TTVH Online

Phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý: 'Bản địa hóa' nghi lễ tắm Phật

06/05/2021 19:04 GMT+7

Trong quá trình phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý, PGS-TS Trần Trọng Dương cùng các cộng sự đặc biệt chú trọng vào 2 mô-típ Nhị long phún thủy và Cửu long phún thủy để thấy được sự khác biệt giữa Phật giáo Đông Á và Nam Á.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong quá trình phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý, PGS-TS Trần Trọng Dương cùng các cộng sự đặc biệt chú trọng vào 2 mô-típ Nhị long phún thủy và Cửu long phún thủy để thấy được sự khác biệt giữa Phật giáo Đông Á và Nam Á, cũng như quá trình bản địa hóa của hình tượng Thích Ca sơ sinh với nghi lễ tắm Phật.

Phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý: Tiếp biến hình tượng Thích Ca sơ sinh

Phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý: Tiếp biến hình tượng Thích Ca sơ sinh

Hình tượng Thích Ca sơ sinh xuất phát từ truyền thuyết Đức Phật đản sinh được chép trong nhiều bộ kinh khác nhau, với nhiều phiên bản xuất nhập. Và hình tượng này được hiện thực hóa thông qua nhiều hình thái nghệ thuật Phật giáo khác nhau ở cả Nam Á và Đông Á.

1. Hình tượng Thích Ca sơ sinh được coi là trung tâm của nghi lễ tắm Phật trong văn hóa Phật giáo. Bằng việc liên kết từ hình ảnh hiện vật đến tư liệu trong kinh điển Phật giáo cho thấy sự chuyển biến về mặt hình tượng Thích Ca sơ sinh đặt trong nghi lễ tắm Phật.

Kế thừa nghiên cứu đi trước và khảo sát hệ thống kinh điển Phật giáo, PGS-TS Trần Trọng Dương cho hay, trong kinh điển mô tả hình tượng đôi rồng là phổ biến, còn Cửu Long có ít hơn. Trong các kinh điển như: Phật tổ thống kỷ, Thích Ca Phổ chuyển dẫn, Thi Thiết Luận, Đại Đường Tây Vực ký, Kinh Trung A Hàm,… đều nhắc đến hình tượng Nhị long phún thủy.

Chú thích ảnh
Tòa Thích ca sơ sinh đặt trong ao Linh Chiêu, cạnh Liên Hoa Đài - trung tâm của chùa Diên Hựu thời Lý. Ảnh: Sen Heritage

Điển hình, Thích Ca Phổ chuyển dẫn từ kinh Quá khứ hiện tại nhân quả ghi: “Bấy giờ, long vương Nan đà và long vương Bạt đà, ở trong không trung, phun hai luồng nước ấm và mát, tắm cho thái tử”. Đại Đường Tây Vực ký do Huyền Trang khẩu thuật, Biện Cơ ghi, có đoạn nói về rừng Liệp Phạt Ni miêu tả: “khi Bồ tát hạ sinh, hai con rồng hiện ra, trú trong hư không, mỗi con đều phun nước ra, một mát một ấm, để tắm thái tử”.

Trong khi đó, thuyết về Cửu long phún thủy trong kinh điển Phật giáo chỉ xuất hiện ít ỏi trong một số kinh sách như: Kinh Phổ Diệu, Phật tổ lịch đại thông tải. Cụ thể, Kinh Phổ Diệu nói không những có chín rồng phun nước mà có cả Đế Thích, Đại Phạm đến tắm thái tử, rằng: “chư thiên, Đế Thích, Đại Phạm bỗng nhiên giáng xuống, dùng thứ nước có chứa nhiều loại hương thơm nổi tiếng để tắm gội cho Bồ tát, bên trên có chín con rồi phun nước thơm xuống, tắm gội cho bậc thánh tôn quý”. Hay Phật tổ lịch đại thông tải ghi “khi sinh (thái tử), có chín con rồng phun nước, tắm trong chậu vàng xong, (thái tử) đi quanh bảy hướng, mỗi hướng bảy bước và nói “đây là thân sau cùng của ta, trên trời dưới trời, chỉ có ta là bậc tôn quý”.

Chú thích ảnh
Tượng thích ca sơ sinh đứng trong tòa Cửu Long thế kỷ 17-18 thời Lê Trung Hưng. Ảnh: Tư liệu

Đặt tư liệu trong các kinh điển Phật giáo trên, giả thuyết tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý với hình tượng 2 con rồng chầu vào Đức Thích Ca sơ sinh ở giữa đã phản ánh một phương diện kinh biến trong hệ thống tư liệu khảo cổ Việt Nam. Đó cũng là sự hiện thực hóa kinh điển Phật giáo mô tả theo thuyết song long đặc trưng cho dấu ấn nghệ thuật Phật giáo thời Lý khác với các giai đoạn Tu Di tòa ở Việt Nam sau này trong các thời kỳ nhà Mạc, Lê Trung Hưng,… chủ yếu là hình tượng Cửu long vẫn còn hiện tồn.

Cụ thể, theo nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn, “từ Lê Trung Hưng cho đến Nguyễn, tức từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX, các dấu tích văn vật của tòa Cửu long đã trở nên phong phú hơn bao giờ hết, bởi tòa Cửu long đã trở thành một phần không thể thiếu trong thượng điện của bất kỳ ngôi chùa nào”. Có thể kể ra hàng loạt hiện vật tòa Cửu long tại chùa Hội Xá (Hà Nội), chùa Bảo Đài Cổ Sái (thuộc quần thể chùa Hương Tích), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Đại Bi (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), chùa Phúc Khánh (Hà Nội),…

Chú thích ảnh
Tòa Cửu Long gỗ, sơn son thếp vàng, thế kỷ 18 – 19. Ảnh: TTD

2. Tiếp cận sử liệu Việt Nam, theo PGS-TS Trần Trọng Dương, hoạt cảnh Đức Phật đản sinh với nghi lễ tắm Phật đã được ghi lại rất sớm trên bia ký. Đặc biệt là quy mô tắm Phật hoàng gia thời Lý trong chùa Diên Hựu được đề cập đến trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh năm 1121 đời vua Lý Nhân Tông, do Nguyễn Công Bật soạn rằng: “Để sáng mồng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày nghi thức cầu an; ang nước đặt lễ nghi tắm Phật. Ngũ chúng vẽ hình dung cẩn thận, đều hở vai tiến thoái trang nghiêm; Tứ phương đặt mấy đội thiên vương, giơ pháp khí bồi hồi dâng múa”.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Hàng tháng, cứ ngày rằm mồng một và mùa hạ ngày mùng 8 tháng 4, vua xa giá ngự đến, đặt lễ cầu sống lâu, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm thành lệ thường”. Hay An Nam chí lược của Lê Tắc ghi: “Ngày mồng tám tháng tư, mài trầm hương, bạch đàn hòa vào nước tắm Phật, dùng bánh trôi để dâng cúng”. Những cứ liệu này cho thấy nghi lễ tắm Phật đã trở thành một nghi lễ tôn giáo ở tầm quốc gia, khi nhà Lý coi Phật giáo là quốc giáo.

Từ quá trình khảo cứu, tiếp cận các “mảnh vỡ” lịch sử, nguồn sử liệu, kinh điển Phật giáo, PGS-TS Trần Trọng Dương đã đưa ra một số nhận thực mới xung quanh hiện vật phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý rộng ra là nghi lễ tắm Phật trong văn hóa Phật giáo. Cụ thể, ở góc độ sử liệu chữ viết cho thấy thời Lý đã có lễ tắm Phật ở các chùa hoàng gia như chùa Diên Hựu. Đây cũng là hoạt động thường xuyên không chỉ được thực hiện vào ngày Phật đản sinh 8/4 Âm lịch mà còn vào mùng 1 và 15 hàng tháng.

Trong khi đó, ở góc độ sử liệu hiện vật, Tu Di đài với hình tượng song long là hình tượng đặc trưng của thời Lý cùng với hệ thống trang trí cửu sơn bát hải, biểu tượng cho 9 núi 8 biển trong thế giới quan Phật giáo và hoa sen. Đây là hiện vật song long phún thủy không theo mô-típ Cửu long phún thủy như ở nghệ thuật Đôn Hoàng, cũng không theo mô-típ Thánh mẫu Ma Da sinh hạ Đức Phật trong vườn cây theo nghệ thuật Phật giáo Nam Á.

Cũng theo PGS Dương, việc phục dựng lại hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý sẽ gắn liền với việc phục dựng lại lễ tắm Phật ở tầm mức quốc gia, trong không gian cụ thể là Chùa Diên Hựu, sẽ góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như văn hóa Phật giáo đến với xã hội ngày nay.

Công Bắc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN