TTVH Online

Dịch Codvid-19 thế giới ngày 14/5: Làn sóng lây nhiễm ở Ấn Độ có thể đạt đỉnh trong vài ngày tới

14/05/2021 22:30 GMT+7

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 161.952.976 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3.361.175 triệu ca tử vong do COVID-19. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 139.787.715 triệu người.

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 161.952.976 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3.361.175 triệu ca tử vong do COVID-19. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 139.787.715 triệu người.       

Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 14/5: Toàn thế giới đã có 3,35 triệu ca tử vong

Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 14/5: Toàn thế giới đã có 3,35 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 14/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 161.818.410 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3,35 triệu ca tử vong do COVID-19. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 139,61 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 598.542 ca tử vong trong tổng số 33.626.422 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 24.062.205 và 262.425 ca tử vong. Dựa trên tất cả các chỉ số về dịch COVID-19 trong hai tuần qua, giới phân tích cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai tại quốc gia Nam Á này có thể đã đạt đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo phải mất rất nhiều thời gian nữa làn sóng này mới có thể kết thúc. Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, Ấn Độ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga cho người dân. Theo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), việc tiêm vaccine Sputnik V bắt đầu được triển khai tại thành phố Hyderabad, đánh dấu đây là loại "vaccine đầu tiên do nước ngoài sản xuất được sử dụng tại Ấn Độ".    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Bắc Á, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 14/5, Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 3 tỉnh vào phạm vi áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Như vậy, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành. Lệnh tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 này sẽ có hiệu lực tới ngày 31/5. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu dù chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp khá quyết liệt, trong khi Olympic Tokyo đang cận kề.   

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng thông báo ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại nước này tiếp tục vượt mốc 700 ca trong ngày thứ hai liên tiếp. Cụ thể, Hàn Quốc đã có thêm 747 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 729 ca lây nhiễm cộng đồng. Tổng số ca mắc trong cả nước hiện lên mức 130.380 ca. Số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tuần này, khi cao hơn mốc 715 ca ghi nhận hôm 13/5, 635 ca hôm 12/5 hay mốc 463 ca hôm 10/5. Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Hàn Quốc tăng trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine của nước này không ghi nhận nhiều tiến triển do khan hiếm nguồn cung. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã gia hạn thêm một tháng đối với khuyến cáo đặc biệt về việc ra nước ngoài, đến ngày 15/6 tới và còn có khả năng sẽ tiếp tục được gia hạn.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Lorient, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến nghiêm trọng tại Đài Loan (Trung Quốc). Trong 24 giờ qua, hòn đảo này ghi nhận 29 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong số các ca mắc mới, có 16 ca liên quan đến ổ dịch ở phòng trà tại Đài Bắc (Taipei). Chính quyền thành phố này đã quyết định đóng cửa các địa điểm giải trí nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trong đó có các quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ đêm, phòng tắm hơi và quán cà phê Internet, phòng trà cũng như thư viện và trung tâm thể thao, từ ngày 15/5. Giới chức Đài Bắc khuyến cáo người dân không hoảng loạn, một lần nữa nâng cao tinh thần cảnh giác trước dịch bệnh. Không chỉ Đài Bắc, chính quyền thành phố Đào Viên (Taoyuan), phía Bắc hòn đảo, cũng đã quyết định đóng cửa nhiều địa điểm giải trí trong khoảng thời gian 15/5 - 8/6. Đài Loan đã nâng mức cảnh báo dịch COVID-19, cấm tụ tập đông người từ đầu tuần, sau các ổ dịch lớn ghi nhận tại Đài Bắc và nhiều thành phố khác.    

Trung Quốc đại lục cũng đã lần đầu tiên ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng kể từ ngày 20/4. Cụ thể, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Trung Quốc đại lục đã ghi nhận hai ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh An Huy (Anhui), miền Đông nước này. Ngay sau khi xác định có ca bệnh trong cộng đồng, nhà chức trách địa phương đã nâng cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 tại đây từ mức thấp lên mức trung bình, bắt đầu từ ngày 14/5.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Đông Nam Á, với 52 ca mắc mới trong 24 giờ qua, Singapore ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất kể từ ngày 30/1 vừa qua. Trong số ca mắc mới, có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đều liên quan tới các ổ dịch hiện có, trong đó 13 ca liên quan ổ dịch lớn nhất hiện nay tại sân bay Changi. Tính đến nay, Singapore có tổng cộng 61.505 ca mắc COVID-19, trong đó có 31 trường hợp không qua khỏi. Trước tình hình trên, từ ngày 16/5-13/6, Singapore sẽ thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.     

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Lào và Campuchia đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 16 ca mắc mới COVID-19, trong đó 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Sau hơn 20 ngày luôn ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ở mức hai con số, lần đầu tiên kể từ ngày 20/4, Lào chỉ phát hiện một ca lây nhiễm cộng đồng trên cả nước. Điều này cho thấy các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt của chính phủ đã bước đầu đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Cùng ngày, Lào ghi nhận trường hợp tử vong thứ hai do COVID-19. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 1.498 ca, trong đó có 516 ca đã được điều trị khỏi và 2 ca tử vong.    

Tại Campuchia, số ca mắc mới COVID-19 trong những ngày gần đây cũng liên tục giảm, từ 472 ca ghi nhận ngày 12/5 xuống 448 ca ngày 13/5 và 358 ca ngày 14/5. Như vậy tính đến thời điểm này, Campuchia ghi nhận tổng cộng 21.499 ca mắc COVID-19, trong đó có 20.835 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” và đã có 9.867 người khỏi bệnh. Nhằm tăng cường lực lượng y tế chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ công dân Campuchia Prum Sokha quyết định lập nhóm chuyên trách có nhiệm vụ tuyển dụng 3.000 ứng viên bổ sung cho dịch vụ y tế công trong năm nay. Đáng chú ý, để cổ vũ và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế Campuchia thông báo trao thưởng 10 triệu riel (khoảng 2.500 USD) cho người dân thứ 2 triệu tham gia tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.    

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhờ thúc đẩy việc triển khai chiến dịch tiêm chủng, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Âu cũng đã có chiều hướng lắng dịu. Tại Đức, tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 7 ngày qua đã giảm xuống dưới ngưỡng 100 ca/100.000 người. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3 vừa qua tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày tại Đức giảm xuống dưới ngưỡng này. Tỷ lệ mắc mới 100 ca/100.000 người là ngưỡng để nhà chức trách Đức áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, bao gồm giới nghiêm ban đêm và hạn chế tụ tập đông người, cũng như đóng cửa toàn bộ hàng quán. Nếu tỷ lệ liên tục giảm xuống dưới ngưỡng này, các biện pháp hạn chế có thể được nới lỏng.    

Tình hình dịch bệnh ghi nhận tín hiệu tích cực đã giúp nhiều nước tại châu Âu nới lỏng các biện pháp phòng dịch và mở cửa đón du khách trở lại. Theo đó, từ ngày 16/5 tới, Chính phủ Italy sẽ bỏ yêu cầu cách ly đối với những hành khách đến từ Liên minh châu Âu (EU), Anh và Israel có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Bồ Đào Nha cũng sẽ cho phép du khách từ Anh nhập cảnh nước này từ ngày 17/5. Cho đến nay, EU vẫn cấm đi lại không cần thiết đối với các nước ở ngoài khối, do đó, quyết định trên của Italy hay Bồ Đào Nha được coi là một ngoại lệ. Cùng ngày, Slovakia đã dỡ bỏ lệnh tình trạng tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Thủ tướng Eduard Heger khẳng định cuộc chiến với dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, do đó, người dân cần tiếp tục cảnh giác. Ông nhấn mạnh vaccine vẫn là công cụ quan trọng để đưa thế giới vượt qua đại dịch COVID-19.    

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nước cần thận trọng khi dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó cần phải xem xét dựa trên tình hình dịch tễ ở trong nước. WHO đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh trước đó một ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo hướng dẫn liên bang mới, trong đó nêu rõ những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài cũng như không cần phải thực hiện giữ khoảng cách vật lý. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu xem xét lại kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, thay vào đó cung cấp vaccine cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX để chia sẻ cho các nước nghèo. Ông đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 trong năm thứ hai bùng phát có thể sẽ nghiêm trọng hơn năm đầu tiên với số ca tử vong cao hơn, trong đó Ấn Độ là một mối quan ngại lớn.   

Trên thực tế, vaccine đã phát huy hiệu quả như một "vũ khí" lợi hại trong cuộc chiến chống COVID-19. Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại xứ England đã giúp ngăn chặn gần 12.000 ca tử vong và hơn 30.000 ca nhập viện ở người cao tuổi.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN