TTVH Online

Chữ và nghĩa: 'Trình độ văn hóa'

19/05/2021 08:23 GMT+7

Ở các mẫu tờ khai lý lịch nói chung, mở đầu thường có phần “Lịch sử bản thân”. Sau một loạt thông tin chính yếu (họ và tên, giới tính, ngày sinh, quê quán, nơi thường trú, dân tộc) sẽ là mục "Trình độ văn hóa".

(Thethaovanhoa.vn) - Ở các mẫu tờ khai lý lịch nói chung, mở đầu thường có phần “Lịch sử bản thân”. Sau một loạt thông tin chính yếu (họ và tên, giới tính, ngày sinh, quê quán, nơi thường trú, dân tộc) sẽ là mục "Trình độ văn hóa".

Chữ và nghĩa: 'Cộng đồng' là những ai?

Chữ và nghĩa: 'Cộng đồng' là những ai?

"Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, sáng nay, ngày... lại có thêm 3 ca mắc mới, trong đó, 1 ca nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng". Vậy từ “cộng đồng” ở đây được hiểu thế nào?

Nếu tra Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2021), ta sẽ thấy từ "văn hóa" này có tới 5 nét nghĩa: 1. Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử (kho tàng văn hóa dân tộc, văn hóa phương Tây); 2. Những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần, nói chung (sinh hoạt văn hóa văn nghệ); 3. Tri thức, kiến thức khoa học [nói khái quát] (học văn hóa, trình độ văn hóa); 4. Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh; 5. Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau (văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh).

Như vậy "trình độ văn hoá" thuộc nghĩa 3 (chỉ “tri thức”, “kiến thức”).

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Trong một số bản hướng dẫn khai lý lịch thì mục “Trình độ văn hóa”: Ghi đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào. Ví dụ: Lớp 10/10 (đối với người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm). Lớp 12/12 (đối với người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm).

Trong các mẫu hồ sơ lý lịch chi tiết hơn thì có mục lớn "Trình độ hiện nay", có thể chia thành 5 mục nhỏ (1. Giáo dục phổ thông, 2. Chuyên môn nghiệp vụ, 3. Học hàm, học vị, 4. Lý luận chính trị, 5. Ngoại ngữ). Mục "Giáo dục phổ thông" được hướng dẫn ghi là "10/10 phổ thông" hoặc "12/12 phổ thông". Mục "Chuyên môn nghiệp vụ" ghi là "Đại học chuyên ngành X”. Mục "Học hàm, học vị" ghi là "Thạc sĩ”, “Tiến sĩ”, “Phó giáo sư”, “Giáo sư". Mục Lý luận chính trị ghi là “Sơ cấp”, “Trung cấp", "Cao cấp". Mục Ngoại ngữ ghi tên ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga…), trình độ "A/B/C/D" v.v…

Như vậy, mục "Trình độ văn hóa" ngày trước tương đương với mục "Giáo dục phổ thông".

Còn một thông tin kê khai nữa. Có một số người thắc mắc là cách ghi mục "Tôn giáo" thế nào cho đúng. Cũng trong các bản hướng dẫn kê khai thì "Tôn giáo: Ghi rõ đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo… ghi cả chức sắc trong tôn giáo (nếu có), không theo đạo nào thì ghi “Không”.

Trước đây, ở mục này đều ghi là "Đi lương". Đa số là viết theo thói quen, bởi rất ít người hiểu "Đi lương" ở đây là gì.

“Hán Việt tự điển” (của Thiều Chửu, 1942) giải thích “lương”(良) có 4 nghĩa, nhưng có 1 nghĩa liên quan tới “lương” trong “đi lương”, là “Lành, tính chất thuần tốt bền giữ không đổi gọi là lương”.

"Lương" là một thuật ngữ dân tộc học. Từ này được dùng trong lịch sử Việt Nam (đời Nguyễn, đặc biệt từ các triều Minh Mạng, Tự Đức) để gọi những người Việt Nam không theo đạo Thiên Chúa (Lương dân, với ý: Giữ nguyên, không đổi, không theo tôn giáo nào), phân biệt với những người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa (giáo dân). Từ này tiếp tục được sử dụng trong thời cận đại và hiện đại. Ta thường nói: “Toàn dân đoàn kết, không phân biệt lương và giáo”, chính là nói về từ lương với nghĩa này. Tuy nhiên, gần đây, phần khai về tôn giáo thường được ghi là “Đạo Phật”, “Đạo Thiên Chúa”, “Đạo Hồi”… Còn nếu không theo tôn giáo nào thì ghi rõ “Không”.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN