hiện anh đang hoàn tất một sách dân tộc học về ngôi nhà H'Mông, một sách về triều Lê Trung Hưng và miền núi Việt Nam.

Nếu so sánh Khai nguyên rồng tiên vừa xuất bản với cuốn Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’Mông, ta thấy 2 sách đều chung mô hình quan sát Việt Nam từ miền núi. Cuốn trước dựng lên một bức tranh tổng thể về các hệ thống quyền lực miền núi, trong đó tộc người được quan sát chính là H’Mông - là chủ nhân sức mạnh của núi cao/đỉnh núi. Còn trong cuốn mới, quan sát chính là về Đại Việt thế kỷ 15, gắn với sự khai sinh nhà Lê, xử lý mối quan hệ với các tập đoàn Thái- Mường. Tộc người được chú ý hơn cả trong cuốn này là Thái, họ cùng với Mường là những chủ nhân quyền lực của núi thấp/trung du…

Cả 2 quyển sách nhắc lại tầm quan trọng của miền núi, của Việt Nam đa tộc người trong quan sát về số phận quốc gia Việt Nam theo dòng lịch sử. Cái nhìn từ núi càng sáng rõ bao nhiêu càng khiến tính chất Đông Nam Á của Việt Nam biểu hiện sinh động bấy nhiêu, nó cho phép tách khỏi nếp hằn tư duy khi chỉ xem văn minh Việt Nam như là một “sản phẩm” của Hán hóa.

Cuốn Khai nguyên rồng tiên cũng chỉ ra một điều tuyệt vời dù Đại Việt sử ký toàn thư do đại diện là nho sĩ soạn - thường soạn theo thông lệ hướng Bắc trong tư duy, nhưng vẫn khá thỏa mãn được tâm thức cả các ông vua, tướng Mường - Thái, vì họ thấy được tổ tiên, huyền thoại của mình trong đó.

Văn Bảy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN