TTVH Online

Giải mã công nghệ tạo giống lan rừng quý hiếm: Nhân giống hàng loạt lan Giả hạc Di Linh

10/05/2021 07:32 GMT+7

Tại Lâm Đồng - “thủ đô” nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, việc áp dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp ngày càng rộng rãi. Đặc biệt đối với ngành nhân giống cây trồng để bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như phát triển thương mại các giống cây này.

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Lâm Đồng - “thủ đô” nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, việc áp dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp ngày càng rộng rãi. Đặc biệt đối với ngành nhân giống cây trồng để bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như phát triển thương mại các giống cây này.

Ngắm những giò hoa lan tuyệt đẹp 'khoe sắc' tại Bình Phước

Ngắm những giò hoa lan tuyệt đẹp 'khoe sắc' tại Bình Phước

 Trong 2 ngày 20 - 21/4, tại khu dân cư Dovilla, Quốc lộ 14, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), lần đầu tiên diễn ra ngày hội hoa lan do Ủy ban nhân dân thị xã Đồng Xoài tổ chức.

Lan rừng Giả hạc Di Linh là một trong những loài cây như thế. Chúng không chỉ nhân giống hàng loạt mà còn được chiếu tia phóng xạ để tạo đột biến theo nhu cầu.

Giả hạc Di Linh- một loại hoa lan “nức tiếng” của giới chơi lan trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, thường được săn đón tìm mua với nhiều loại giá khác nhau. Tuy nhiên với công nghệ In-vitro hiện đại như ngày nay, lần đầu tiên, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng) đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống hàng loạt cây này.

Nhân giống hàng loạt

Kỹ thuật nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật (In-vitro) đã không còn xa lạ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng. Việc áp dụng công nghệ này để nhân giống loài lan Giả hạc Di Linh lần đầu tiên được Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ triển khai. Đề tài do ông Phan Quốc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng cùng cộng sự thực hiện, hoàn thành, nghiệm thu vào cuối năm 2020.

Lan đột biến, Lan đột biến là gì, Cách tạo Lan đột biến, Lan Giả hạc Di Linh, Giải mã công nghệ tạo giống lan rừng quý hiếm, tạo lan đột biến, vị sao lan đột biến đắt
Ông Phan Quốc Chính, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng, chủ nhiệm đề tài bên trong phòng thí nghiệm nuôi cấy mô lan Giả hạc Di Linh. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Để chọn nguồn giống ban đầu chất lượng, những người thực hiện đề tài phải thu thập quả lan Giả hạc Di Linh tại thành phố Đà Lạt và huyện Di Linh, tại các vườn trồng lan đạt tiêu chuẩn kỹ càng. Những cây được lấy mẫu phải có chiều cao trung bình từ 30-40 cm, có 14-16 cặp lá, đường kính thân cây trung bình khoảng 4mm và được trồng trong chậu nhựa hoặc chậu đất nung. Mỗi cây có 4-5 quả và tỷ lệ chín sinh lý không đều nhau. Những quả được chọn phải có màu xanh đậm và chín sinh lý, có kích thước theo quy định, không bị nứt được thu thập để vào mẫu.

Mẫu lan Giả hạc Di Linh sau khi làm sạch được khử trùng sẽ được tiến hành nhân giống In-vitro theo quy trình tóm tắt như sau: giai đoạn nuôi cấy khởi đầu để tạo chồi, cụm chồi; giai đoạn nhân nhanh; giai đoạn tạo rễ để tạo cây hoàn chỉnh. Ba giai đoạn này mất khoảng 28 tuần, sau đó cho cây con (kích cỡ cây cao 5cm, rễ dài 4cm, cây phát triển tốt, lá xanh đậm) đưa ra vườn ươm trồng, chăm sóc. Sau khoảng 24 tuần tiếp theo, cây có thể xuất vườn với kích cỡ cao 5-7cm, có 4-5 lá.

Theo ông Phan Quốc Chính, cây được nuôi trong môi trường In-vitro phải đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng theo chu kỳ nhất định. Ngoài thành quả tạo được hàng loạt giống cây lan giả hạc, đề tài còn xây dựng được quy trình chuẩn cho việc nhân giống cây này theo phương pháp In-vitro và có thể chuyển giao lại cho các đơn vị khác. “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã thử bổ sung dịch nghiền chuối mốc chín, nước dừa vào môi trường nuôi cấy. Kết quả cho thấy sự hình thành chồi và sinh trưởng của chồi cây cũng tăng lên nhanh hơn so với bình thường”- ông Chính cho hay.

Lan đột biến, Lan đột biến là gì, Cách tạo Lan đột biến, Lan Giả hạc Di Linh, Giải mã công nghệ tạo giống lan rừng quý hiếm, tạo lan đột biến, vị sao lan đột biến đắt
Một cây lan Giả hạc Di Linh đủ tiêu chuẩn xuất bán với giá 25.000 đồng/cây, rất rẻ so với thị trường hiện nay. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Giá rất rẻ

Sau khi hoàn thiện quy trình nhân giống In-vitro, 500 cây giống lan giả hạc đầu tiên được đưa ra vườn ươm tại Trạm Thực nghiệm Đơn Dương (huyện Đơn Dương) tiếp tục trồng thử nghiệm trên nhiều loại giá thể khác nhau trong vòng 3 tháng. Kết quả, tỷ lệ cây sống ngoài vườn ươm đạt 90%. Trong các loại giá thể đưa vào thí nghiệm, giá thể sợi xơ dừa giúp cây phát triển tốt nhất, chiều cao cây đạt 5,6 cm; chiều dài rễ 3,70 cm, tỷ lệ sống đạt 95% và cây có thân to, lá xanh đậm, nhiều lá.

Theo ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng, sau khi nghiệm thu đề tài, Trung tâm tiếp tục nhân giống khoảng 3.000 cây để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh với mức giá xuất bán chỉ khoảng 25.000 đồng/cây con. “Phương pháp nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm giúp cho việc nhân giống đạt số lượng lớn hơn nhiều lần so với nhân giống tự nhiên. Do vậy, mức giá mà Trung tâm đang bán ra thị trường như hiện nay là bình thường” - ông Chương cho biết.

Từ các kết quả nghiên cứu của đề tài, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng đã tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho cây giống lan Giả hạc Di Linh và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp nhận. Qua đó, nguồn gen lan rừng quý hiếm có nguồn gốc tại địa phương được bảo tồn và phát triển.

Theo ông Hồ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, chất lượng của cây giống In-vitro sẽ đảm bảo tính đồng đều cao hơn và vượt trội hơn so với phương pháp truyền thống, phục vụ cho việc bảo tồn nguồn giống và mục đích thương mại. Cây mẹ đầu dòng đã được lựa chọn kỹ càng sẽ giúp cây con bảo tồn được những đặc tính tốt nhất của cây mẹ, không riêng gì lan Giả hạc Di Linh mà cả các loại cây quý như sâm Ngọc Linh, hoa Trà mi...

Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ gây đột biến trên hoa lan

Nguyễn Dũng/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN