TTVH Online

Tiềm năng phát triển du lịch Bắc Giang nhìn từ danh thắng Tây Yên Tử

23/03/2021 07:00 GMT+7

"Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" thuộc địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương hiện đang đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ Di sản thế giới.

(Thethaovanhoa.vn) - "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" thuộc địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương hiện đang đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ Di sản thế giới.

Xây dựng hồ sơ đề cử danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới

Xây dựng hồ sơ đề cử danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới

Văn phòng Chính phủ có Công văn số 768/VPCP-KGVX về việc gửi Báo cáo tóm tắt đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ Di sản thế giới.

Ba tỉnh cùng sở hữu quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với 5 khu vực chính, trong đó khu di tích danh thắng Tây Yên Tử gồm 4 huyện thuộc tỉnh Bắc Giang: Sơn Động, Yên Dũng, Lục Nam và Lục Ngạn. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai thuộc tỉnh Hải Dương. Quảng Ninh có 2 khu di tích riêng biệt, đó là khu Đông Yên Tử ở thành phố Uông Bí và khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều.

Quần thể này có cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa gắn kết ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Với những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc mang tầm quan trọng đặc biệt, quần thể di tích danh thắng Yên Tử đã có nhiều di tích được công nhận là di sản cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.

Chú thích ảnh
Danh thắng Tây Yên Tử gồm 4 huyện thuộc tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TL

Trong cuộc hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử” do tỉnh Bắc Giang tổ chức trước đây, các chuyên gia nhận định: Nếu Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của vị vua từng rũ bỏ vinh hoa phú quý, chuyên tâm tu hành và tạo dựng một dòng Thiền mang bản sắc dân tộc Việt.

Sau khi Phật hoàng nhập niết bàn, sư Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở Bắc Giang. 

Chú thích ảnh
Ảnh: Nguyễn Thành Sơn

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng: Không gian văn hóa Yên Tử sẽ bao trùm tất cả các giá trị văn hóa của Yên Tử. Chỉ riêng di sản văn hóa phi vật thể đã đa dạng và phong phú, chưa kể đến các di sản vật thể và danh thắng khác. 

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, lại đưa ra ý kiến: Ngoài những giá trị lịch sử văn hóa đã được khẳng định, quần thể di tích Yên Tử còn có thế mạnh về cảnh quan sinh thái.

Đây là vùng đại diện tiêu biểu của cảnh quan sinh thái trên địa bàn của cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang, bởi ở đó tích hợp đầy đủ các yếu tố địa hình đặc trưng rừng núi, trung du, đồng bằng và biển.

“Khi di sản được UNESCO công nhận thì sẽ tôn vinh vị thế của quốc gia dân tộc trên trường quốc tế. Yên Tử được UNESCO công nhận, người ta sẽ biết đến Việt Nam, biết đến Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Dương nhiều hơn” - GS.TS Trương Quốc Bình khẳng định.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều dấu tích văn hóa thời Lý, Trần ở các dãy núi Tây Yên Tử (Bắc Giang). Những giá trị tiêu biểu của khu di tích đã và đang được quan tâm bảo tồn, phát huy gắn với du lịch tâm linh, sinh thái. 

Thảo Nhi

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN