TTVH Online

Án kỷ luật dậy sóng của hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ

07/05/2021 06:28 GMT+7

Trước thềm Đại hội Liên đoàn khóa mới chuẩn bị diễn ra, bóng chuyền Việt Nam nổi sóng với vụ cú “bẻ kèo” của cô trò Kim Huệ, lá đơn khiếu nại từ đội bóng của một đại gia cùng án kỷ luật của VFV bị ngôi sao này phản ứng quyết liệt...

(Thethaovanhoa.vn) - Trước thềm Đại hội Liên đoàn khóa mới chuẩn bị diễn ra, bóng chuyền Việt Nam nổi sóng với vụ cú “bẻ kèo” của cô trò Kim Huệ, lá đơn khiếu nại từ đội bóng của một đại gia cùng án kỷ luật của VFV bị ngôi sao này phản ứng quyết liệt. Thậm chí đến giờ Kim Huệ vẫn đang trong “cuộc đấu” chưa thấy hồi kết với Liên đoàn, mà mới nhất Bộ VH-TT&DL đã phải có ý kiến chỉ đạo.

HLV Kim Huệ và học trò nhận án phạt từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam

HLV Kim Huệ và học trò nhận án phạt từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam

Ngày 10/4/2021, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật HLV Phạm Thị Kim Huệ và các VĐV là Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh.

Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện “nóng” của môn vẫn được ví là có vị trí số 2 trong làng thể thao Việt, chỉ sau bóng đá nam được phơi bày.

Cú “bẻ kèo” vào phút chót và án kỷ luật bất ngờ

Hồi tháng 2 vừa qua, sau khi HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt rời đội chuyển đến Than Quảng Ninh, Kim Huệ khi đó là HLV phó được đôn lên làm “thuyền trưởng” đội bóng Ngân hàng Công thương. Cô đã có trận ra mắt, dẫn dắt các học trò đấu giao hữu với Bamboo Airway Vĩnh Phúc - đội bóng hạng A vừa nhận được cam kết đầu tư “khủng” từ hãng hàng không của tập đoàn FLC vào ngày 6/3.

Tới ngày 11/3, Kim Huệ cùng ba học trò là chuyền hai Thu Hoài, chủ công Phương Anh và libero Ninh Anh bất ngờ nộp đơn xin nghỉ Ngân hàng Công thương với đích nhắm rất rõ ràng gia nhập Bamboo Airway Vĩnh Phúc! Theo thông tin ngay từ khi ấy, bốn cô trò sẽ nhận được “lót tay” lên tới tiền tỉ cùng mức lương thuộc diện cao nhất làng bóng chuyền Việt.

Vì nhiều nguyên do khác nhau cuộc đi ở đình đám đó ấy đổ bể vào phút chót, trong đó lý do trực tiếp có thể thấy là 4 cô trò Kim Huệ không thể kịp thanh lý hợp đồng để về đội bóng mới do Ngân hàng Công thương với quyền hạn, vai trò hợp pháp của mình đã đăng ký họ trong danh sách đội bóng ngành ngân hàng dự tranh giải VĐQG 2021.

Sau đó, phía nhà tài trợ của Bamboo Airway Vĩnh Phúc đã có công văn gửi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) đề nghị không cho Kim Huệ cùng ba học trò đang ký tham gia thi đấu tại các giải đấu trong hệ thống với lý do “tổn hại tới uy tín của Hãng hàng không Bamboo Airway”.

Chú thích ảnh
Hoa khôi Kim Huệ quyết liệt hệt như khi còn thi đấu trong "cuộc chiến" mới với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: Quang Thắng

Qua xem xét, Liên đoàn ra thông báo không giải quyết vì giữa hai bên không có hợp đồng ràng buộc mang tính pháp lý, để rồi người hâm mộ bóng chuyền lại thấy cô trò Kim Huệ quay trở lại Ngân hàng Công thương chuẩn bị cho mùa giải VĐQG như bình thường. Thậm chí¸ Huệ vẫn được tin tưởng giao phó trọng trách HLV trưởng đội bóng.

Thế nhưng, đúng ngày khai mạc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021 (hôm 10/4), Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lại bất ngờ có quyết định cảnh cáo HLV Kim Huệ và 3 cầu thủ Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh, vì tội... đi đêm!

“Cuộc đấu” chưa có hồi kết!

Có lẽ chính Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng không thể ngờ câu chuyện lại diễn biến phức tạp và khó lường đến vậy từ một quyết liệt kỷ luật cảnh cáo do đích thân Chủ tịch Lê Văn Thành ký mà chẳng cần phải là người trong cuộc, ai cũng hiểu quyết định đó vừa “xoa dịu” đội bóng của đại gia mà cũng “giơ cao đánh khẽ" Kim Huệ cùng ba học trò. Trên thực tế¸ cô trò Huệ vẫn có thể tham dự các giải đấu như bình thường dù có án kỷ luật này.

Tuy nhiên, quyết định kỷ luật này lập tức bị Kim Huệ phản ứng quyết liệt, nhất là cô chỉ biết nó qua các phương tiện truyền thông khi đang cùng đội tranh tài tại giải VĐQG ở Quảng Ninh. Thậm chí, trước khi nhận được quyết định chính thức, Kim Huệ cũng đã có trao đổi cùng Chủ tịch VFVvề án phạt và hỏi rõ lý do tại sao lại đưa ra án phạt đúng vào thời điểm nhạy cảm. Kim Huệ cũng vô cùng bức xúc khi cho rằng Liên đoàn chỉ nghe một phía để ra quyết định áp đặt, không có cơ sở pháp luật và không công bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự cá nhân mình cùng các học trò.

Cựu đội trưởng ĐTQG cũng khẳng định mình đang nhờ luật sư tư vấn, và sẵn sàng kiện Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, nếu không xem xét rút lại án kỷ luật. Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn, ông Lê Văn Thành cũng khẳng định quyết định kỷ luật này là chính xác do Kim Huệ cùng ba học trò đã thực hiện việc chuyển nhượng thiếu minh bạch.

“Cuộc đấu” giữa ngôi sao với Liên đoàn đã lên tới đỉnh điểm khi Kim Huệ chính thức “đăng đàn” thẳng thắn chia sẻ những thông tin, góc khuất phía sau vụ việc. Nó đã dậy sóng với giới chuyên môn, người hâm mộ, trên các diễn đàn đến mức Bộ VH-TT&DL phải vào cuộc, đề nghị VFV xem xét lại quyết định kỷ luật. “Cuộc đấu” này đến giờ vẫn chưa thấy hồi kết.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Những “lỗ hổng” sau vẻ hào nhoáng

Qua sự vụ dậy sóng của cô trò Kim Huệ cùng đội bóng của đại gia đã phơi bày những “lổ hổng” từ gốc của một nền bóng chuyền sau vẻ hòa nhoáng mang danh xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa. Trong đó, dĩ nhiên điều mà giới chuyên môn cùng người hâm mộ quan tâm nhất chính là câu chuyện thương thảo, đàm phán giữa cầu thủ khi đang còn hợp đồng với một đội bóng với một đội khác theo kiểu “đi đêm”. Trường hợp của cô trò Kim Huệ với Bamboo Airway Vĩnh Phúc đã hội tụ đầy đủ cho vấn đề bức bách và không hề mới ấy.

Nhìn nhận thẳng thắn¸ cô trò Huệ chỉ là một phần trong sự nhốn nháo này. “Vai” chính ở đây chính là đội bóng Bamboo Airway Vĩnh Phúc mới được cam kết đầu tư “khủng” đang rất cần người và muốn nhanh chóng có lực lượng mạnh¸ thành tích cao. Cầu thủ có thể tham gia “đi đêm” song chỉ có đội bóng mới “chèo kéo” được. Một “phần” chính nữa chính là đội bóng Ngân hàng Công thương Việt Nam với nguy cơ rã đám¸ yếu kém và lỏng lẻo trong ràng buộc hợp đồng¸quản lý cầu thủ. Ở chính đội bóng Ngân hàng Công thương Việt Nam đã diễn ra một cuộc “tháo chạy” tập thể¸ mà ngay trước cô trò Kim Huệ là HLV trưởng Kim Huệ cùng ba học trò khác “cập bến” Than Quảng Ninh cũng theo cách không khác gì.

Gốc rễ của câu chuyện nằm ở bản quy chế chuyển nhượng sau 10 năm ban hành vẫn hoàn toàn “việt vị” gắn với vai trò mờ nhạt¸lúng túng và bị động của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Bản quy chế không chỉ lạc hậu, bất cập nhiều nội dung cơ bản mà quan trọng hơn không có tính khả thi, chỉ tồn tại cho có mà không hề được triển khai thực hiện, sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Liên đoàn mới chỉ ứng phó mỗi khi xảy ra tranh cãi, khiếu nại thay vì phải nhìn nhận giải quyết một cách căn cơ.

Nhìn rộng ra¸ sự vụ liên quan đến Kim Huệ mà phía sau đó là câu chuyện chuyển nhượng bế tắc, cũng chỉ là một trong nhiều câu chuyện “nóng” của bóng chuyền Việt Nam, nổi lên ngay trước thềm mùa giải 2021 và Đại hội khóa mới của VFV. Đó là sự biến mất của đội bóng giàu truyền thống và bản sắc nữ Truyền hình Vĩnh Long, một thảm cảnh, cho dù chuyển phiên hiệu cùng lực lượng cho đội bóng đất cố đô Ninh Bình Doveco mới thành lập. Đó là sự sụp đổ khó tin của một mẫu hình đầu tư, đào tạo¸thành tích hàng đầu - Ngân hàng Công thương Việt Nam, giờ chỉ còn cố gắng duy trì và có làm lại cũng phải mất hàng chục năm cũng chưa lấy lại được... Rồi cuộc khủng hoảng lực lượng, thiếu hụt cầu thủ chất lượng nghiêm trọng, gắn với sự yếu kém, tụt hậu kéo dài của công tác đào tạo, vẫn chưa có lối ra, phần nào đó còn tệ hại hơn.

Theo giới chuyên môn đánh giá, môn số 2 của thể thao Việt Nam dù nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt từ người hâm mộ, doanh nghiệp song đang bị lỗi nhịp và mất kiểm soát, mà trong đó có trách nhiệm lớn thuộc về Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.

Ra đời từ 2010, Quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền gồm 5 chương¸16 điều. Quy chế quy định trình tự, thủ tục chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền trong nước và quốc tế, quyền và nghĩa vụ của các bên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, kinh phí chuyển nhượng và chi phí đào tạo.

Thế nhưng, như một nghịch lý, bản quy chế này chỉ được dẫn ra mỗi khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại như một minh chứng của sự bất lực và thất bại trong thực thi vấn đề lớn, nóng là chuyển nhượng. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam với “hành lang pháp lý” này đã không hề phòng chống được gì hiện tượng “đi đêm” và “chèo kéo”, không tạo nên được tính quy chuẩn và chuyên nghiệp trong việc thương thảo, ký kết, quản lý hợp đồng giữa CLB với VĐV, không điều chỉnh và xử lý hoạt động chuyển nhượng nào từ ý thức, nhận thức cho tới thực tế.

Tường Nhi

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN